Bộ GDĐT công bố 5 nội dung thanh tra, kiểm tra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 1266/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ có 5 nội dung thanh tra, kiểm tra cụ thể như sau:

1. Công tác chuẩn bị thi:

Ở công tác này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi.

Số lượng là 10 đoàn tại 20 Sở (không tính các đoàn của Ban chỉ đạo cấp quốc gia và Lãnh đạo Bộ), thực hiện việc kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi, việc chuẩn bị in sao đề thi tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Thành phần đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; 03 người/đoàn.

Thời gian kiểm tra là 02 ngày/Sở Giáo dục và Đào tạo.

Còn các Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh tra hoặc kiểm tra để thanh tra hoặc kiểm tra công tác chuẩn bị thi và khu vực in sao đề thi.

Số lượng, thành phần đoàn, thời gian, nội dung, đối tượng sẽ do Thanh tra Sở tham mưu.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

2. Công tác coi thi:

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi của Sở Giáo dục và Đào tạo và việc tổ chức coi thi của Hội đồng thi, điểm thi.

Số lượng cán bộ tối thiểu tham gia đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp tại một Điểm thi theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi là 02 người; từ 20 – 40 phòng thi là 03 người; từ 41 phòng thi trở lên là 04 người.

Đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau, thì số cán bộ kiểm tra/điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do trưởng đoàn kiểm tra quyết định.

Thành phần đoàn kiểm tra gồm Cán bộ, giảng viên cơ hữu của các cơ sở đào tạo.

Thời gian kiểm tra theo lịch coi thi của Kỳ thi.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ thành lập đoàn thanh tra để thanh tra công tác coi thi của hội đồng thi và tổ chức thực hiện công tác coi thi tại các điểm thi.

Số lượng cán bộ tham gia đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tại một điểm thi theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi là 02 người; từ 20 – 30 phòng thi là 3 người; từ 31 – 40 phòng thi: 4 người; từ 41 phòng thi trở lên là 5 người.

Đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số cán bộ thanh tra/điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do Chánh Thanh tra Sở hoặc trưởng đoàn thanh tra quyết định.

Đồng thời, sở giáo dục và đào tạo cần phối hợp tạo điều kiện để các đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm nhiệm vụ tại địa phương.

Còn các cơ sở đào tạo có trách nhiệm trong việc lựa chọn cán bộ, giảng viên cơ hữu cử tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi cho cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo.

Thủ trưởng cơ sở đào tạo có cán bộ, giảng viên cơ hữu được cử làm Trưởng Đoàn kiểm tra thực hiện Phê duyệt kế hoạch kiểm tra sau khi thống nhất với cơ sở đào tạo phối hợp có cán bộ, giảng viên, cơ hữu là thành viên đoàn kiểm tra.

Cơ sở đào tạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi của Sở, Hội đồng thi, kiểm tra trực tiếp tại điểm thi hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Công tác chấm thi:

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn từ 03 – 05 người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức chấm thi và thanh tra chấm thi của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi và các Ban liên quan đến công tác chấm thi.

Thành phần đoàn kiểm tra có trưởng đoàn (là Lãnh đạo Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Lãnh đạo Phòng/Ban thanh tra nội bộ cơ sở đào tạo) và thành viên (gồm 01 – 02 người là Cán bộ, công chức, viên chức thuộc/trực thuộc Sở và 01 – 02 cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo).

Thời gian kiểm tra theo lịch chấm thi thi của Kỳ thi.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ thành lập đoàn thanh tra để thanh tra trực tiếp tại Hội đồng thi và Ban Làm phách, Ban chấm thi tự luận và Ban Chấm thi trắc nghiệm.

Trong đó, đảm bảo có cán bộ thanh tra trực tiếp công tác làm phách (mỗi vòng làm phách có 01 cán bộ làm công tác thanh tra được cách ly cùng Ban làm phách trong quá trình thực hiện làm phách; cán bộ thanh tra làm phách vòng 2 không trùng với cán bộ thanh tra làm phách vòng 1); đủ số lượng cán bộ thanh tra tại khu vực chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm theo yêu cầu công việc và địa hình khu vực chấm thi.

Việc tổ chức và hoạt động thanh tra thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15.

Còn các cơ sở đào tạo cử 02 cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức chấm thi và công tác thanh tra chấm thi của Sở/Hội đồng thi.

Cơ sở đào tạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi của Sở, Hội đồng thi, kiểm tra trực tiếp tại điểm thi hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Công tác phúc khảo:

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập 05 đoàn kiểm tra tại 10 Sở Giáo dục và Đào tạo. Mỗi đoàn 03 người và kiểm tra 02 Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra xác suất một số tỉnh có tổ chức phúc khảo bài thi.

Thời gian kiểm tra dự kiến là 02 ngày/Sở Giáo dục và Đào tạo.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ thành lập đoàn thanh tra làm nhiệm vụ thanh tra việc tổ chức phúc khảo bài thi tự luận, bài thi trắc nghiệm.

5. Công tác xét công nhận tốt nghiệp:

Công tác này được giao chocác Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra.

Thành phần đoàn, thời gian, nội dung, đối tượng do Thanh tra Sở tham mưu để làm nhiệm vụ thanh tra hoặc kiểm tra việc xét công nhận tốt nghiệp tại địa phương.

Ngoài ra, theo Phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo cần phải chuẩn bị lực lượng để thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh hoặc chỉ đạo của lãnh đạo; dự phòng tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần bố trí lực lượng trực tiếp nhận thông tin, hướng dẫn các đoàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quy định; kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, báo cáo lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Sở theo quy định.

Về phần kinh phí, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì lập dự toán, thanh toán, quyết toán cho các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, phúc khảo và các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh toán, quyết toán cho các đoàn của Ban chỉ đạo cấp quốc gia và lãnh đạo Bộ.

Kim Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-cong-bo-5-noi-dung-thanh-tra-kiem-tra-o-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-post242479.gd