Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế tiếp tục đà phát triển tích cực cả 3 khu vực

Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15,65%). Thu hút FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ chiều 4/5. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 4/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết kinh tế xã hội tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Lạm phát được kiểm soát

Theo Bộ trưởng, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nông nghiệp phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%).

Ngoài ra, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,5%.

Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, khách quốc tế 4 tháng đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh.

“Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời,” Bộ trưởng cho hay.

Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá. Tính chung 4 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó xuất khẩu tăng 15% còn nhập khẩu tăng 15,4%.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với xu hướng thị trường, thị hiếu khách hàng quốc tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhấn mạnh việc đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15,65%). Thu hút FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%(và cao nhất trong những năm qua).

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực; trong 4 tháng có 51.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 3,4% về số doanh nghiệp và 9,3% về vốn đăng ký với cùng kỳ), đồng thời có hơn 29.700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4%.

Làm mới các động lực tăng trưởng

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, các thành viên Chính phủ cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục, trong đó nổi lên là sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng, nhất là về tỷ giá, lãi suất; nợ xấu có xu hướng tăng, đặc biệt còn hơn 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 chưa phân bổ…

Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao những tháng tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng cường áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu ngân sách; đẩy mạnh thu thuế, lệ phí không dùng tiền mặt, đồng thời sớm trình cấp có thẩm quyền về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Cụ thể, về đầu tư tập trung cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tăng cường chuyển đổi Số để giải quyết nhanh nhất thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; tăng cường các dự án hợp tác công tư, thu hút FDI có chọn lọc…

Về xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Trung đông, Mỹ latinh, sản phẩm Halal); Về tiêu dùng, tăng cường kết nối cung cầu; có gói khuyến mại kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, bao gồm: đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách; liên kết vùng; chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Xuất khẩu gạo tiếp tục đạt kết quả cao trong 4 tháng đầu năm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại; thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống.

Cùng đó, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và vùng nguyên liệu; huy động hiệu quả sự tham gia của nhà đầu tư, nhà khoa học và ngân hàng trong phát triển nông nghiệp; chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút du lịch…/.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-tran-van-son-kinh-te-tiep-tuc-da-phat-trien-tich-cuc-ca-3-khu-vuc-post943624.vnp