Biến thể Omicron - dấu hiệu coronavirus thoái lui?

Sự xuất hiện biến thể Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu đại dịch COVID-19 sắp kết thúc – theo nhận định của một số chuyên gia y tế thế giới.

Biến thể Omicron dễ lây lan hươn nhưng gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn

"Biến thể mới xuất hiện lần đầu ở Nam Phi dễ lây lan hơn, song lại gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Biến thể này không làm tổn hại phổi. Tôi nghĩ đây có thể là tín hiệu cho thấy cơn ác mộng sắp kết thúc, cũng là dấu hiệu chỉ ra rằng coronavirus bắt đầu rút lui" – chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Vladimir Nikoforov thuộc Cơ quan Y tế Liên bang Nga cho biết.

Theo chuyên gia Nikiforov, Omicron có thể khiến COVID-19 trở thành mầm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa thông thường. Quan điểm này đã được nhiều chuyên gia đưa ra trước đó. Trong tự nhiên, không có gì là vô hạn. Một lúc nào đó, virus sẽ đạt đến ngưỡng 'lây nhiễm tuyệt đối' (maximum transmission).

Sau đó, đột biến mới không mang lại lợi thế lây nhiễm nữa. Virus ổn định, biến chủng cuối cùng này sẽ chiếm ưu thế và trở thành chủng trội, trải qua các thay đổi nhỏ lẻ và không thường xuyên" – theo một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành khoa học Nature.

Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi (SAMRC) vừa công bố báo cáo sớm về tình hình dịch bệnh ở tỉnh Gauteng - nơi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi hôm 25/11. Đáng ngạc nhiên là các bệnh viện ở Gauteng ghi nhận hầu hết bệnh nhân nhập viện (do các bệnh khác) xét nghiệm dương tính với COVID-19 không cần phải thở oxy, chỉ một số ít xuất hiện viêm phổi do COVID hoặc cần chăm sóc kỹ, số phải nằm giường chăm sóc tích cực (ICU) càng ít hơn nữa.

Thời gian nằm viện trung bình của nhóm bệnh nhân nhiễm COVID đợt này là 2,8 ngày, ngắn hơn so với 8,5 ngày của các đợt dịch trong 18 tháng trước ở cùng khu vực. Nhiều bệnh nhân thậm chí không có bất cứ triệu chứng bệnh đường hô hấp nào, chỉ phát hiện ra bệnh do xét nghiệm tầm soát.

Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là tín hiệu tốt, cho thấy virus cuối cùng sẽ phát triển theo hướng lành tính, giúp con người có thể sống chung an toàn với nó, giống như bệnh cúm thông thường.

Tuy nhiên, ngày 6/12, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) Francis Collins cảnh báo rằng Omicron có khả năng không phải là biến thể COVID-19 cuối cùng gây ra nhiều mối lo ngại.

"Có khả năng đây không phải là biến thể mới nổi cuối cùng thu hút nhiều sự chú ý và mối lo ngại. Virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục biến đổi từ virus corona ban đầu xuất hiện ở TP Vũ Hán - Trung Quốc" – ông Collins cho biết. Ông suy đoán rằng Omicron phát triển trong một người suy giảm miễn dịch bị nhiễm một biến thể virus SARS-CoV-2 khác.

"Nếu chúng ta không xây dựng hệ thống bảo vệ miễn dịch toàn cầu, sẽ có một biến thể khác xuất hiện" - ông Collins cảnh báo.

Được biết, trước khi xuất hiện Omicron, các nhà khoa học từng đặt câu hỏi liệu Delta có phải "trạng thái đỉnh cao" của nCoV, khi virus được tối ưu hóa và ít đột biến hơn trong tương lai.

Hà Anh (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bien-the-omicron-dau-hieu-coronavirus-thoai-lui-169211207105555631.htm