Bước chuyển mình nơi xã nghèo biên giới

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Châu Khê (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã có nhiều cách làm mới, hiệu quả giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn biên giới.

Nhờ được hỗ trợ lợn giống cùng hướng dẫn kỹ thuật, gia đình ông Lương Văn Cương ở bản Khe Nà phát triển chăn nuôi tốt, tạo thu nhập ổn định.

Theo chân các chiến sĩ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Châu Khê chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa của gia đình ông Lô Văn Quỳnh, ở bản Khe Nóng, xã Châu Khê. Tận mắt thấy những bông lúa trĩu hạt đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch, hứa hẹn một vụ mùa bội thu mà vui lây cùng gia đình ông Quỳnh. Để có được cánh đồng lúa nước như thế này theo ông Quỳnh đã có không biết bao nhiêu công sức của cả gia đình, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhất là các chú bộ đội biên phòng.

Ông Quỳnh tâm sự, bản Khe Nóng, xưa kia người dân sống chủ yếu bằng nghề săn bắt và hái lượm. Cái tên “Nóng” là tên một loài cây có nhựa độc, người dân địa phương vẫn dùng nhựa để tẩm vào mũi tên để đi săn bắn. Nên việc thay đổi thói quen từ săn bắn sang trồng trọt, nhất là trồng lúa nước hai vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đời sống của người dân nơi đây cũng như gia đình ông. Những ngày đầu khai hoang làm lúa nước, gia đình gặp không ít khó khăn, do chưa biết kỹ thuật canh tác lúa nước là như thế nào.

Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành trong xã; đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng đã trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” từ hướng dẫn cách cầm cày làm đất; chọn, ngâm ủ giống; đến trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa. Nhờ đó, gia đình ông đã dần thành thạo trong sản xuất lúa nước.

Không chỉ có ông Quỳnh mà nhiều hộ đồng bào trong bản đã được các chú, các anh bộ đội “cầm tay chỉ việc” nên đã dần thuần thục cách canh tác lúa nước. Giờ đây, thay cho việc phá rừng làm nương rẫy thì người dân ở bản Khe Nóng đã khai hoang mở rộng được nhiều hecta lúa nước hai vụ ăn chắc nên cái đói mùa giáp hạt đã được đẩy lui.

Xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) có diện tích tự nhiên hơn 440 km²; có gần 25km đường biên giới với nước bạn Lào và 70% diện tích là núi rừng. Xã có bốn thành phần dân tộc sinh sống là Thái, Kinh, Khơ mú và tộc người Đan Lai.

Thượng tá Trần Văn Tài, Chính trị viên đồn Biên phòng Châu Khê cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng địa bàn xã biên giới Châu Khê. Tuy nhiên, Theo chuẩn hộ nghèo mới, hộ nghèo và cận nghèo nơi đây chiếm tỷ lệ khá cao; một bộ phận đồng bào đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là tộc người Đan Lai. Để góp phần giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, Đồn Biên phòng Châu Khê đã thực hiện phương châm “ba bám”, “bốn cùng” với đồng bào, nhằm giúp họ phát triển kinh tế thông qua các mô hình trồng lúa nước, chăn nuôi lợn, trồng keo… ngay tại địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Châu Khê thường xuyên bám địa bàn để tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Để triển khai có hiệu quả các hoạt động giúp người dân, đơn vị đã lựa chọn các đồng chí am hiểu phong tục tập quán, thông thạo tiếng đồng bào, trực tiếp xuống địa bàn, cầm tay chỉ việc giúp bà con.

“Chúng tôi đã trực tiếp đến từng hộ dân, khảo sát hoàn cảnh, nhu cầu của đồng bào để có phương án hỗ trợ phù hợp. Ví dụ như gia đình ông Quỳnh, bộ đội đã giúp đỡ gia đình ông lựa chọn giống lúa phù hợp chất đất để gieo trồng, hỗ trợ cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất cao nhất”. Trung úy Và Bá Xênh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Châu Khê nhấn mạnh.

Không chỉ hỗ trợ người dân trồng lúa nước, Bộ đội đồn Châu Khê còn hỗ trợ giống và hướng dẫn người dân trồng cây keo. Trước kia người dân thường chỉ đào hố và trồng cây rồi chờ thu hoạch, ít chăm sóc, tỷ lệ cây sống thấp, năng suất rừng không cao; nay nhờ cầm tay chỉ việc của bộ đội nhiều hộ dân đã rút được kinh nghiệm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất tăng lên rõ rệt. Nếu trước kia rừng keo chỉ đạt 25 đến 30 triệu đồng/ha thì nay tăng giá trị lên 80 đến 90 triệu đồng/ha sau 5 năm trồng và chăm sóc. Hiện, toàn xã đã phát triển được hơn 86ha keo.

Ông Lô Văn Quỳnh ở bản Khe Nóng, chăm sóc vườn keo của gia đình.

Công tác phát triển chăn nuôi theo từng hộ dân cũng được quan tâm, hướng dẫn để đồng bào thực hiện có hiệu quả. Trước đây, người dân nơi đây khó phát triển nông nghiệp cũng như chăn nuôi, bởi khí hậu nơi đây cực kỳ khắc nghiệt và có nhiều loại côn trùng như ruồi vàng, bọ chó. Vì vậy, gia súc ở đây chăm thế nào cũng còi cọc. Những tưởng người dân sẽ mãi chịu cảnh thiếu thốn, đói nghèo và buông xuôi trước mẹ thiên nhiên, thế nhưng giờ đây người dân đã được Bộ đội Biên phòng trao tặng những con lợn được gây giống ngay tại địa phương để phát triển chăn nuôi.

Gia đình ông Lương Văn Cương, ở bản Khe Nà đã được Đồn Biên phòng trao tặng một cặp lợn giống. Đây là những con giống do chính các cán bộ, chiến sĩ của đồn nuôi dưỡng và chăm sóc ngay tại địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên nên sinh trưởng rất tốt. Cùng với hướng dẫn kỹ thuật từ phía Bộ đội Biên phòng mà qua bốn năm phát triển chăn nuôi, gia đình ông đã bán được bốn lứa lợn giống và lợn thịt, thu về mỗi lứa hàng chục triệu đồng.

“Các chú Bộ đội Biên phòng đã hướng dẫn cách chăn nuôi và làm chuồng trại hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn gia đình phát triển rất tốt. Từ ngày Bộ đội Biên phòng quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển kinh tế, trong đó có gia đình chúng tôi nên đến hôm nay những khó khăn đã được tháo gỡ. Gia đình hứa sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi, chăm sóc đàn lợn chu đáo hơn để thoát cái nghèo!”. Ông Cương chia sẻ.

Không chỉ gia đình ông Cương, trên địa bàn xã Châu Khê đã có 20 cặp lợn giống được Bộ đội Biên phòng trao tặng cho bà con. Từ số lợn giống này đã giúp cho các hộ nghèo có nguồn giống để phát triển chăn nuôi, tăng đàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ổn định cuộc sống.

Ông Kha Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Khê cho biết: Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Châu Khê còn hỗ trợ cho đồng bào về cây, con giống; hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc; hỗ trợ, phát triển tốt các mô hình kinh tế như làm ruộng nước, trồng rừng, chăn nuôi và từng bước nhân rộng các mô hình trên địa bàn toàn xã…, góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, toàn xã đã có 176ha lúa nước; 135,8ha ngô; gần 110ha sắn, lạc, rau các loại cùng 2.395 con trâu bò, 2.970 con lợn và đàn gia cầm hơn 42 nghìn con...

Đồn Biên phòng Châu Khê còn có sáng kiến xây dựng ngôi nhà thiện nguyện để huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân cộng đồng hỗ trợ người nghèo trên địa bàn hoàn toàn miễn phí với phương châm “ai cần đến lấy, ai có sẻ chia”. Ngôi nhà được triển khai xây dựng tại Trạm kiểm soát Biên phòng Khe Bu với đầy đủ các vật dụng như quần áo, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm người dân đang cần. Mỗi tháng hai lần, Đồn Biên phòng Châu Khê triển khai gian hàng 0 đồng. Ở đây sẽ có một số mặt hàng thiết yếu như quần áo, nhu yếu phẩm… mà đơn vị tổ chức vận động từ các mạnh thường quân để tặng cho bà con.

Chuẩn bị hàng hóa, quần áo, đồ dùng... tại ngôi nhà thiện nguyện để cấp cho người dân.

Để duy trì hoạt động ngôi nhà nhân văn này, Đồn Biên phòng Châu Khê và Mặt trận Tổ quốc xã Châu Khê đã kêu gọi quyên góp từ các mạnh thường quân nhằm giúp cho các hộ nghèo vơi bớt đi khó khăn.

Cuộc sống hiện tại của người dân xã Châu Khê chưa thể nói là đã thoát khỏi đói nghèo, nhưng rõ ràng bản làng đang ngày càng tươi sáng và nhiều bản đã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều đặc biệt, đã dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; nhận thức của đồng bào về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đã được nâng lên rõ rệt. Việc giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí cho nhân dân ở biên giới đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/buoc-chuyen-minh-noi-xa-ngheo-bien-gioi-post804538.html