Brazil đầu tư 100 tỉ đô la để trở thành cường quốc dầu mỏ toàn cầu

Petrobras, tập đoàn dầu khí do nhà nước Brazil kiểm soát, tuyên bố đầu tư 102 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn từ 2023-2028 để đưa nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ trở thành một trong những cường quốc dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Petrobras, tập đoàn dầu khí nhà nước Brazil, sẽ đầu tư 102 tỉ đô la Mỹ, tập trung vào hoạt động sản xuất và thăm dò dầu mỏ, trong giai đoạn 2023-2028. Ảnh: ciobulletin

Kế hoạch đầu tư, được CEO Jean Paul Prates của Petrobras công bố cuối ngày 23-11, cao hơn 31% so với mức 78 tỉ đô la mà tập đoàn vạch ra trước đó trong chương trình đầu tư 5 năm 2023-2027. Theo kế hoạch mới, hơn 70% ngân sách đầu tư nói trên sẽ được chi cho hoạt động sản xuất và thăm dò dầu mỏ.

Petrobras giải thích mức tăng này chủ yếu là do các dự án kinh doanh mới, bao gồm các thương vụ thâu tóm tiềm năng, và tái hợp nhất các tài sản mà chính quyền trước đó đã bán, cũng như chi phí lạm phát đang ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.

Petrobras cũng cho biết sẽ phân bổ 11,5 tỉ đô la từ ngân sách trên cho các sáng kiến carbon thấp, cao hơn gấp đôi so với kế hoạch trước đó. Các sáng kiến này bao gồm các nỗ lực khử carbon cũng như phát triển năng lượng carbon thấp, tập trung vào nhiên liệu sinh học, năng lượng gió và mặt trời, thu hồi và lưu trữ carbon, sản xuất nhiên liệu hydro.

Khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đầu tư mạnh vào năng lượng sạch để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, Brazil đang chi nhiều tiền hơn bao giờ hết cho sản xuất dầu bằng cách khai thác trữ lượng nước sâu ngoài khơi bờ biển Rio de Janeiro và nhắm tới những trữ lượng tiềm năng khổng lồ nằm gần cửa sông Amazon.

“Chúng tôi đi đến kết luận rằng, thế giới đang cần năng lượng sạch và ngày càng cần nhiều năng lượng sạch. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải lên án dầu mỏ và ngừng khai thác chỉ sau một đêm”, Jean Paul Prates nói trong cuộc phỏng vấn hôm 24-11.

Prates cho biết, nếu không kiếm được lợi nhuận từ dầu mỏ, Petrobras sẽ không thể đầu tư vào năng lượng tái tạo.

“Mục tiêu xanh là một quá trình chuyển đổi liên tục”, ông giải thích.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cùng với Mỹ và Iran, Brazil sẽ trở thành một trong ba nguồn tăng trưởng sản lượng dầu toàn cầu hàng đầu trong năm nay sau khi Saudi Arabia và Nga giảm nguồn cung để vực dậy giá dầu.

Brazil hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ chín thế giới và lớn nhất Mỹ Latin. Nước này đạt sản lượng dầu khí kỷ lục trong tháng 9, tương đương 4,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiều hơn gấp đôi so với Mexico. Trong đó, có 3,7 triệu thùng là dầu thô, tương đương hơn 25% sản lượng dầu mỗi ngày của Mỹ.

Theo Pedro Galdi, nhà phân tích đầu tư tại Công ty môi giới Mirae Asset Brasil, vấn đề đối với Petrobras không phải là dòng tiền hay chuyên môn kỹ thuật mà là chính trị.

Galdi lo ngại Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, người thuộc đảng Công nhân, mới nhậm chức hồi tháng 1, có thể tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn đối với cách điều hành Petrobras, công ty lớn nhất Brazil.

Từ năm 2011 đến năm 2016, dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Dilma Vana Rousseff, cũng thuộc đảng Công nhân, Petrobras thua lỗ 30 tỉ đô la sau khi chính phủ buộc tập đoàn dầu khí này phải tài trợ cho chương trình trợ cấp xăng và dầu diesel để chống lạm phát. Đến năm 2015, Petrobras trở thành tập đoàn dầu mỏ mắc nợ nhiều nhất thế giới, với tổng nợ khoảng 130 tỉ đô la.

Các lãnh đạo chính trị ở Brazil cũng sử dụng Petrobras như “con heo đất” trong nhiều thập niên, nhận hối lộ để cung cấp hợp đồng với giá được “thổi cao” cho các nhà thầu, theo cáo buộc của các công tố viên trong chiến dịch điều tra bê bối tham nhũng có tên gọi “Car Wash”. Vụ điều tra và xét xử sau đó khiến ông Lula da Silva phải ngồi tù 19 tháng từ tháng 4-2018 đến tháng 11-2019 khi ông được phóng thích trong thời gian chờ kháng cáo các tội danh tham nhũng và rửa tiền. Đến đầu năm 2021, tòa án tối cao Brazil hủy bỏ tất cả bán án hình sự đối với ông.

Jean Paul Prates cho biết, ông không phải chịu áp lực nào từ Tổng thống Lula da Silva về việc phải giảm giá bán xăng dầu trong nước, và không mong đợi điều đó.

“Tổng thống chưa bao giờ trực tiếp hoặc gián tiếp yêu cầu tôi can thiệp vào giá cả”, Prates khẳng định.

Carolina Chimenti, nhà phân tích cấp cao của Moody’s, nhận định những thay đổi về quản trị sau vụ bê bối tham nhũng đã giúp Petrobras không lặp lại những sai sót trong quá khứ. Bà cho biết, các quyết định ký hợp đồng ở Petrobras hiện được thực hiện bởi ban lãnh đạo chứ không chỉ một người, nhằm tăng cường tính minh bạch và ngăn chặn tham nhũng.

Chimenti lưu ý, Petrobras cũng đã bán một số nhà máy lọc dầu, từ bỏ độc quyền trong lĩnh vực này và giảm thị phần xuống khoảng 80%, khiến nhà nước khó kiểm soát giá bán lẻ tại các cây xăng.

Tuy nhiên, Adriano Pires, một chuyên gia dầu mỏ ở Rio de Janeiro cảnh báo, nếu giá dầu toàn cầu tăng mạnh, chính phủ Brazil có thể một lần nữa gia tăng áp lực để buộc Petrobras không tăng giá nhiên liệu ở thị trường trong nước.

Theo WSJ, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/brazil-dau-tu-100-ti-do-la-de-tro-thanh-cuong-quoc-dau-mo-toan-cau/