Báo chí truyền thống - những thách thức trong 'kỷ nguyên số'

Chuyển đổi số báo chí giờ đây không còn là vấn đề 'tự thân', tự phát, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, cấp thiết. Nếu không đổi mới để bắt nhịp thực tiễn, báo chí truyền thống sẽ trượt khỏi quỹ đạo truyền thông số và dần đánh mất sứ mệnh, vai trò, vị thế.

Báo chí đa nền tảng trong kỷ nguyên số. Minh họa: Nguoilambao.vn

Lời giải nào cho những bài toán khó?

Bước vào “kỷ nguyên số”, sự khác biệt về phương thức tổ chức, quy trình xuất bản và hình thức thể hiện trong hoạt động báo chí, truyền thông dường như vượt ra khỏi mọi dự báo và đặt báo chí truyền thống vào một xu thế “không thể đạo ngược” - đó là phát triển truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng và cao hơn nữa là báo chí số.

Từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, những năm gần đây, các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương đã có sự vào cuộc khá mạnh mẽ. Theo đó, nhiều mô hình tòa soạn, phương thức chuyển tải mới với những sản phẩm báo chí công nghệ, báo chí sáng tạo… đã ra đời, từng bước bắt nhịp với nhu cầu, thị hiếu của công chúng, bạn đọc trong tiếp cận thông tin.

Tòa soạn hội tụ Báo Hà Tĩnh.

Tuy vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận, sự vào cuộc và kết quả đạt được về chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực báo chí, nhất là hệ thống báo Đảng ở nước ta hiện nay nhìn chung còn rời rạc, chưa rõ nét và thiếu định hướng, giải pháp chiến lược. Thậm chí, nhiều Tòa soạn vẫn đang áp dụng quy trình xuất bản cách đây nhiều năm, chưa chú trọng phát triển báo điện tử và các nền tảng truyền thông mới.

Chuyển đổi số trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi, thay đổi về nhận thức, quan điểm của cá nhân, tập thể lãnh đạo, tiếp đến các bộ phận thuộc cấp. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên vấn đề nhận thức, quyết tâm về chuyển đổi số, đổi mới mô hình quản trị, quy trình xuất bản; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyên môn, khai thác kinh tế số… tại hầu hết các cơ quan báo chí trong nước còn nhiều hạn chế, nhất là trong hệ thống Báo Đảng.

Cũng liên quan đến yếu tố con người, nhưng ở một khía cạnh khác, đó là nguồn nhân lực. Đối với hầu hết các cơ quan báo chí, việc thiếu đội ngũ kỹ thuật và những vị trí nhân sự phóng viên, biên tập viên có kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm đa phương tiện đang là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm”… Trong khi đó, việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ nhân sự này không hề dễ do thiếu định biên, cơ chế, nguồn lực...

Một thách thức căn bản khác dễ nhận thấy, đó là đường hướng, chiến lược chuyển đổi số đang khá “mông lung” đối với hầu hết các cơ quan báo chí. Vẫn biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng bắt đầu từ con người, công nghệ hay nội dung? Làm thế nào để giải bài toán kinh phí, nhân lực CNTT khi các cơ quan chí phải cạnh tranh khốc liệt với truyền thông xã hội cả về nội dung thông tin lẫn nguồn thu để thực hiện lộ trình tự chủ, tinh giản biên chế?... Đó là những câu hỏi lớn mà đại đa số các cơ quan báo chí đang thật sự lúng túng, loay hoay chưa tìm ra câu trả lời.

Nhằm không ngừng đổi mới theo xu thế báo chí hiện đại, Báo Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc, trao đổi học tập kinh nghiệm tại các tờ báo lớn trong toàn quốc. Trong ảnh: Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng chuyên môn Báo Hà Tĩnh trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN)

Báo Hà Tĩnh xu hướng đa phương tiện

Trước yêu cầu đổi mới, từ năm 2018, Báo Hà Tĩnh đã tiến hành hợp nhất 2 phòng chuyên môn báo in và báo điện tử; đồng thời xây dựng và áp dụng quy trình xuất bản theo mô hình Tòa soạn hội tụ. Việc tổ chức hoạt động chuyên môn như trên đã tối ưu hóa được quy trình xuất bản, tận dụng được nhân lực và trí tuệ tập thể; linh hoạt, chủ động trong việc xử lý thông tin. Riêng báo điện tử, toàn bộ quy trình từ đầu vào đến xuất bản sản phẩm lên website đều được thực hiện trên hệ thống CMS với luồng tuyến, phân cấp khá rõ ràng; các công cụ đo đếm, theo dõi các thông số trên báo điện tử được áp dụng.

Nhờ sự quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ, Báo Hà Tĩnh bắt nhịp khá tốt với xu hướng đa phương tiện, nhiều năm gần đây luôn duy trì vị trí tốp đầu về lượng truy cập trong hệ thống báo Đảng toàn quốc (theo xếp hạng của Similar Web). Về truyền thông mạng xã hội, Báo Hà Tĩnh hiện có 1 trang Fanpage được xem như là một ấn phẩm chính thống của Tòa soạn với gần 452 nghìn người theo dõi (tính đến ngày 20/6/2023). Ngoài ra, Báo Hà Tĩnh còn thiết lập và quản trị nhiều trang Fanpage “vệ tinh” và các kênh mạng xã hội YouTube, Zalo, Tiktok với lượng theo dõi, tương tác khá cao...

“Chuyển đổi số hay là chết”?

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu: đến năm 2030 có 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số...

Bên cạnh các ấn phẩm chính, Báo Hà Tĩnh chú trọng phát triển các nền tảng số, mạng xã hội...

Rõ ràng, chuyển đổi số báo chí giờ đây không còn là vấn đề “tự thân”, tự phát, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, cấp thiết đối với mỗi tòa soạn. “Chuyển đổi số hay là chết?” - đương nhiên, không cơ quan báo chí nào muốn “chết”. Nhưng làm thế nào để sống, và quan trọng hơn là phải “sống khỏe”? Đó là bài toán mà trước hết, mỗi cơ quan báo chí phải chủ động, quyết tâm tìm lời giải để tồn tại, phát triển và khẳng định vai trò, vị thế./.

HÀ ANH

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chinh-tri/bao-chi-truyen-thong-nhung-thach-thuc-trong-ky-nguyen-so/250342.htm