Binh lực hùng hậu Nga đặt gần biên giới Phần Lan

Các chuyên gia đã dự đoán Nga sẽ tập trung triển khai các loại vũ khí bất đối xứng ở khu vực biên giới với Phần Lan để bảo đảm an ninh tại khu vực này.

Kể từ sau khi Phần Lan chính thức gia nhập liên minh NATO vào ngày 4/4, giới chuyên gia quân sự đã thường xuyên đưa ra những phân tích và suy đoán về phản ứng của Nga với hành động trên của Phần Lan.

Phản ứng đầu tiên được ghi nhận là thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết một quân đoàn mới sẽ được thành lập ở Karelia gần St. Petersburg, tiếp giáp với biên giới Phần Lan.

Quân đoàn sẽ bao gồm ba sư đoàn súng trường cơ giới và hai sư đoàn dù, cùng với các vũ khí và phương tiện của lực lượng Dù tạo thành trung tâm sức mạnh chiến đấu chính của quân đoàn.

Các cơ quan truyền thông đã nhấn mạnh rằng rất có khả năng lực lượng pháo binh và tên lửa, đặc biệt là hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M, sẽ là lực lượng chính trong việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nga trong khu vực.

Đại tá Mikhail Khodaryonok nói với các phóng viên của RT (Russia Today), “Có khả năng những đội hình mới này sẽ bao gồm các lữ đoàn vận hành hệ thống tên lửa Iskander-M và các lữ đoàn pháo hạng nặng mang đạn hạt nhân”.

Tên lửa Iskander-M

Về việc sử dụng lực lượng hạt nhân để bù đắp cho những bất lợi về tương quan lực lượng, Khodaryonok nói thêm: “Với ưu thế vượt trội của NATO về vũ khí thông thường, Moscow sẽ cân nhắc việc đặt vũ khí hạt nhân dọc biên giới với các quốc gia thành viên mới của liên minh”.

Ông giải thích thêm rằng “bất kỳ hoạt động phòng thủ nào ở quy mô này đều phải được phê duyệt trước bao gồm việc thành lập các đơn vị quân đội mới và kế hoạch triển khai của họ. Các quy trình công việc khác để thực hiện bao gồm điều phối, chỉ huy và kiểm soát, cũng như tất cả các loại tuyến đường tiếp tế và hậu cần quân sự. Đương nhiên, các chi phí liên quan đến một hoạt động như vậy sẽ là đáng kể. Nhưng trong trường hợp này, lợi ích quốc phòng và an ninh rõ ràng được ưu tiên số một”.

Việc Phần Lan gia nhập NATO dự kiến sẽ gây áp lực lớn hơn nữa đối với hệ thống phòng thủ của Nga ở biên giới phía Tây. Thật vậy, ngay cả trước khi thông báo chính thức về quyết định gia nhập, vào tháng 12/2021 Phần Lan đã trở thành khách hàng hàng đầu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A khi đặt hàng 64 chiếc từ Mỹ.

Được phát triển theo chương trình máy bay chiến đấu tấn công chung, F-35 được thiết kế chủ yếu cho các hoạt động tấn công mặt đất từ trên không, máy bay được đánh giá cao nhờ khả năng tàng hình và có hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, khiến nó có thể đe dọa đến hệ thống phòng không của Nga.

Máy bay tàng hình F-35.

Tất cả dữ liệu của F-35 trên toàn thế giới đều được kết nối với một mạng điều chung, có nghĩa là các hoạt động của máy bay ở biên giới Nga sẽ cung cấp dữ liệu mục tiêu rất quan trọng cho các thành viên khác của NATO.

Việc Nga mở rộng mạng lưới phòng không trong khu vực, cũng như các phương tiện có khả năng nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân có máy bay chiến đấu của NATO, đã được suy đoán rộng rãi trong nửa cuối thập kể từ khi Mỹ bắt đầu chuyển giao máy bay chiến đấu cho các nước châu Âu.

Trước đó, vào ngày 3/4 một ngày trước khi Helsinki chính thức gia nhập liên minh, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã cảnh báo: “Nếu các thành viên NATO khác triển khai lực lượng và thiết bị của họ trên lãnh thổ Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo lợi ích của Nga".

Mặc dù vẫn chưa chắc chắn liệu sẽ có sự gia tăng đáng kể các lực lượng từ những quốc phương Tây khác trên lãnh thổ Phần Lan hay không và ngay cả khi không có điều này, chỉ cần tư cách thành viên của Phần Lan trong liên minh và việc mua F-35 cũng đủ thay đổi tình hình an ninh mà Nga phải đối mặt ở phía tây.

Lê Quang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/binh-luc-hung-hau-nga-dat-gan-bien-gioi-phan-lan-1834584.html