Ca sĩ Quốc Đại: Không dám phá cách khi hát nhạc trữ tình quê hương

'Có những thứ phá cách thì hợp và có những bài phá cách là phá luôn' - ca sĩ Quốc Đại nói.

Ca sĩ Quốc Đại

Tối nay (14/6), chương trình "Tỏa sáng sao đôi" sẽ lên sóng, với sự tham gia của ca sĩ Quốc Đại, người từng thành công và được khán giả yêu mến với dòng nhạc trữ tình quê hương Nam Bộ.

Hát nhạc trữ tình quê hương chuẩn giọng miền Nam là điều khó khăn

Nhạc trữ tình quê hương Nam Bộ được biết đến là dòng nhạc bình dân, gần gũi nên được nhiều ca sĩ theo đuổi nhưng không phải ai cũng thành danh. Về cơ duyên đến với dòng nhạc "tưởng dễ mà khó" này, Quốc Đại cho biết:

"Thông thường, ca sĩ khi tập hát hoặc học hát chính quy sẽ có thiên hướng hát bằng giọng miền Bắc vì đây được xem là giọng chuẩn.

Thế nhưng, các ca khúc trữ tình quê hương, đặc biệt là dân ca Nam Bộ lại đòi hỏi hát bằng chất giọng miền Nam mới thể hiện được hết cái tình và cái hồn.

Ngay cả với những người con Nam Bộ như chúng tôi, để hát được những bài hát bằng đúng giọng miền Nam cũng là một sự khó khăn nhất định vì không phải ai cũng hát được trơn tru và mượt mà.

Với riêng cá nhân mình, tôi có được nhiều may mắn, thuận lợi khi đến với nhạc trữ tình quê hương. Tôi là người gốc Sài Gòn nên được tiếp xúc và giao tiếp thường xuyên với giọng miền Nam chuẩn.

Ca sĩ Quốc Đại

Đặc biệt, thứ quyết định ở đây là tôi vốn sở hữu chất giọng phù hợp để thể hiện những ca khúc trữ tình quê hương. Điều này không phải ai cũng có. Bên cạnh đó, tôi còn có tình yêu mãnh liệt và nồng cháy dành cho dòng nhạc này. Tình yêu ấy giúp tôi tìm hiểu sâu hơn, hát cảm xúc, mãnh liệt hơn".

Ngoài ra, Quốc Đại còn chia sẻ thêm một kỹ năng hát nhạc trữ tình quê hương Nam Bộ. Anh nói:

"Việc phát âm đúng khi tập sẽ dễ hơn tập phát âm sai vì bản chất giọng miền Nam do tính vùng miền nên nói với âm điệu khác, không theo sát chính tả. Do đó, học sai thường khó hơn học đúng. Nhưng tất nhiên, hát dù không theo sát chính tả vẫn phải rõ ràng câu chữ.

Trước đây, tôi hát theo âm hưởng dân ca Nam Bộ nhưng lại khá nặng tính học thuật nên thành ra chưa đúng và hơi xa rời, thiếu cảm xúc, không gần gũi với khán giả, đặc biệt là bà con miền Tây.

Cho đến khi được nhạc sĩ Minh Vy gọt dũa, tôi đã hát được một cách mộc mạc và đơn sơ nhất, thấm đượm cảm xúc. Từ khi đó, tôi mới tìm được tiếng nói chung với khán giả ở dòng nhạc này".

Không dám phá cách khi hát nhạc trữ tình quê hương

Sau khi trải qua nhiều năm làm nghề, phát hành nhiều sản phẩm, Quốc Đại nhận ra rằng:

"So với các dòng nhạc khác thì trữ tình quê hương lại không được nhiều ca sĩ thường xuyên thay đổi và phá cách. Một phần là bởi dòng nhạc này luôn có sự ổn định và bền vững, đồng thời được mặc định cho sự nhẹ nhàng, duyên dáng.

Và quan trọng hơn là khán giả khó chấp nhận cái mới khi nghe nhạc trữ tình quê hương. Mọi người thường không thích nghe những việc áp dụng âm thanh mới vào thứ nhạc đã in sâu trong ký ức, cuộc sống.

Bản thân tôi lại rất muốn áp dụng những điều mới mẻ vào các ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình và thực tế đã trực tiếp thử nghiệm, nhưng lại không dám phát hành vì sợ bị chửi.

Tôi remix lại các ca khúc ấy rồi tự nghe, nghe xong rồi thôi cất vô tủ luôn, khóa kín lại, gắn chữ tuyệt mật rồi ném chìa khóa đi luôn.

Tôi không dám đưa những ca khúc đó cho ai nghe chứ đừng nói tới phát hành cho khán giả. Có những thứ phá cách thì hợp và có những bài phá cách là phá luôn. Hát nhạc trữ tình quê hương mà phá cách là phá luôn.

Vì đã thử rồi nên tôi cảm thấy giữ nguyên được cái chất vốn có của nó vẫn tốt hơn".

Chính bởi tên tuổi Quốc Đại gắn liền với dòng nhạc trữ tình quê hương, đặc biệt là với khán giả miền Tây nên nam ca sĩ luôn xem vùng đất này như quê hương thứ hai của mình. Anh nói:

"Thực sự khán giả miền Tây đã nuôi tôi từ rất lâu rồi, cũng được gần 20 năm qua. Đi tới đâu ở miền Tây tôi cũng được khán giả yêu thương nên cảm giác như được về nhà".

Tùng Ninh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ca-si-quoc-dai-khong-dam-pha-cach-khi-hat-nhac-tru-tinh-que-huong-20230614023847585.htm