Quy hoạch chung TP.HCM: Hướng tới phát triển 5 phân vùng theo mô hình đa trung tâm

Cho rằng mô hình tập trung đa cực khó khả thi khi triển khai, TP.HCM sẽ nghiên cứu phát triển mô hình đa trung tâm, đa cực kết hợp với các trung tâm thứ cấp.

Sáng 19/5, tại kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.HCM khóa X, UBND Thành phố đã có báo cáo, xin ý kiến về Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Mô hình tập trung đa cực khó khả thi khi triển khai

Theo đánh giá của UBND Thành phố, Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/1010 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quy hoạch chung 24) đã bắt đầu hình thành mô hình tập trung đa cực.

Trong đó, khu vực nội thành hiện hữu phát triển ổn định, hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ; các khu vực nội thành mở rộng tiếp cận khu vực nội thành hiện hữu cơ bản phát triển, còn một số khu vực nằm ở vị trí xa hơn đang phát triển từng phần, chưa đô thị hóa toàn diện (Quận 7, quận 9 – nay thuộc TP. Thủ Đức, Quận 12, Tân Phú, Bình Tân).

TP.HCM nghiên cứu phát triển mô hình đa trung tâm, đa cực kết hợp với các trung tâm thứ cấp. Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM nghiên cứu phát triển mô hình đa trung tâm, đa cực kết hợp với các trung tâm thứ cấp. Ảnh: Lê Toàn

Các huyện ngoại thành đã hình thành một số khu vực trung tâm huyện, thị trấn và điểm dân cư nông thôn.

Cụ thể, ở hướng Nam, khu A của Khu đô thị Nam Thành phố tiếp tục phát triển mạnh, hình thành một trung tâm đô thị mới; Khu y tế kỹ thuật cao ở Bình Tân, Cụm y tế Tân Kiên ở Bình Chánh; Khu công nghệ cao TP. Thủ Đức; Hình thành một số khu công nghiệp, cảng, Logistics theo định hướng quy hoạch…

Tuy nhiên, Thành phố cũng đánh giá cấu trúc đô thị vẫn còn những tồn tại hạn chế. Chưa hình thành rõ nét các trung tâm lớn, các cực phát triển tập trung ở các hướng trên địa bàn Thành phố,

Mục tiêu của Quy hoạch chung 24 là hạn chế phát triển đô thị dàn trải chưa đạt được, thực tế ở các khu vực nội thành phát triển và các huyện ngoại thành, đô thị vẫn chủ yếu phát triển theo kiểu lan rộng.

Ở nhiều khu vực phát triển mới, tình trạng thiếu hạ tầng khung đô thị kết nối, dẫn tới tình trạng phát triển tự phát và thiếu kết nối hạ tầng đồng bộ. Đồng thời có một số khu vực phát triển trong hàng lang thoát lũ, vùng ngập… nhưng chưa có điều kiện và mô hình phát triển, chức năng phù hợp…

Thành phố cũng cho biết khi đánh giá nội dung định hướng của Quy hoạch chung 24, mô hình tập trung đa cực khó khả thi khi triển khai. Cần nghiên cứu một mô hình đa trung tâm (đa cực kết hợp với các trung tâm thứ cấp) để phù hợp với định hướng quy hoạch vùng và điều kiện đầu tư phát triển đô thị thực tiễn của TP.HCM.

Ưu tiên phát triển nén hơn là dàn trải

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, việc tính toán, đề xuất quy mô đất xây dựng đô thị cần tiếp tục nghiên cứu tham khảo mô hình phát triển của các thành phố lớn tương tự trong khu vực, từ đó đề xuất chỉ tiêu và quy mô đất xây dựng đô thị phù hợp cho Thành phố theo hướng ưu tiên phát triển nén hơn là dàn trải.

Thành phố cũng hướng tới mục tiêu sử dụng đất và đầu tư hạ tầng hiệu quả với quy mô đô thị cực lớn, theo hướng giảm chỉ tiêu sử dụng đất đô thị và hạn chế gia tăng diện tích đô thị hóa. Đồng thời tăng cao giá trị khai thác đất, thuận lợi đầu tư hạ tầng tập trung, giữ lại đất tự nhiên cho mảng xanh sinh thái, dành đất dự trữ phát triển cho tương lai.

Do đó, với tầm nhìn là hạ nhân của Vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ và các mục tiêu phát triển đầu tư lớn, đạt tầm quốc tế toàn cầu, có thích ứng và biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu mới, định hướng phát triển đô thị Thành phố dự kiến hình thàng và phát triển 5 phân vùng.

Cụ thể, phân vùng đô thị trung tâm: ranh giới phía Bắc, phía Tât là đường Vành đai 2, phía nam là kênh Đôi – kênh Tẻ, phía Đông là sông Sài Gòn. Bao gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, một phần quận 12. Tổng diện tích khoảng 17.000 ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 4,5 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Đông: đã thành lập TP. Thủ Đức; tổng diện tích khoảng 21.000 ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,1 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Bắc – Tây Bắc: ranh giới phía Bắc giáp Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh và đường Vành đai 2. Bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 58.500 ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,4 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Tây: ranh giới phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh; ranh giới phía Nam giáp rạch tỉnh Long An; phía Đông giáp đường Vành đai 2 và sông Cần Giuộc; phía Tây và phía Nam là tỉnh Long An. Bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Tổng diện tích khoảng 23.300 ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 840.000 người.

Phân vùng đô thị phía Nam: ranh giới phía Bắc giáp kênh Đôi kênh Tẻ, ranh giới phía Nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây là sông Cần Giuộc. Bao gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, và toàn bộ huyện Cần Giờ. Tổng diện tích 93.300 ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,2 triệu người.

Đề xuất 17 trọng điểm phát triển

Về hình thái đô thị, Thành phố đề xuất các mô hình phát triển đô thị khác nhau phù hợp với các khu vực có điều kiện phát triển đặc thù của thành phố.

Đặc biệt, đối với các khu vực trung tâm đô thị phát triển mới gắn với kết nối giao thông vùng (như cao tốc, đường sắt...), nghiên cứu phát triển theo các mô hình đô thị tập trung vùng ven, ví dụ như khu đô thị Punggol (Singapore) – với những nguyên tắc quy hoạch và phát triển hiện đại về nhà ở, cơ sở hạ tầng nước, thiết kế đô thị, giao thông, thông minh công nghệ và xanh hóa.

Cụ thể hóa các nguyên tắc trên, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đề xuất 17 trọng điểm phát triển.

Cụ thể: Vùng trung tâm Sài Gòn mở rộng; Công viên phần mềm Quang Trung (đã hình thành); Khu C30 Quận 10 (Tái phát triển). Khu Tân Kiên (đã hình thành các chức năng y tế); Khu Vĩnh Lộc; Thủ Thiêm (đang triển khai); Phú Mỹ Hưng (mở rộng);

Khu Hưng Long; Khu Tân Thuận (chuyển đổi); Khu công nghệ cao TP.HCM (đã hình thành); Khu Linh Trung; Khu Tam Đa - Long Phước; Khu Trường Thọ; Tân Phú Trung, Tân Thới Hiệp, Tân Nhị, Tân Thạnh Đông (phát triển mới); Trung An, Hòa Phú (phát triển mới); Khu đô thị nước Bình Khánh; Khu đô thị lần biển Cần Giờ và vùng Cần Thạnh mở rộng sang phía Tây.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-hoach-chung-tphcm-huong-toi-phat-trien-5-phan-vung-theo-mo-hinh-da-trung-tam-d215519.html