Bi kịch kéo dài của nhóm người bị cô lập ở Nhật Bản

Đối với những người bị gạt ra bên lề xã hội ở xứ Phù Tang, sự hỗ trợ dành cho họ về mọi mặt vẫn còn quá ít ỏi.

Các nghiên cứu và khảo sát gần nhất của chính phủ Nhật Bản cho thấy ước tính có khoảng 1,1 triệu hikikomori trên khắp đất nước hoa anh đào. Ảnh: Toshifumi Taniuchi.

Ông Roland Kelts, nhà văn người Mỹ gốc Nhật và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Waseda ở Tokyo (Nhật Bản), gặp Hiroshi S. vài năm trước tại một nhóm hỗ trợ dành cho những người Nhật Bản bị cô lập trong xã hội.

Người đàn ông 43 tuổi, nghiện thuốc lá nằm trong số hơn một triệu người Nhật Bản được gọi là hikikomori (tạm dịch: những người sống ẩn dật). Nhóm này điển hình là nam giới, trong độ tuổi 30-50, thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, phần lớn xa lánh xã hội sau khi tình trạng kinh tế bất ổn kéo dài của Nhật Bản kể từ những năm 1990 khiến họ không thể có việc làm, theo The New York Times.

Hiroshi bị gạt ra khỏi thị trường lao động của Nhật Bản khoảng 20 năm trước. Anh sống nhờ cha mẹ già, nhưng không được thông cảm và phải vay nợ thẻ tín dụng để mua đồ cần thiết. Anh thậm chí từng có ý định tự tử.

“Nhật Bản đã thay đổi”, Hiroshi nói với ông Kelts vào năm 2017, đề cập tới những cơ hội và hy vọng đang thu hẹp lại dành cho thế hệ của mình. Anh chưa một lần nhìn thẳng vào mắt người đối diện.

Kể từ đó, Nhật Bản gần như không làm được gì để giải quyết nỗi tuyệt vọng của hikikomori hoặc “thế hệ mất mát” của những cá nhân bị thiệt thòi về kinh tế mà họ thuộc về.

Đó là cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và việc làm quốc gia kéo dài trong nhiều năm, được cho là trở nên tồi tệ hơn bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị cũng như xã hội coi trọng sự tuân thủ nghiêm khắc và việc làm ổn định về cơ bản không thể tập trung sức mạnh để đối đầu với khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và việc làm của Nhật Bản trở nên tồi tệ hơn bởi đại dịch. Ảnh: Kayoko Hayashi /iStockphoto.

Ngày càng khó khăn

“Thế hệ mất mát” của Nhật Bản ước tính lên tới 17 triệu người, bao gồm đàn ông và phụ nữ trưởng thành trong nhiều thập kỷ kinh tế đình trệ mà đất nước này vẫn đang phải vật lộn để thoát ra.

Tình trạng khó khăn của nhóm này lại trở thành tâm điểm sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 7.

Một ngày trước khi sát hại ông Abe, Tetsuya Yamagami (41 tuổi) gửi thư cho một blogger đổ lỗi cho Giáo hội Thống nhất, tổ chức có quan hệ lâu đời với đảng Dân chủ Tự do của ông Abe, vì đã phá hoại và đẩy gia đình hắn vào cảnh phá sản. Với tư cách thành viên, mẹ của Yamagami đã quyên góp rất nhiều cho Giáo hội.

Chưa có chi tiết nào cho thấy việc Yamagami thuộc “thế hệ mất mát” là yếu tố gây ra vụ ám sát. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông và giới học thuật Nhật Bản chỉ ra rằng những chi tiết về cuộc đời của thủ phạm - gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội và lực lượng lao động - cho thấy hắn thuộc nhóm này.

Phần lớn người thuộc “thế hệ mất mát” xa lánh xã hội sau khi tình trạng kinh tế bất ổn kéo dài kể từ những năm 1990 đẩy họ vào tình trạng thất nghiệp. Ảnh: Constantin Simon/Aruna Popuri.

Ngoài ra, nguồn gốc sâu xa của sự tức giận của Yamagami bị bỏ qua là mối quan hệ giữa đảng Dân chủ Tự do với Giáo hội Thống nhất - nhóm tôn giáo bảo thủ do linh mục Sun Myung Moon thành lập ở Hàn Quốc năm 1954.

Những gốc rễ đó nằm ở lời hứa về mô hình kinh tế xã hội thời hậu chiến của Nhật Bản, tập trung vào những người làm công ăn lương, có công việc ổn định ở doanh nghiệp giúp hỗ trợ gia đình hạt nhân của họ. Mô hình này trở nên tồi tệ kể từ khi bong bóng kinh tế Nhật Bản bùng nổ - thời kỳ tín dụng dễ dàng, giá trị cổ phiếu và bất động sản siêu lạm phát - vào đầu những năm 1990, khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng kinh tế trì trệ.

Phản ứng của đảng Dân chủ Tự do, đảng thống trị Nhật Bản thời hậu chiến, bị cho là khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với các chính sách tập trung vào việc duy trì lợi nhuận doanh nghiệp.

Trong quá trình này, lực lượng lao động toàn thời gian bị cắt giảm, các công việc ngắn hạn với sự thu hẹp hoặc không có lợi ích tăng lên.

Một giai đoạn thị trường lao động tê liệt được gọi là “kỷ băng hà việc làm” xảy ra sau đó. Thu nhập của tầng lớp trung lưu giảm, hôn nhân và tỷ lệ sinh giảm, trong khi tỷ lệ hộ gia đình độc thân tăng lên.

Thiếu sự hỗ trợ

Người Nhật bị cô lập trong xã hội thường không có nơi nào để quay đầu.

Bất chấp những cải thiện gần đây, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở xứ Phù Tang vẫn chưa đầy đủ và thường đắt đỏ. Tư vấn tâm lý vẫn không được ưa chuộng ở quốc gia - nơi nguyên tắc văn hóa như “gaman” (tạm dịch: hãy cứng rắn lên) coi việc tìm kiếm sự giúp đỡ là điều đáng xấu hổ.

Truyền thông trong nước thường cho rằng những người thuộc “thế hệ mất mát” không phải nạn nhân mà chỉ là vô ơn bạc nghĩa.

Sự phẫn nộ về việc dán nhãn này thể hiện rõ trong nhóm hỗ trợ mà ông Kelts gặp gỡ với tư cách nhà báo.

Khoảng 40 người tham gia hội tụ ở sảnh tầng hầm ở khu đèn đỏ Kabukicho của Tokyo. Không ai trong số họ, đều ăn mặc giản dị nhưng chỉnh tề, trông khác thường. Tất cả điềm tĩnh, trình bày rõ ràng, thẳng thắn về những bất an, tình trạng thất nghiệp, nỗi cô đơn và đặc biệt là phản ứng tức giận của họ với thế hệ lớn tuổi luôn thúc giục họ “chăm chỉ lên”. Một số sống với cha mẹ nhưng hiếm khi nói chuyện với họ.

Tại Nhật Bản, dịch vụ tư vấn tâm lý vẫn không được ưa chuộng bởi xã hội coi việc tìm kiếm sự giúp đỡ là điều đáng xấu hổ. Ảnh: IMAGO/AFLO.

Năm 2019, kẻ sát nhân 51 tuổi, sống ẩn dật và thất nghiệp, điên cuồng đâm chém, giết chết 2 nạn nhân và làm bị thương 17 người, hầu hết là nữ sinh. Sự việc làm dấy lên lo ngại từ công chúng về bạo lực của những người bị thiệt thòi về kinh tế và xã hội.

Một tuần sau, chính phủ Nhật Bản đưa ra kế hoạch tạo 300.000 việc làm cho những người bị mắc kẹt trong “kỷ băng hà việc làm”. Tuy nhiên, kế hoạch này có rất ít tác động và các chính sách kinh tế của ông Abe được cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm áp lực đối với những người tìm việc.

Đối với nhiều người Nhật Bản, Yamagami là ví dụ điển hình về việc “thế hệ mất mát” bị gạt ra ngoài lề và xa cách với những bậc cha mẹ không thông cảm cho họ.

Tuy nhiên, không có chính sách cứu trợ nào xuất hiện. Năm ngoái, Thủ tướng Fumio Kishida, người kế nhiệm của ông Abe, nhậm chức với các kế hoạch cho “chủ nghĩa tư bản mới” bao gồm phân phối lại của cải, tăng lương và phúc lợi cho người lao động bán thời gian hoặc ngắn hạn.

Chính quyền của ông Kishida đang trong thế phòng thủ trước các mối liên hệ của đảng Dân chủ Tự do với Giáo hội Thống nhất, vốn đã bị cáo buộc là tích cực vận động quyên góp từ các thành viên.

Quyết định không được lòng dân của ông Kishida trong việc tổ chức lễ tang vinh danh ông Abe, lạm phát gia tăng và đồng yen giảm đã khiến số lượng ủng hộ nội các ông giảm sút. Ông không còn đề cập đến chủ nghĩa tư bản mới, thay vào đó lặp lại ông Abe trong việc ưu tiên tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Kelts, điều thiếu sót ở đây là cuộc thảo luận công khai về cách đưa “thế hệ mất mát” đi đúng hướng. Các giải pháp sẽ đòi hỏi sự thay đổi thực sự, không phải bởi hàng triệu người này, mà bởi xã hội ẩn dật nơi họ đang sống.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-kich-keo-dai-cua-nhom-nguoi-bi-co-lap-o-nhat-ban-post1372474.html