Sóc Trăng đề nghị các tỉnh, thành phố đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển làm đường cao tốc

Kết quả bước đầu đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có thể đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL.

Ngày 14/5, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký ban hành Công văn số 1374 /UBND-KT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Công văn nêu trên, nhằm tổng hợp nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, UBND tỉnh Sóc Trăng thông báo và đề nghị các tỉnh, thành phố đăng ký cụ thể về nhu cầu, địa điểm sử dụng cát biển (nếu có) đối với 21 dự án tại Phụ lục IV kèm theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội, gửi về UBND tỉnh Sóc Trăng trước ngày 27/5/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương.

Đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị nhà thầu thi công các dự án liên hệ tỉnh Sóc Trăng (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng) để được hướng dẫn về thủ tục đăng ký khai thác theo quy định.

Thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1

Thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp trong vùng.

Đến nay, dự án đã có kết quả bước đầu là đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cấp 333 và cấp 222 đạt 680 triệu m3; trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó, có tỉnh Sóc Trăng).

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định.

Trước đó, vào ngày 3/4/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 136/TB-VPCP Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về bảo đảm nguồn vật liệu cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL (tổ chức tại TP.HCM vào ngày 1/4/2024). Theo đó, về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn, ủy quyền cho UBND các địa phương làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và cấp phép khai thác cát biển làm vật liệu san lấp.

Trong tháng 4/2024, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan hoàn thành phương án khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc, trong đó phải thể hiện rõ địa điểm khai thác, địa chỉ sử dụng...

Mới đây, vào ngày 11/5/2024, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các bộ, ngành, địa phương về nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án, dự án thành phần giao thông trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù cho việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án trên khoảng 70 triệu m3 (trong đó đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng 63 triệu m3).

Đối với đất đắp, nguồn cung chủ yếu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay đã xác định được nguồn cung cho 2/7 triệu m3, cấp bản xác nhận 2/2 triệu m3, đủ điều kiện khai thác.

Với vật liệu cát, nguồn cung đảm bảo chất lượng tập trung chủ yếu tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua, trong đó các tỉnh có trữ lượng lớn là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang. Đến nay, đã xác định được nguồn cung cho 37/63 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn, cấp bản xác nhận 29,5/37 triệu m3, đủ điều kiện khai thác 18,3 triệu m3.

Trúc Giang

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/soc-trang-de-nghi-cac-tinh-thanh-pho-dang-ky-nhu-cau-su-dung-cat-bien-lam-duong-cao-toc-d215192.html