Bảo vệ rừng tận gốc tại Quan Hóa

Quan Hóa là một trong số các huyện còn giàu tài nguyên rừng của tỉnh Thanh Hóa, với 86.134 ha. Rừng đặc dụng trên địa bàn huyện đã được đầu tư, bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi còn giàu tài nguyên rừng với nhiều loại lâm sản quý hiếm. Các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ tài nguyên, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái phục vụ đời sống Nhân dân. Rừng phòng hộ được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng biên giới. Rừng sản xuất được mở rộng về quy mô diện tích, bố trí cơ cấu cây trồng thích hợp, từ đó đã hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung, vùng luồng, vùng gỗ nguyên liệu, tài nguyên rừng đã và đang trở thành nguồn thu nhập chính của người dân.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Quan Hóa phối hợp với chủ rừng tuần tra bảo vệ rừng tại xã Hiền Kiệt.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), Hạt Kiểm lâm Quan Hóa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện lĩnh vực lâm nghiệp và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát đối với các xã trên địa bàn, chỉ đạo hạt kiểm lâm làm việc tại địa bàn tham mưu cho đảng ủy các xã, thị trấn ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia BVR. Kiểm lâm viên công tác tại địa bàn đã giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch QLBVR, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ”.

Công tác chống các hành vi khai thác, phá rừng, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trái pháp luật đã được tăng cường thực hiện thường xuyên. Năm 2023, ngoài việc tiếp tục phân công kiểm lâm viên về công tác tại địa bàn xã để tham mưu cho chính quyền trong công tác bảo vệ rừng tại gốc, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra an ninh rừng tại các xã trọng điểm còn giàu tài nguyên rừng và các tuyến đường trọng điểm; thực hiện nhiều giải pháp, từ công tác tuyên truyền đến tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đổi mới công tác nắm bắt địa bàn, hình thức thu thập thông tin, phương thức hoạt động tuần tra, kiểm tra các vùng rừng còn giàu tài nguyên và biết dựa vào chính quyền, Nhân dân để sớm phát hiện và ngăn chặn các đối tượng xấu lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát khai thác lâm sản của tổ chức, người dân trên địa bàn theo đúng quy định. Đến trung tuần tháng 12/2023, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 17 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; nộp ngân sách Nhà nước gần 160 triệu đồng.

Kết quả nổi bật là toàn bộ diện tích rừng hiện có của huyện Quan Hóa được bảo vệ an toàn, hiệu quả, không xảy ra phát rừng làm rẫy trái phép. An ninh rừng trên địa bàn ổn định, không có điểm nóng, điểm nổi cộm; các hành vi xâm hại tài nguyên rừng ở địa phương được kiểm soát, đẩy lùi, trong các năm vừa qua không xảy ra cháy rừng. Độ che phủ rừng trên địa bàn huyện cuối năm 2023 đạt 84,79%.

Để tiếp tục BV&PTR bền vững, huyện Quan Hóa đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp toàn diện và bền vững, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM, giảm nghèo nhanh và bền vững. Hạt kiểm lâm tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Đảng, Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác BV&PTR, những định hướng của tỉnh, huyện về phát triển lâm nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, các văn bản liên quan trong lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp từ huyện đến xã trong thực hiện nhiệm vụ BV&PTR, PCCCR với các ban, ngành trên địa bàn và khu vực giáp ranh. Triển khai thực hiện hiệu quả phương án BV&PTR, PCCCR; công tác cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp để đánh giá biến động về chất lượng, trữ lượng rừng phục vụ cho công tác quản lý rừng, BV&PTR. Tăng cường quản lý tình hình sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Xử lý nghiêm tình trạng chủ rừng sau khi được giao đất, giao rừng sử dụng không đúng mục đích hoặc để rừng bị khai thác trái phép nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Chủ động trồng rừng đảm bảo khối lượng, chất lượng rừng trồng, đặc biệt là rừng gỗ lớn. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hưởng lợi của chủ rừng là tổ chức, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/bao-ve-rung-tan-goc-tai-quan-hoa/202659.htm