Bảo tồn truyền thống văn hóa, lịch sử qua môn học Giáo dục địa phương

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương là môn học bắt buộc nằm trong chương trình các môn tổng thể và thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung môn học liên quan đến lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, ngành nghề của địa phương. Qua đó, môn học đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ trong các nhà trường.

Học sinh Trường THCS Yên Thắng, Yên Mô hào hứng với trải nghiệm đóng kịch Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận.

Được làm bài tập, tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương qua bài học môn Ngữ văn về "Sự tích sông Hoàng Long", "Ông khổng lồ gánh núi" đã giúp em Lê Thị Thanh Hiền, lớp 6A, Trường THCS Yên Thắng (huyện Yên Mô) rất hào hứng với môn học.

Thanh Hiền cho biết: Em rất hứng thú với những tiết học này, giúp em khám phá thêm điều mới về mảnh đất, quê hương Ninh Bình. Tiết học giáo dục địa phương tạo cho chúng em có thêm nhiều cảm xúc vui, thú vị trong học tập.

Cô giáo Tô Minh Phương, giáo viên Văn Trường THCS Yên Thắng cho biết: Giáo dục địa phương là môn học mới, giáo viên đã xây dựng giáo án kỹ lưỡng, bám sát văn bản hướng dẫn và tài liệu giảng dạy; tổ chức nhiều hình thức dạy vui, hấp dẫn với học sinh, tổ chức cho học sinh được trải nghiệm, nhập vai các nhân vật lịch sử nổi tiếng, tổ chức vẽ tranh về quê hương Ninh Bình, vẽ tranh theo tác phẩm bộ môn Ngữ văn, sáng tác các ca khúc ca ngợi quê hương. Từ đó phát huy khả năng học sinh trong các lĩnh vực thông qua môn học.

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, kế hoạch giáo dục địa phương là một thành phần hữu cơ của kế hoạch tổng thể thực hiện các hoạt động dạy và học cũng như nội dung chương trình giáo dục của nhà trường.

Nội dung của giáo dục địa phương gồm những vấn đề cơ bản, mang tính thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế xã hội, môi trường, hướng nghiệp của địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, có trách nhiệm với cộng đồng, biết trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống quê hương, phát triển năng lực và phẩm chất, ý thức tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn ở địa phương.

Ở cấp Tiểu học, nội dung Giáo dục địa phương được tích hợp trong các môn học và hoạt động trải nghiệm, gồm một số vấn đề cơ bản mang tính thời sự về lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, phong tục tập quán địa phương; địa lý, dân cư; cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh; một số nội dung về kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội; giáo dục tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống…

Đối với cấp THCS, THPT, nội dung giáo dục địa phương được biên soạn theo từng bài học, chủ đề hoặc nhóm chủ đề ở các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp.

Cô giáo Hoàng Thị Sâm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Yên Thắng cho biết: Năm học 2022-2023, Trường THCS Yên Thắng có 485 học sinh/13 lớp. Thực hiện kế hoạch giáo dục, môn học giáo dục địa phương được thực hiện là môn học riêng với lớp 6, lớp 7; được tích hợp với các môn học Mĩ thuật, Âm nhạc, Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn, Giáo dục công dân; Sinh học, Công nghệ đối với lớp 8, 9.

Để đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy môn học, nhà trường đã tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các buổi tập huấn, soạn bài giảng theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo, linh hoạt đổi mới, sáng tạo trong dạy và học (sân khấu hóa môn học, trải nghiệm vẽ tranh, sắm vai theo nhân vật, tham gia các cuộc thi theo đề tài, thi hùng biện…), giúp học sinh được trải nghiệm, năng động, sáng tạo trong môn học, tự hào về quê hương.

Thầy giáo Đặng Văn Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan C cho biết: Năm học 2022-2023, Trường THPT Nho Quan C có 1.190 học sinh/29 lớp. Thực hiện kế hoạch năm học, nhà trường đã cử giáo viên tham gia tập huấn môn giáo dục địa phương. Sau khi tập huấn, nhà trường đã triển khai kế hoạch lồng ghép môn giáo dục địa phương với môn học khác phù hợp với nội dung trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí…

Đồng thời, nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục địa phương gắn với địa bàn mà nhà trường đứng chân như đưa học sinh trải nghiệm trực tiếp nét văn hóa Mường xã Thạch Bình, giáo dục lịch sử khu an toàn khu xã Gia Lâm... Qua đó, các em học sinh rất hào hứng với môn học, được giáo dục truyền thống lịch sử ngay trên địa phương mình, yêu quê hương nơi mình sinh ra, tích cực trở thành tuyên truyền viên với gia đình, bạn bè về giáo dục lịch sử, truyền thống quê hương.

Đồng chí Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là nội dung mới so với chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Theo đó, trung bình mỗi tuần có 1 tiết học về giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho địa phương chủ động biên soạn nội dung để thực hiện nội dung môn học giáo dục địa phương với kiến thức chủ yếu về lịch sử, truyền thống, văn hóa, nghệ thuật, địa lí, kinh tế - xã hội của địa phương.

Ninh Bình là tỉnh triển khai rất thuận lợi, hiệu quả chương trình giáo dục địa phương khi đã sớm ban hành khung chương trình giáo dục địa phương và là một trong những tỉnh sớm nhất đảm bảo tiến độ xây dựng tài liệu giáo dục địa phương để triển khai kịp thời vào giảng dạy trong các nhà trường.

Với lộ trình triển khai đầy đủ nội dung giáo dục địa phương hợp lý, hết bậc THPT, học sinh sẽ có vốn kiến thức hoàn thiện đầy đủ về quê hương mình.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ton-truyen-thong-van-hoa-lich-su-qua-mon-hoc-giao-duc/d20230203113753494.htm