Bảo tồn giống lúa nếp tan lương ở Sông Mã

Đồng bào dân tộc Thái ở Sông Mã thâm canh nhiều giống lúa nếp thơm ngon, trong đó, giống lúa nếp tan lương có hạt gạo to, tròn, trắng, khi xôi có độ dẻo, thơm đặc trưng, trở thành đặc sản trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái nơi đây.

Gạp nếp tan lương huyện Sông Mã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Hiện nay, bà con các xã Chiềng Sơ, Nậm Mằn… duy trì gieo cấy giống lúa nếp tan lương. Lúa được trồng vào vụ mùa, từ tháng 6 - 7 hằng năm, đến tháng 11-12 cho thu hoạch. Nếp tan lương phù hợp gieo cấy ở các vùng có độ ẩm cao, thời gian sinh trưởng và phát triển thường dài ngày hơn so với các loại lúa khác.

Những năm gần đây, trên thị trường có thêm nhiều loại giống lúa mới, năng suất cao, như nếp 87, 97, nên diện tích trồng lúa nếp tan lương ngày càng ít hơn. Để giữ được đặc tính ưu điểm và tạo nguồn giống phục vụ sản xuất, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn giống lúa nếp tan lương” trên địa bàn huyện Sông Mã. Đề tài được khảo sát, triển khai tại xã Nậm Mằn và xã Chiềng Sơ.

Mô hình phục tráng, bảo tồn giống lúa nếp tan lương tại xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã.

Nhóm đề tài đã tiến hành khảo sát, bố trí, thu thập số liệu, đánh giá đặc điểm và xây dựng bản mô tả các tính trạng giống lúa nếp tan lương tại 2 xã. Liên hệ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia kiểm định hạt giống nếp tan lương nguyên chủng. Chọn lọc, đánh giá và sản xuất hạt siêu nguyên chủng trên ruộng so sánh dòng, ruộng nhân dòng và triển khai một số hoạt động xây dựng quy trình canh tác giống lúa nếp tan lương.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Trung tâm đã xây dựng mô hình trình diễn 1,1 ha; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân 2 xã về quy trình phục tráng, kỹ thuật canh tác và cách nhận biết, phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa. Kết quả cho thấy, lúa nếp tan lương sinh trưởng phát triển khỏe, đẻ nhánh tập trung, chống đổ tốt và hạn chế sâu bệnh hại, giảm chi phí vật tư đầu vào. Trước đó, giống lúa chỉ đạt năng suất 4 tấn/ha, nhưng sau khi phục tráng, năng suất đạt 5,6 tấn/ha, đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Ông Lò Văn Khải, Trưởng bản Huổi Chả, cho biết: Tham gia mô hình bảo tồn giống lúa nếp tan lương, bà con trong bản được hướng dẫn lựa chọn giống chất lượng. Thay vì cấy 3-4 rảnh lúa một khóm, cấy dày, nhiều sâu bệnh hại như rầy nâu, dệp… như trước, vụ mùa vừa qua, bà con chỉ cấy 1 rảnh, cấy thưa, bón phân và phun phòng trừ sâu bệnh hại đúng thời điểm theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Nhờ vậy, diện tích lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất lúa tăng từ 1 tấn đến 1,6 tấn/ha so với các năm trước, bà con ai cũng phấn khởi. Năm 2024, bản tiếp tục đăng ký mua giống lúa sau phục tráng và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng lúa mùa.

Gạo nếp tan lương được bày bán trong gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện Sông Mã tại Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất.

Từ tháng 9/2022, HTX Toàn Phát, xã Nà Nghịu, đã thu mua sản phẩm gạo nếp tan lương của bà con trên địa bàn xã Nậm Mằn. Nhưng do sản lượng ít nên chủ yếu bán lẻ cho khách hàng có nhu cầu mua làm quà tặng. Anh Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc HTX Toàn Phát, cho biết: Năm 2023, HTX đã thu mua hơn 7 tấn gạo nếp tan lương của bà con xã Nậm Mằn, với giá 18.000 đồng/kg để bán ra thị trường.

Đồng thời, xây dựng mẫu mã, bao bì đóng gói và tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Liên kết với các hộ dân để sản xuất và đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP gạo nếp tan lương.

Cuối năm 2023, gạo nếp tan lương được UBND huyện chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Đây là động lực để HTX tiếp tục liên kết với nhân dân sản xuất và kinh doanh hiệu quả. Năm 2024, HTX sẽ cung ứng 1 tấn giống cho bà con một số xã trong huyện và huyện Sốp Cộp để mở rộng diện tích canh tác, sau đó đánh giá hiệu quả từng địa bàn được cung ứng giống để tiếp tục nhân rộng mô hình.

Việc phục tráng giống lúa nếp tan lương tại huyện Sông Mã đã lưu giữ và bảo tồn được nguồn gen giống lúa mang tính đặc trưng của địa phương, đưa loại gạo đặc sản phục vụ nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nông dân.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo tồn nguồn gen lúa nếp tan lương địa phương. Khuyến cáo bà con sử dụng nguồn giống lúa nếp tan lương đã qua phục tráng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm... từng bước xây dựng thương hiệu và khẳng định giá trị gạo nếp tan lương trên thị trường.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/bao-ton-giong-lua-nep-tan-luong-o-song-ma-laxyraFSR.html