Mỹ có nguy cơ ngừng các cơ sở xuất khẩu dầu khí ngoài khơi?

Chính quyền Joe Biden đang phải chịu áp lực trong việc phải nỗ lực hạn chế hoạt động buôn bán nhiên liệu hóa thạch đang bùng nổ của Hoa Kỳ khi dừng các cơ sở xuất khẩu dầu ngoài khơi mới, cũng như tạm ngừng cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt.

Hình minh họa

Hình minh họa

Một liên minh gồm 20 nhóm môi trường đã gửi thư cho các quan chức Mỹ yêu cầu đóng cửa các cơ sở xuất khẩu dầu ngoài khơi, tương tự như động thái được chính quyền Biden công bố hồi đầu năm nay khi thông báo tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Một lá thư gửi Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ yêu cầu đánh giá lại liệu việc xuất khẩu dầu thô có vì lợi ích quốc gia hay không, vì chúng gây “ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thảm khốc và cần phải giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ để không làm cản trở con đường hướng tới nền kinh tế năng lượng sạch”.

Tuần này, các nhà hoạt động cũng dự kiến sẽ thúc ép Chính quyền Biden gia hạn vô thời hạn việc tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu LNG, với lý do ngành này phát thải rất lớn và tác động đến cộng đồng và ngư dân dọc theo bờ biển Vịnh Mexico, mặc dù chính quyền nước này đã thông báo việc tạm dừng sẽ kết thúc trong vòng một năm.

Trong khi đó, hơn 200 nhóm môi trường khác đã kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc hội cắt đứt mọi nguồn tài trợ hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch trên khắp nước Mỹ và vùng biển liên bang, với lý do cần phải nhanh chóng loại bỏ dần việc khai thác dầu, khí đốt và than để tránh biến đổi khí hậu thảm khốc.

Ashley Nunes, chuyên gia chính sách đất công tại Trung tâm Đa dạng Sinh học, cho biết: “Quốc hội đã ưu ái ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ, gây tổn hại cho hàng triệu mẫu đất công. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo của chúng ta chấm dứt việc tài trợ cho các hoạt động hoàn toàn trái ngược với bảo vệ khí hậu”.

Tổng thống Biden đã thông qua đạo luật mang tính bước ngoặt về khí hậu và hành động cắt giảm khí thải từ ô tô, xe tải và nhà máy điện, nhưng lại chủ trì tình trạng dư thừa chưa từng có trong hoạt động khoan dầu khí và lợi nhuận của ngành. Năm ngoái, Mỹ đã khai thác nhiều dầu khí hơn bất kỳ quốc gia nào từng làm được trong lịch sử.

Một mục tiêu cụ thể là sự phát triển của các cơ sở ngoài khơi ở Vịnh Mexico để xuất khẩu dầu thô. Tháng trước, trước sự giận dữ của các nhà vận động, Chính quyền Biden đã phê duyệt giấy phép dự án Sea Port 0ilterminal, một giàn nằm cách bờ biển Texas 30 dặm sẽ vận chuyển tới 2 triệu thùng dầu mỗi ngày sau khi hoàn thành.

Ba terminal khác hiện cũng đang được xem xét, với những người ủng hộ cho rằng chúng sẽ tạo ra việc làm và hoạt động kinh tế. Theo Jim Teague, CEO của Enterprise, đơn vị điều hành Sea Port oil terminal cho biết “dự án này thân thiện với môi trường, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn để cung cấp dầu thô cho thị trường toàn cầu”.

Những người phản đối chỉ ra không có dự án dầu mới nào có thể được tiến hành nếu thế giới đáp ứng các mục tiêu về khí hậu mà Mỹ đã ký kết. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng năng lượng mới sẽ tạo thêm gánh nặng cho các cộng đồng vùng Vịnh vốn đã phải sống cùng với vòng xoáy ô nhiễm không khí và nước do mạng lưới các nhà ga và đường ống công nghiệp ngày càng phức tạp.

Sam Sankar, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách các chương trình tại Earthjusticecho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng việc xây dựng các terminal lớn để xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch và đặt chúng ở những nơi mà mọi người đang sống với không khí bị ô nhiễm khủng khiếp, vi phạm các chính sách mà Tổng thống Biden đã đưa ra”.

Việc đẩy mạnh các cơ sở xuất khẩu ngoài khơi diễn ra trong bối cảnh các công ty dầu mỏ đang nỗ lực tiếp cận các nguồn tài nguyên nằm cách đáy biển vùng Vịnh vài dặm dưới nước. BP, công ty chịu trách nhiệm về thảm họa tràn dầu Deepwater Horizon năm 2010, đang khơi lại tham vọng khoan dầu ngoài khơi, nhấn mạnh an toàn là ưu tiên hàng đầu của công ty.

Sankar, phó cố vấn trưởng của ủy ban điều tra thảm họa dưới thời Barack Obama, nói rằng những lo ngại lớn về hoạt động này vẫn còn.

Ông nói: “Bất kỳ ai trong ủy ban chống tràn dầu đều đồng ý các nguyên tắc cơ bản của hệ thống quản lý không thay đổi. Người nộp thuế và hệ sinh thái vùng Vịnh tiếp tục gánh chịu rủi ro và tác động vẫn rất lớn. Mô hình này đã không thay đổi kể từ đó”.

Khi được hỏi về việc tạm dừng xuất khẩu dầu, người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho biết họ “đã và sẽ tiếp tục thực hiện hành động này nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của nước này sang một tương lai năng lượng sạch, mang lại lợi ích cho cộng đồng, người lao động và nền kinh tế của nước Mỹ”.

Erik Milito, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đại dương Quốc gia, cho biết “việc tự ý hạn chế khả năng xuất khẩu năng lượng của Mỹ sẽ gây tổn hại vô cùng lớn, không chỉ đối với Mỹ và bờ biển vùng Vịnh mà còn đối với các đồng minh, những nơi phụ thuộc vào nguồn năng lượng toàn cầu ổn định và giá cả phải chăng của Mỹ”.

Ông Donald Trump, người sẽ đối đầu với ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, đã tuyên bố sẽ bãi bỏ nhiều quy định môi trường xung quanh việc khoan dầu, được cho là để đổi lấy những quyên góp cho chiến dịch tranh cử của ngành dầu mỏ. Khi còn ở Nhà Trắng, ông Trump đã bãi bỏ một số quy tắc an toàn được đưa ra sau thảm họa Deepwater Horizon.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-co-nguy-co-ngung-cac-co-so-xuat-khau-dau-khi-ngoai-khoi-711624.html