Báo chí và doanh nghiệp tìm lời giải cho đầu bài 'đồng hành cùng thắng'

Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, diễn ra chiều ngày 25/7, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí và doanh nghiệp.

Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp là 1 trong những hoạt động hơp tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI

Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp là 1 trong những hoạt động hơp tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI

Một bài viết có thể thúc đẩy thành công của một doanh nghiệp, lan tỏa tinh thần kinh doanh trong xã hội, nhưng cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã nhắc đến điều này để minh chứng cho mối quan hệ đồng hành của doanh nghiệp và báo chí trong thực tế, khi phát biểu khai mạc Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, diễn ra chiều ngày 25/7, với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan báo chí và doanh nghiệp.

“Để phát triển kinh tế, chúng ta cần có đội quân chủ lực là các doanh nhân, doanh nghiệp. Để xây dựng văn hóa, đội quân báo chí là lực lượng quan trọng, có vai trò quyết định trong định hướng dư luận và lan tỏa xã hội. Để có nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, chúng ta cần có cả 2 đội quân quan trọng này phát triển tốt và có sự hợp đồng tác chiến hiệu quả”, Chủ tịch VCCI phát biểu.

Nhưng để sự hợp tác bền vững, cần văn hóa hợp tác và hợp tác trên nền tảng văn hóa, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. Năm 2022, VCCI đã lần đầu tiên công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí và doanh nghiệp

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí và doanh nghiệp

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhắc đến yếu tố văn hóa trong hoạt động của cả doanh nghiệp và báo chí. Năm 2022 là năm VCCI và Hội nhà báo cùng đặt vấn đề đạo đức, văn hóa lên trên hết.

“Chúng tôi kêu gọi thúc đẩy xây dựng văn hóa trong các cơ quan báo chí. Chúng tôi nhấn mạnh văn hóa chính là điểm tựa giúp chúng ta khác biệt và phát triển bền vững, từ gốc văn hóa chúng ta lấy làm nền để hoạt động kinh doanh và phát triển. VCCI và Hội nhà báo đều có chung quan điểm về hợp tác nhấn mạnh về vấn đề văn hóa”, ông Minh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh các kênh thông tin thật giả lẫn lộn, kênh báo chí không còn là kênh duy nhất cung cấp thông tin, mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp có những thay đổi mạnh mẽ, thì nền tảng văn hóa, đạo đức sẽ thúc đẩy các hoạt động hiệu quả, cùng phát triển.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác 4 cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI là một trong nhũng hoạt động cụ thể để thúc đẩy mối quan hệ này. Cụ thể, theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, việc tăng cường phối hợp công tác giữa 4 cơ quan để nâng cao và phát huy vai trò báo chí trong xây dựng môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, Tổng thư ký VCCI cho rằng, quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần đảm bảo theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu quả, cùng hỗ trợ nhau nâng cao năng lực, phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh sáng kiến của VCCI, nỗ lực và quyết tâm của VCCI trong việc đưa ra chương trình công tác giữa 4 cơ quan.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác 4 cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI

Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác 4 cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI

Bộ Thông tin và Truyền thông là 1 trong 4 cơ quan tham gia ký kết, cố gắng cụ thể hóa Chương trình, để mang lại kết quả. Chương trình có nhiều sáng kiến, công việc nếu thực hiện tốt sẽ khiến doanh nghiệp và báo chí sát lại gần nhau.

Theo Thứ trưởng, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ đồng hành, hợp tác. Tuy nhiên, lúc này lúc khác, mối quan hệ này còn có một số điều phiền lòng, nghĩa là cả hai bên cần thực hiện tốt hơn.

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng triển khai nhiều công việc không chỉ làm tốt công tác quản lý mà còn cung cấp thông tin công khai đầy đủ để doanh nghiệp và xã hội hiểu thêm về báo chí, về các phương thức vận hành của báo chí, các vấn đề nội tại của báo chí.

Trong khuôn khổ Diễn đàn VCCI đã phát động Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh 2023. Chương trình bình chọn năm nay hướng đến mục tiêu phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong việc khơi dậy tinh thần kinh doanh, xây dựng đội ngũ doanh nhân, thúc đẩy văn hóa kinh doanh và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, công bằng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bài viết dự thi là tác phẩm đã được đăng chính thức trên các phương tiện báo in và báo điện tử từ ngày 25/07/2023 - 15/06/2024 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

"Cần có những phóng sự điều tra đến tận cùng sự thật sẽ là tiếng bom cảnh tỉnh, cảnh báo cho cả doanh nghiệp, thị trường, cơ quan quản lý"
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, doanh nghiệp cởi mở hơn với báo chí. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã là mối quan hệ hữu cơ. Báo chí cần doanh nghiệp để có tiếng nói từ thực tế. Doanh nghiệp cần báo chí để chuyển tải kiến nghị, đề xuất tới các cơ quan hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần sự sâu sát, cụ thể hơn của báo chí với các vấn đề lớn của nền kinh tế. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản, cần có những phóng sự điều tra đến tận cùng sự thật sẽ là tiếng bom cảnh tỉnh, cảnh báo cho cả doanh nghiệp, cho cả thị trường và cơ quan quản lý...

"Vẫn còn những phóng viên chỉ viết bài giật tít, “câu view”
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, báo chí phát triển nhanh chóng, đóng vai trò câu nối phổ biến truyên truyền chính sách của nhà nước, chuyển tải ý kiến của doanh nghiệp, người dân.
Đó là lý thuyết, thực tế có nhiều trường hợp chưa phù hợp, có một bộ phận phóng viên chưa tốt, thậm chí suy thoái. Còn có những phóng viên chỉ viết bài giật tít, “câu view” chứ không vi mục tiêu thông tin cho thị trường, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp với báo chí, ảnh hưởng cả tới niềm tin của thị trường...
Báo chí cần cập nhật thường xuyên liên tục, đảm bảo thời sự, khai thác thông tin từ nhiều nguồn chất lượng, chính thống...

"Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin. Cơ quan báo chí không chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội"
Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị

Để mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, đúng tin thần win-win, cùng thắng, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin. Đây là nội dung quan trọng nhất. Chỉ có minh bạch và chủ động cung cấp thông tin thì mới trở về giá trị cốt lõi, tránh tạo dư luận hoang mang. Với cơ quan báo chí, không chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội, không để các nguồn tin thiếu kiểm chứng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bao-chi-va-doanh-nghiep-tim-loi-giai-cho-dau-bai-dong-hanh-cung-thang-d194873.html