Bất ngờ với sản phẩm giúp học hóa dễ dàng của học sinh TP HCM

Tại cuộc thi thiết kế, chế tạo, ứng dụng lần thứ 11 trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TP HCM năm 2023 do Thành Đoàn TP HCM tổ chức, công trình 'Ứng dụng Chemical Nomenclature để học hóa không còn khó' đoạt HCV.

Đây là công trình của Nguyễn Thái An (12A7), Nguyễn Ngọc Kim Ngân (12A12), Nguyễn Khánh Nam (10A1), học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình). Ứng dụng giúp học sinh học hóa học theo chương trình mới với nhiều thông tin gắn với thực tiễn.

Em Nguyễn Thái An, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được áp dụng đối với các lớp học nên việc gọi tên các chất hóa học cần đúng theo quy định mới của Bộ GD-ĐT theo hướng sử dụng các đề nghị của IUPAC - danh pháp hóa học theo Liên minh Quốc tế về hóa học thuần túy và hóa học ứng dụng.

Tuy nhiên, giáo viên (GV) và học sinh (HS) đang gặp khó khăn trong cách viết và cách đọc tên các chất cho đúng với quy định mới cũng như có nhiều nội dung kiến thức mới được cập nhật và bài tập cũng phải theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Nhóm nghiên cứu của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh

GV và HS có thể tham khảo nội dung trong sách giáo khoa, các tài liệu tổng hợp về hóa học của chương trình 2018 trên thị trường nhưng chưa thực sự có tính tương tác và chưa theo dõi được mức độ hiệu quả trong học tập và giảng dạy. "Vì vậy, ý tưởng của nhóm tác giả là tạo nên sản phẩm app Nomenclature - Hóa học từ thực tiễn, thiết kế một cách trực quan, có tính tương tác cao để giáo viên có thể dùng trong giảng dạy và học sinh, sinh viên có thể ôn tập, nghiên cứu thêm về hóa học" - em Thái An cho biết.

Điểm đặc biệt của ứng dụng là hiện nay các bài học hóa học trong chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có nhóm biên soạn nào dưới dạng ứng dụng dành cho thiết bị di động. Hơn nữa, việc dùng ứng dụng sẽ tiết kiệm thời gian. Hiện tại, nguồn thông tin hóa học mà các HS tiếp cận chủ yếu là qua sách và thế là chưa đủ nếu chúng ta muốn hiểu rõ hơn về môn hóa đặc biệt là cách gọi tên. Vì thế, ứng dụng thường xuyên được cập nhật.

Đến nay, ứng dụng đang cập nhật tính năng xem thông tin các chất cũng như các bài học dưới dạng Flashcard sinh động và đầy đủ cần dùng trong học tập và giảng dạy. Ngoài ra, các mô hình 3D có thể tương tác xoay phân tử cũng được đưa vào ứng dụng giúp HS có thể học hóa hữu cơ một cách trực quan hơn.

Theo nhóm tác giả, sản phẩm là ứng dụng được thiết kế bằng cách lập trình thông qua phần mềm Android Studio sử dụng ngôn ngữ Java để xây dựng và phát triển, ứng dụng trên hệ điều hành Android, phục vụ mục đích học tập và giảng dạy hóa học, có thể được dùng cho các cấp học từ tiểu học đến THPT và ĐH…

Bài và ảnh: Phương Quỳnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bat-ngo-voi-san-pham-giup-hoc-hoa-de-dang-cua-hoc-sinh-tp-hcm-196231212210027818.htm