NATO cân nhắc gửi sĩ quan huấn luyện tới Ukraine

NATO đang tiến gần hơn đến việc cử quân vào Ukraine để huấn luyện lực lượng Ukraine, một động thái có thể kéo Mỹ và châu Âu tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến. Chính quyền Biden tiếp tục tuyên bố sẽ không có binh sĩ Mỹ trên chiến trường.

Xe tăng thiết giáp của Đức trên đường di chuyển tới Ba Lan. Ảnh: Laetitia Vancon

Xe tăng thiết giáp của Đức trên đường di chuyển tới Ba Lan. Ảnh: Laetitia Vancon

Tình trạng thiếu hụt nhân lực của Ukraine đang ở mức nguy hiểm, khiến tình thế của quân đội nước này trở nên tồi tệ hơn trên chiến trường.

Nga đang tận dụng thời điểm Mỹ chậm vận chuyển vũ khí để đẩy mạnh các chiến dịch tấn công. Do đó, các quan chức Ukraine đang kêu gọi Mỹ và NATO hỗ trợ đào tạo đội ngũ 150.000 tân binh để tham gia chiến trận nhanh nhất có thể.

Cho đến nay, Mỹ đã đơn phương từ chối đề xuất, nhưng Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ, cho biết vào hôm thứ Năm rằng việc triển khai sĩ quan huấn luyện của NATO dường như là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, là một phần của NATO, Mỹ có khả năng bị kéo vào cuộc chiến khi tuân theo hiệp ước của liên minh và hỗ trợ phòng thủ những người sĩ quan tham gia huấn luyện tại Ukraine. Nhà Trắng kiên quyết rằng họ sẽ không đưa quân đội Mỹ đến Ukraine, kể cả là những quân nhân không tham chiến trực tiếp. Chính quyền cũng kêu gọi các đồng minh NATO không cử quân đội của họ tới khu vực chiến sự.

Nhưng vào tháng Hai, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp cho biết "không loại bỏ bất cứ khả năng nào" khi nói đến việc cử quân đội phương Tây tới Ukraine. Ông Macron đã lặp lại bình luận của mình nhiều lần, mặc yêu cầu của những nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ.

Chính phủ Estonia cũng để ngỏ khả năng cử quân đến miền Tây Ukraine để đảm nhận các vai trò hậu tuyến, qua đó giúp giải phóng một lượng binh sĩ Ukraine ra tiền tuyến, cố vấn an ninh quốc gia của Estonia cho biết trong tuần này.

Bộ trưởng ngoại giao Lithuania, Gabrielius Landsbergis, đã ủng hộ lập trường của ông Macron trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian tuần trước. "Quân đội của chúng tôi đã huấn luyện người Ukraine ngay chính trên đất nước của họ trước chiến tranh", ông nói và cho rằng, "Vì vậy việc quay trở lại hoạt động này là hoàn toàn khả thi".

Quân đội Mỹ đã huấn luyện cho quân đội Ukraine ở Ba Lan, Đức và Mỹ, nhưng việc rút quân ra khỏi Ukraine sẽ tốn nhiều thời gian. Các quan chức Mỹ hiện thừa nhận rằng việc huấn luyện hiện tại của các lực lượng Ukraine là không đủ, và họ cần được huấn luyện bài bản và tốc độ hơn để đẩy lùi cuộc tấn công sắp tới của Nga vào mùa Hè này.

Mỹ từng giúp điều hành một chương trình huấn luyện của NATO tại Yavoriv, miền Tây Ukraine, nhưng quân đội Mỹ đã được rút ra khỏi đó vào đầu cuộc chiến.

Công tác huấn luyện của Mỹ và các đồng minh không phải lúc nào cũng thành công. Trước cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái, lính Mỹ đã tham gia huấn luyện ở Đức cho các đơn vị Ukraine về chiến tranh cơ động, rà phá mìn và các nhiệm vụ khác. Nhưng việc học cách triển khai xe tăng, pháo binh và bộ binh một cách phối hợp là rất khó, đặc biệt là trong thời gian ngắn 12 tuần. Thêm vào đó là việc Ukraine đang phải đối mặt với một chiến trường khác xa và khốc liệt hơn nhiều so với những gì lực lượng Mỹ đã chiến đấu trong những năm gần đây.

Các quan chức quân sự thừa nhận rằng việc di chuyển sĩ quan huấn luyện vào Ukraine sẽ cho phép người Mỹ nhanh chóng thu thập thông tin về những đổi mới đang diễn ra trên tiền tuyến Ukraine, qua đó điều chỉnh giáo trình huấn luyện một cách hiệu quả.

NATO vào tháng trước đã yêu cầu Tướng Christopher G. Cavoli, Tư lệnh Lực lượng đồng minh châu Âu, đưa ra phương án để liên minh có thể làm nhiều hơn nữa và giúp Ukraine giảm thiểu rủi ro. Một quan chức Mỹ cho biết vào thứ Tư rằng một khả năng có thể là huấn luyện quân đội Ukraine ở Lviv, gần biên giới phía tây của nước này với Ba Lan.

Nhưng Nga đã ném bom Lviv, bao gồm cả một vài tuần trước khi tên lửa hành trình của Nga tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng ở đó.

Các quan chức cho rằng một số lượng lớn tân binh Ukraine mới vẫn có thể được gửi đến các khu huấn luyện rộng lớn ở Đức và Ba Lan.

Nhưng về mặt hậu cần, điều đó đòi hỏi phải vận chuyển quân đội đến khu huấn luyện của Quân đội Mỹ ở Grafenwoehr, Đức, trước khi triển khai đến tiền tuyến.

Evelyn Farkas, cựu quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc phụ trách Ukraine thời chính quyền Obama, cho biết. "Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nhân lực ở tiền tuyến của Ukraine đang ngày càng cạn kiệt, sẽ đến lúc NATO phải đưa ra quyết định nếu không muốn kết cục xấu xảy ra."

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nato-can-nhac-gui-si-quan-huan-luyen-toi-ukraine.html