Ca sĩ Thùy Dung và tình yêu cho tương lai

QĐND Online - Seedlink là nơi đào tạo âm nhạc, ngoại ngữ, tạo hình, kỹ năng diễn thuyết... cho thiếu nhi của ca sĩ Thùy Dung và chồng chị - giảng viên kèn Clarinet Vương Toàn Lâm. Anh chị cho rằng dự án âm nhạc này là chuẩn bị cho tương lai những đứa con của mình, để sau này lớn lên bọn trẻ được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản.

Dạy học là niềm đam mê lớn nhất của tôi Trong làng nhạc nhẹ Việt Nam, nữ ca sĩ Thùy Dung luôn để lại trong công chúng về một hình ảnh, một dấu ấn với khán giả bằng chất giọng đằm thắm và phong cách trình diễn vừa trữ tình vừa sang trọng không thể lẫn. Hơn 20 năm theo đuổi nghệ thuật, đã có lúc Thùy Dung phải nếm trải những sóng gió của cuộc sống nhưng những thanh âm trầm bổng của tiếng dương cầm đã giúp chị lấy lại thăng bằng để tiếp tục đi trên con đường mà mình đã chọn. Đến nay, Thùy Dung đã tìm được bến bờ hạnh phúc bên người chồng là giảng viên- Thạc sĩ Vương Toàn Lâm và cũng là mối tình đầu từ thuở cắp sách đến trường của chị. Được đứng trên sân khấu thể hiện những ca khúc mình yêu thích là niềm đam mê của Thùy Dung nhưng môi trường sư phạm là nơi mà chị nguyện sẽ theo suốt cuộc đời. Hai vợ chồng chị hiện đang là giảng viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam nên “máu” nghề nghiệp thôi thúc anh chị mở một cơ sở đào tạo âm nhạc, múa, thanh nhạc, ngoại ngữ, tạo hình, diễn thuyết... lấy tên là Seedlink, dành cho mọi lứa tuổi ở địa chỉ số 1/129, ngõ Xã Đàn II, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Vừa đặt chân đến địa điểm này, tôi đã cảm nhận được không khí nghệ thuật tràn ngập khắp các khán phòng, với thanh âm trầm bổng của tiếng dương cầm và tiếng hát véo von của các em học sinh đang được cô giáo Thùy Dung luyện thanh. Mặc dù mới thành lập từ đầu năm mới 2010, nhưng ngôi trường nhỏ này đã thu hút 200 học sinh theo học các môn. Nhiều em đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt như Khánh Linh (10 tuổi, học lớp đào tạo MC), Hồng Ngọc, Khánh Linh lớp piano, lớp vẽ có em Thanh Bình và lớp tiếng Anh có em Minh Phương. Bỏ ra nhiều công sức, tiền của để đầu tư vào dự án lớn nhất trong cuộc đời nhưng vợ chồng Thùy Dung không dám nhận “ngôi nhà nghệ thuật” của mình là một Trung tâm hay trường nghệ thuật vì chị cho rằng gọi như vậy nghe nó lớn quá. “Mở ra địa điểm này, tôi chỉ mong muốn một điều là được truyền thụ những kỹ năng âm nhạc cho các em thiếu nhi và công chúng muốn thử sức mình trong lĩnh vực nghệ thuật này. Chẳng to tát và xa vời như nhiều người vẫn nghĩ đâu, âm nhạc cũng như toán, như văn, như ngoại ngữ và những kỹ năng khác mà mọi người cần phải học, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay” , Thùy Dung bộc bạch. Trở thành nghệ sĩ từ những phím đàn bằng giấy Hình ảnh nữ ca sĩ Thùy Dung vừa hát vừa đệm đàn piano trên sân khấu đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả những năm đầu thập niên 90. Có lẽ chị là người tiên phong khi thổi một luồng sinh khí mới cho ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chị tạo dấu ấn riêng khi hát nhạc Trịnh bằng chất giọng ngọt ngào, sâu lắng và phong cách trình diễn sang trọng. Với việc thể hiện xuất sắc ca khúc trong sêri phim “Cảnh sát hình sự” của nhạc sĩ Vũ Thảo, Thùy Dung tiếp tục khẳng định “đẳng cấp” của mình trên con đường âm nhạc. Ngoài ra, chị còn biểu diễn thành công nhiều ca khúc như: Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn; Gái xuân của Từ Vũ; Hà Nội mùa thu của Vũ Thanh; Nỗi buồn của nhạc sĩ Phú Quang... 17 năm học piano và tốt nghiệp loại ưu khoa thanh nhạc và khoa piano của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam là hành trang mơ ước của nhiều ca sĩ. Nhưng ít ai biết rằng để đạt được thành tích trên, Thùy Dung phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn, thậm chí không có cả tuổi thơ được vui chơi thỏa thích như các bạn nhỏ khác. Mặc dù không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng bố của Thùy Dung rất thích con gái trở thành một nghệ sĩ dương cầm nên ngay từ nhỏ ông đã rèn cho chị phải học piano 4 tiếng/ngày trên phím đàn bằng giấy. Sau đó, thấy con gái có năng khiếu âm nhạc nên ông quyết định bán một số tài sản trong gia đình để “tậu” cho Thùy Dung một chiếc đàn piano. Những năm tháng miệt mài bên phím đàn đã tôi luyện để Thùy Dung trở thành một nghệ sĩ như ngày hôm nay. Không thể sống mãi với hào quang của mình Sẽ chẳng ai sống mà không có tình yêu và đam mê, mà với người nổi tiếng thì điều này lại còn rõ ràng hơn. Thế giới đã chứng kiến một Alla Pugachova đầy khủng hoảng khi không còn là ngôi sao nữa, một Marylin Monroe chìm trong bi kịch khi nhan sắc bắt đầu rời xa mình… Bởi vậy, tôi nhận ra ca sĩ Thùy Dung thật khôn ngoan, chị đã biết chuẩn bị cho mình những năm tháng mới với một tình yêu mới. Khi nghe chị đầy nhiệt huyết và say mê nói về ngôi trường nhỏ của mình, tôi cũng chợt hiểu rằng Seedlink sẽ là ngôi nhà mà chị sẽ chăm chút, sống và hạnh phúc với nó. Và hơn thế nữa, đây chính là nơi trở về yên bình nhất sau những ồn ào của tuổi trẻ, sau những hào nhoáng của vinh quang. Điều mà không phải ngôi sao nào trong làng giải trí cũng có được. Không ít ngôi sao đã từng lạc bước và cũng không ít ngôi sao đã là nạn nhân từ chính sự nổi tiếng của mình. Chị tự hào khi nói về đức lang quân là người hiểu và biết lo cho vợ, không muốn chị bị mất cân bằng khi không còn mãi tuổi trẻ rực rỡ bởi không ai có thể sống mãi với ánh hào quang của sân khấu. Vì vậy, anh Lâm đã có ý tưởng mở Seedlink để cùng vợ và các đồng nghiệp tiếp tục vừa được sống trong môi trường nghệ thuật vừa góp phần vào việc đào tạo những tài năng âm nhạc trẻ. Luôn bận rộn với công việc giảng dạy, biểu diễn, tổ chức sự kiện nhưng Thùy Dung vẫn sắp xếp để có thời gian chăm con. Được nhìn thấy các con trưởng thành và khôn lớn từng ngày là niềm hạnh phúc của người phụ nữ này, nếu không đi biểu diễn xa nhà thì chị luôn dành phần việc đưa đón các con vào mỗi buổi đến trường. Trân trọng hạnh phúc mình đang có và vun đắp cho tổ ấm luôn tràn ngập tiếng cười là tâm nguyện mà ca sĩ Thùy Dung cố gắng giữ gìn đến hết cuộc đời bởi với chị để có được những thành công trong sự nghiệp như hôm nay có sự hỗ trợ đắc lực của chồng và gia đình. Bài và ảnh: Khánh Huyền

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/66/66/111985/Default.aspx