Bí quyết xây dựng nông thôn mới ở một huyện miền núi xứ Nghệ

Tân Kỳ là huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Những năm qua, để đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới, huyện đã chủ động thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, hình thành sản phẩm thế mạnh, mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường, làm giàu cho người dân.

Bà Đặng Thị Tình, thành viên Tổ hợp tác trồng trọt xã Nghĩa Hoàn cho biết, gia đình bà hiện có 3 ha mía nguyên liệu được trồng tập trung. Nhờ áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến chăm sóc, thu hoạch, nên năng suất mía hàng năm đạt bình quân 90 - 100 tấn/ha.

Phát huy các thế mạnh

Kể từ năm 2016, phía doanh nghiệp liên kết với Tổ hợp tác đã đưa máy móc hiện đại về hỗ trợ người trồng mía thu hoạch, các hộ không còn lo khâu thu hoạch bằng sức người vất vả như trước.

Không chỉ hỗ trợ về máy móc, thiết bị hiện đại, các hộ trồng mía trên địa bàn xã Nghĩa Hoàn còn được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ thuật, nắm chắc quy trình sản xuất hữu cơ, thân thiện môi trường, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu tốt nhất phục vụ chế biến.

“Sự đồng hành của Tổ hợp tác và doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật giúp gia đình tôi và các hộ trồng mía trong xã duy trì thu nhập bình quân 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 30% so với phương pháp canh tác cũ, công lao động giảm, sức khỏe tăng”, bà Tình hồ hởi nói.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại giúp Tân Kỳ có nhiều sản phẩm thế mạnh như mía, cây ăn quả...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại giúp Tân Kỳ có nhiều sản phẩm thế mạnh như mía, cây ăn quả...

Cây mía chỉ là một trong những cây trồng thế mạnh ở Tân Kỳ. Theo lãnh đạo UBND huyện, những năm qua, để phát huy thế mạnh về nông lâm ngư nghiệp, huyện đã đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Với sự đồng hành của ngành nông nghiệp địa phương, người dân Tân Kỳ đã đưa vào gieo trồng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng chăm sóc và thu hoạch trên diện tích cây mía, cây ngô, chú trọng canh tác lúa theo kỹ thuật thâm canh cải tiến SRI... từ đó gia tăng giá trị sản xuất.

Bên cạnh đó, đến nay, các mô hình trồng cây ăn quả đang được mở rộng tại các xã Tân Phú, Tân Long, Tân An, Kỳ Sơn, trồng rau màu hàng hóa, xây dựng vườn mẫu tại nhiều địa phương trong huyện đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Chú trọng liên kết sản xuất

Cùng với trồng trọt, những năm qua, huyện Tân Kỳ cũng chủ động quy hoạch, hình thành các khu chăn nuôi tập trung ngoài đồng vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa thuận lợi tăng quy mô tổng đàn. Huyện chú trọng mối liên kết “ 4 nhà” để xây dựng thương hiệu và ổn định bao tiêu sản phẩm.

Kết quả, trên địa bàn huyện xuất hiện các mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo, nuôi lợn, nuôi gà đẻ trứng, gà thịt, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp vườn, ao chuồng rừng... giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thực tế cho thấy, Tân Kỳ có diện tích đất nông nghiệp trên 27.000 ha, chuyên sản xuất mía, ngô, lúa, cỏ, lạc, sắn… tạo nên nhiều lợi thế cho phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò... Đặc biệt, các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại.

Đơn cử như tại HTX nông nghiệp Lèn Vòi, xã Tân Phú đang có những thành công tích cực với mô hình chăn nuôi bò VietGAP, cho hiệu quả toàn diện về kinh tế và môi trường sinh thái.

Ông Nguyễn Hữu Hường, đại diện HTX chia sẻ, HTX được thành lập từ năm 2018, nhờ áp dụng chăn nuôi bò vỗ béo bằng giống bò nhập ngoại, nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các hộ chăn nuôi bò vàng địa phương trước đây.

Diện mạo nông nghiệp, nông thôn, kinh tế xã hội trên địa bàn Tân Kỳ đang có thay đổi rõ rệt.

Diện mạo nông nghiệp, nông thôn, kinh tế xã hội trên địa bàn Tân Kỳ đang có thay đổi rõ rệt.

Bên cạnh HTX Lèn Vòi, huyện Tân Kỳ còn có 2 HTX điểm trong chăn nuôi bò VietGAP, thân thiện môi trường là HTX chăn nuôi Nghĩa Thái (xã Nghĩa Thái) và HTX chăn nuôi Nghĩa Đồng (xã Nghĩa Đồng).

Các HTX chăn nuôi trên địa bàn huyện đang thu hút hàng chục hộ thành viên, đóng vai trò quan trọng trong quá trình liên kết, phát triển chăn nuôi bò VietGAP theo hướng hàng hóa tại địa phương.

Theo thống kê, toàn huyện Tân Kỳ hiện có hơn 50.500 con trâu bò, đàn lợn hơn 50.400 con và gần 1,8 triệu con gia cầm. Diện tích nuôi trồng thủy sản đã mở rộng với hơn 1.600 ha ao, hồ đập, năm 2022, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng ước đạt gần 3.000 tấn, tăng 22,5% so với năm 2021.

Đáng chú ý, huyện đang chú trọng xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Toàn huyện hiện có 16 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên như mật mía, mật ong, trứng gà, cam Sông Con, chuối Nam Mỹ, nấm Sò trắng, bưởi da xanh, bưởi vực rồng, dầu lạc Hòa Hảo, viên hoàn hà thủ ô mật ong, viên hoàn hà thủ ô tinh bột nghệ...

Điểm tựa cho nông thôn mới

Chính những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang tạo đà cho nông thôn mới huyện Tân Kỳ vươn lên. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, mở rộng ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu người dân và thúc đẩy phát triển về mọi mặt.

Đến nay, toàn huyện đã có 15/21 xã được UBND tỉnh công nhận đạt nông thôn mới. Đầu năm 2023 này tiếp tục thẩm định thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm luôn được cấp ủy, chính quyền huyện chú trọng. Huyện đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An để hướng dẫn, tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong năm 2022 đã tạo việc làm cho 3.471 người, trong đó xuất khẩu lao động hơn 800 người.

Chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai tích cực, huyện đã thực hiện các mô hình trao sinh kế cho hộ nghèo. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo là 8,03%, giảm 1,74% so với năm 2021.

Đáng chú ý, thực hiện chủ trương về xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, nông dân huyện Tân Kỳ đã nhân rộng được nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực.

Đơn cử, khu vườn chuẩn của gia đình ông Nguyễn Tất Thông ở xóm Tân Đà, xã Kỳ Tân có diện tích 4.150 m2. Với diện tích đất rộng, gia đình đã quy hoạch thành nhiều vùng để trồng các loại cây ăn quả và chuồng trại chăn nuôi phù hợp. Hiện tại trong vườn đã trồng hàng trăm cây ăn quả các loại bưởi da xanh, na dai, ổi Đài Loan, mít Thái và hồng xiêm.

"Từ các loại cây trồng và vật nuôi lợn, gà, cá, ong mật... mùa nào thức ấy, hầu như ngày nào vợ tôi cũng có gánh hàng đến chợ. Mỗi năm, khu vườn của gia đình cho thu nhập từ 140 – 170 triệu đồng”, ông Thông hồ hởi cho biết.

Việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng vườn mẫu đạt kết quả tích cực là động lực để huyện Tân Kỳ tiếp tục vận động nhân dân đưa những giống cây trồng chất lượng và có giá trị cao vào sản xuất theo quy chuẩn nông thôn mới. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế làm giàu cho nông dân, từng bước xây dựng nông thôn mới ngày một bền vững.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/bi-quyet-xay-dung-nong-thon-moi-o-mot-huyen-mien-nui-xu-nghe-1093235.html