Bao Vinh khắc khoải đợi trùng tu

Bao Vinh được quy hoạch đã 20 năm và nhiều chương trình phục hồi nhà cổ được ban hành từ lâu nhưng người dân khu phố cổ ở TP Huế này đến nay vẫn luôn mong ngóng

Từ năm 1636, Thanh Hà đã phát triển thành một phố cảng sầm uất, là cửa ngõ giao thương hàng đầu của đô thành Phú Xuân vào các thế kỷ XVII, XVIII. Từ cảng thị sầm uất này, phố cổ Bao Vinh (nay thuộc phường Hương Vinh, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được hình thành và tồn tại đến giờ.

Xập xệ

Bao Vinh nằm ở vùng ven TP Huế, thuộc khu vực thấp trũng gần ngã ba Sình nên mùa mưa lũ nước ngập nhanh. Hiện nay, Bao Vinh chỉ còn 15 nhà cổ loại 1 và 6 ki-ốt loại 2, nằm lộn xộn giữa các ngôi nhà được xây mới trên trục đường dài chừng 500 m.

Đến Bao Vinh bây giờ, các bạn trẻ thường tìm tới quán cà phê Mắt Biếc để "check in" bởi sự nổi tiếng của quán này qua bộ phim cùng tên. Dù Bao Vinh được chính quyền địa phương quan tâm chỉnh trang, như vừa sơn mặt sau các ngôi nhà ven sông Bồ hay treo những chiếc lồng đèn xanh - vàng, song nhìn chung khu phố cổ này trông vẫn xập xệ, xuống cấp.

Ông Tạ Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vinh, cho biết những ngôi nhà cổ ở Bao Vinh xây theo lối kiến trúc nhà rường nhưng không có vườn. Đây là khu phố buôn bán sầm uất xưa kia nên nhà được xây dựng cạnh đường, phía sau sát mép sông.

Những ngôi nhà cổ Bao Vinh nằm lẫn lộn với các ngôi nhà mới xây

Ông Phan Gia Đắc là một trong những người cư ngụ lâu năm trong khu nhà cổ ở Bao Vinh. Căn nhà ông diện tích vỏn vẹn 30 m2, gồm tầng trệt để tiếp khách và gác lửng làm nơi thờ cúng ông bà. Ông Đắc cho biết trước kia, căn nhà này rộng đến vài trăm mét vuông. Năm 1985, khi gia đình ông gặp khó khăn thì cũng là lúc căn nhà xuống cấp, hư hỏng. Lúc ấy, rất nhiều đoàn từ trung ương và tỉnh đến kiểm tra, khảo sát Bao Vinh nên ông khấp khởi mừng bởi nghĩ căn nhà cổ của mình sẽ được hỗ trợ trùng tu.

Đợi mãi chẳng thấy được hỗ trợ nên gia đình ông Đắc tự bỏ tiền sửa chữa một cách vá víu để căn nhà cổ ông bà để lại trụ được qua mùa mưa bão. Đến năm 2007, khi kinh tế gia đình khấm khá hơn, ông mới sửa chữa lớn, đi nhiều nơi tìm mua gỗ, mua ngói nhà rường về thuê thợ làm.

Nhiều gia đình cư ngụ ở khu phố cổ Bao Vinh cho biết họ phải sống trong cảnh nhà dột nát, xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc xin sửa chữa rất gian nan. Căn nhà của anh Nguyễn Ngọc Thương mái ngói đã hư, bị dột mỗi khi mưa. Anh muốn thay ngói nhưng từ khi làm đơn đến lúc nhận được sự đồng ý của chính quyền địa phương cũng hơn 1 tháng.

Không may mắn như anh Thương, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Vân kể rằng khi Hương Vinh còn thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia đình đã làm đơn gửi chính quyền xin sửa chữa căn nhà cổ xuống cấp nhưng không có kết quả. Căn nhà của ông Vân được xây dựng từ thời Pháp với dạng ki-ốt, nay tường nghiêng lún, nứt nẻ, sàn phía sau xuống cấp. Cứ đến mùa mưa lũ, gia đình ông phải di dời đi nơi khác. Ông luôn lo ngại nếu bị ngập nước, căn nhà có thể đổ ập xuống sông bật cứ lúc nào.

Chưa biết khi nào...

Theo người dân Bao Vinh, những năm 1990, do kinh tế khó khăn và phần vì kiến trúc nhà cổ không phù hợp với lối sống hiện đại nên nhiều gia đình đã bán nguyên căn hay từng phần. Nhiều gia đình, trong đó có ông Phan Gia Đắc, đã tháo dỡ một phần ngôi nhà bán đi để lấy tiền tu sửa phần còn lại.

Năm 1991, kết quả khảo sát quy hoạch Bao Vinh của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy khu phố này lúc đó còn 39 nhà cổ. Ngày 10-8-1999, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chung TP Huế đến năm 2020 và khu phố cổ Bao Vinh được xếp vào khu vực II. Đến năm 2003, số nhà cổ ở Bao Vinh chỉ còn lại 17 căn.

Ngày 23-10-2003, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định triển khai quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh với diện tích 8 ha. Đến năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành nghị quyết bảo tồn phố cổ Bao Vinh với đề án có kinh phí 10 tỉ đồng.

Theo đề án nêu trên, những ngôi nhà cổ loại 1 và 2 ở Bao Vinh sẽ được trùng tu. Các căn nhà nằm sát bờ sông Hương không thuộc 2 loại này sẽ được di dời, người dân phải định cư ở nơi khác. Người dân Bao Vinh thắc mắc nếu bảo tồn ngôi nhà thì họ được hưởng chính sách gì? Với các hộ phải di dời thì chính sách đền bù, tạo sinh kế cho người dân như thế nào?

Ông Tạ Dương Anh Tuấn cho biết cũng có vài hộ dân không muốn nhận hỗ trợ trùng tu, sửa chữa nhà cửa nhưng đa số đều đồng tình. Người dân chỉ băn khoăn về nghĩa vụ đi kèm. Theo ông Tuấn, đến nay địa phương vẫn chưa biết khi nào sẽ được bố trí kinh phí thực hiện việc trùng tu các nhà cổ ở Bao Vinh.

Trước mắt, UBND phường Hương Vinh vận động người dân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí mua lồng đèn treo dọc phố cổ và các chợ, đình làng ở Bao Vinh. Phường còn kêu gọi xã hội hóa việc sửa chữa nền chợ Bao Vinh, vận động tiểu thương mặc áo dài để thu hút du khách...

"Việc sáp nhập TP Huế sẽ là điều kiện thuận lợi hơn về nguồn lực để Bao Vinh phát triển, thu hút du khách" - ông Tạ Dương Anh Tuấn kỳ vọng.

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/bao-vinh-khac-khoai-doi-trung-tu-20230711221512076.htm