Bát nước mắm của tình làng nghĩa xóm chiều 30 Tết

Nghe tôi kể chuyện, mẹ tôi lẳng lặng gạn một bát nước mắm mang sang nhà thằng Tâm; lúc chúng tôi sang thì thấy mẹ nó vừa thái thịt vừa khóc thút thít.

Tôi thuộc thế hệ 7x. Ngày nhỏ, gia đình tôi sống trong khu tập thể của cơ quan mẹ ở ngay bến phà Tân Đệ, cửa ngõ chính để vào tỉnh Thái Bình lúc đó. Khu tập thể có gần hai chục gia đình với bầy trẻ con lít nhít.

Mỗi độ giáp Tết, vui nhất luôn là trẻ con. Chúng tôi kéo nhau ra dốc phà ngắm người, xe lên xuống, đông đúc nhộn nhịp, chứng kiến những cuộc trùng phùng của người đi xa về quê ăn Tết. Có đứa chịu khó thì lăn lưng ra đẩy xe thồ hàng kiếm vài đồng từ các bà, các cô lên xuống phà sang bên kia thành Nam buôn bán.

Bến phà Tân Đệ ngày xưa. (Ảnh: Người Hà Nội)

Vui vẻ và tưng bừng nhất là tầm 28, 29 Tết, cơ quan mẹ tôi sẽ ngả những chú lợn do công đoàn nuôi để làm thực phẩm cho nhân viên ăn Tết. Bọn tôi lò mò dậy theo người lớn từ tinh mơ để xem các cô, các chú thịt lợn và chia phần.

Có lần thằng Tâm "đen" nhanh tay thủ được cái đuôi lợn, cả bọn rủ nhau mang sang nhà nó luộc vội rồi cùng chấm muối trắng nhồm nhoàm. Cho đến bây giờ, dư vị của món đuôi lợn luộc này vẫn không thôi ám ảnh trong mỗi chúng tôi.

Năm đó, mẹ Tâm nghe tin chồng - đang giữ chốt tít tận Vị Xuyên (Hà Giang) - sẽ được về phép. Mọi người đều mừng quá. Cứ chiều chiều, thằng Tâm lại rủ tôi ra dốc phà ngóng bố nó.

Sáng 30 Tết, hai thằng đều được mẹ sai đi xếp hàng mua nước mắm ở cửa hàng thương nghiệp trên phố huyện. Chúng tôi lục tục đạp xe rời nhà từ lúc 5h, đến nơi thì trời vẫn tối, rét buốt mà vẫn phải xếp hàng tít tận đằng sau. Đến khoảng 10h thì tới lượt.

Bọn tôi treo toòng teeng hai chai nước mắm bằng dây chuối lên ghi đông xe rồi tong tả đạp về Tân Đệ. Còn cách nhà đâu vài trăm mét thì bỗng chai của thằng Tâm rơi xuống đường vỡ tan. Mặt nó tái dại, cộng thêm cái bụng rỗng tuếch làm nó run lập cập. Về đến nhà, mẹ nó quát tháo ầm ĩ, cho cu cậu mấy hèo quắn đít.

Đến chiều, nghe tôi kể chuyện, mẹ tôi lẳng lặng gạn một bát nước mắm mang sang nhà thằng Tâm. Lúc tôi sang thì thấy mẹ nó vừa thái thịt vừa thút thít.

Đến tầm 20h ngày 30 Tết, cả khu tập thể giật mình bởi tiếng hò reo của anh em thằng Tâm "đen": "Bố về. Mẹ ơi bố về! Bố về mẹ ơi!".

Năm đó, cả khu tập thể đón giao thừa vui hơn nhiều lắm. Mùi thơm thuốc pháo nồng nàn. Đó là Tết năm 1985 sang năm 1986, những năm cuối của thời bao cấp.

Mời độc giả tham gia diễn đàn “Ký ức Tết xưa”

Những gì tốt nhất, đẹp nhất cả về vật chất lẫn tinh thần, người Việt Nam thường dành cho Tết Nguyên đán, vì thế đó là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm, cũng là khoảng thời gian in đậm trong ký ức mỗi người với những cảm xúc, kỷ niệm khó phai.

Hãy chia sẻ với VTC News và các độc giả khác những hồi ức đó của bạn bằng cách gửi bài viết tham gia diễn đàn “Ký ức Tết xưa”. Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: toasoan@vtcnews.vn.

Trịnh Toàn Thắng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bat-nuoc-mam-cua-tinh-lang-nghia-xom-chieu-30-tet-ar849863.html