Bản chất con người tốt hay xấu?

A.I

(KTSG Xuân) – Chuyện kể là hai con sói – một độc ác, một thiện lương – đang đánh nhau trong lòng người. Con sói nào sẽ thắng? Bạn muốn con sói nào thắng?

Trong cuốn sách Nhân loại: Một lịch sử tràn đầy hy vọng (NXB Dân Trí), tác giả là một sử gia trẻ sinh năm 1988 người Hà Lan – Rutger Bregman, đã điểm luận những lý thuyết, các sự kiện, các thí nghiệm khoa học, các tư tưởng… từ thời cận đại cho tới hiện nay để giới thiệu về bản chất con người dưới các góc nhìn khác nhau, giúp lý giải phần nào sự lựa chọn của mỗi con người trong các tình huống. Cuốn sách thể hiện ý tưởng tiến bộ, rằng mọi người đều có tính lương thiện.

Thoạt nghe, chuyện “nhân chi sơ tính bổn thiện” có vẻ như không có gì nhiều để nói. Thế nhưng ý tưởng trong sâu thẳm con người ấy được thử thách trong một tác phẩm dày gần 500 trang giấy “Nhân loại: Một lịch sử tràn đầy hy vọng”.

Tác giả đã dành bảy năm để thu thập rất nhiều tài liệu về lịch sử nhân loại; nghiên cứu, đối sánh, tổng hợp nhằm thực hiện một cuốn sách có đầy đủ chứng cứ khoa học. Xuyên suốt tác phẩm là hai tư tưởng của hai trường phái về bản chất con người, một theo tư tưởng của Thomas Hobbes và một theo tư tưởng của Jean-Jacques Rousseau. Tác giả đi từ các lý thuyết qua phân tích tỉ mỉ các thí nghiệm vang dội trong những thế kỷ gần đây để nêu rõ hai lập luận của Hobbes và Rousseau.

Hobbes: “Hoặc trao cho chúng tôi quyền lực, hoặc mất tất cả”

Lý thuyết của triết gia người Anh ở thế kỷ 17 – Thomas Hobbes (1588-1679) với tư tưởng “bản chất con người là xấu xa, cần phải có xã hội dân sự với hệ thống pháp luật mới có thể cứu vớt chúng ta khỏi bản năng rất đỗi tầm thường”.

Hobbes cho rằng muốn hiểu chính mình, con người cần tìm về nguồn gốc tổ tiên. Tổ tiên của loài người sống trong trạng thái tự do, cô đơn, nghèo nàn, dơ dáy và hung bạo nên cần “một trạng thái chiến tranh, khi tất cả chống lại tất cả”. Rồi để chấm dứt tình trạng chiến tranh và thiết lập hòa bình, mọi người cần từ bỏ tự do và trao cả tâm hồn lẫn thể xác mình cho một vị quân vương. Và chủ nghĩa hiện thực của Hobbes – “hoặc trao cho chúng tôi quyền lực, hoặc mất tất cả” trở thành nền tảng tư tưởng triết học cho các nhà lãnh đạo độc tài, các tướng lĩnh…

Cùng khuynh hướng tư tưởng này với Hobbes, là quan điểm của tư tưởng nghiêng về “lý thuyết vỏ ngoài” (veneer theory) của nhà sinh vật học người Hà Lan Frans de Waal (sinh năm 1948). Bregman đã khái quát quan điểm này: “Văn minh chỉ là một lớp vỏ bọc ngoài mỏng manh, dễ biến mất trước sự khiêu khích dù nhỏ nhặt nhất”. Cho đến nay, định kiến “bản chất con người vốn ích kỷ, hung hăng và dễ nổi loạn” vẫn tồn tại. Bregman đặt nghi vấn phải chăng con người đã được giáo dục để thấy sự ích kỷ ở khắp nơi?

Ở góc độ nào đó có thể đồng cảm với nghi vấn này, như khi chúng ta đứng trước hàng loạt thực nghiệm tâm lý nhằm chứng minh bản chất con người là ích kỷ; như khi hàng ngày ta đón nhận những thông tin khuyến cáo đề phòng, cảnh giác trước những âm mưu, hành vi xấu xa; như khi học sinh luôn được nhắc nhở lưu tâm về khả năng có người có hành động mờ ám…

Có một điều, truyền thống Ki tô giáo vẫn cho rằng không ai sinh ra mà sạch tội, hay con người thì luôn có tội lỗi; còn giới tư bản thì luôn khẳng định mọi người đều có động cơ tư lợi…

Những điều này làm con người tin rằng bản chất của mình là có nguồn gốc xấu xa. Nhà triết học chính trị người Ý Niccolò Machiavelli (1469-1527) đã kết luận trong cuốn Quân vương (The Prince, 1513) rằng “đặc điểm chung của con người là vô ơn, hay thay đổi, đạo đức giả”. Nhà sáng lập nền dân chủ Mỹ John Adams (1735-1826) đã viết “mọi người đều trở thành những tên bạo chúa nếu có cơ hội”. Nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856-1939) người Áo thì nói “chúng ta là hậu duệ của vô số những thế hệ sát nhân”. Trong Quân vương, Machiavelli khuyên những nhà lãnh đạo, những người nắm quyền bính cần thêu dệt những lời nói dối trá và lừa phỉnh mới có thể duy trì quyền lực, và đừng để người khác thấy cảm xúc của mình bởi xấu hổ chẳng giúp được gì cho mục đích.

Hiện tại, nhiều nhà tư tưởng, triết gia, nhà khoa học, vô tình hay hữu ý, cũng có những nhận định về bản chất con người khởi nguyên là xấu xa. Và chúng ta đã được nuôi dưỡng tinh thần bằng thức ăn tư tưởng ấy. Liệu rằng loài người vẫn sẽ tiếp tục củng cố quan điểm này?

Rousseau: “Hoặc trao cho chúng tôi tự do, hoặc mất tất cả”

Để giới thiệu tư tưởng đối trọng với Hobbes, Bregman sử dụng luận điểm của nhà tư tưởng người Pháp ở thời kỳ Khai Sáng là Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), rằng “sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta đều thiện lương”, chính những thiết chế xã hội khiến con người trở nên ngày càng xấu xa. Ông lập luận rằng kể từ khi hình thái nhà nước ra đời thì con người bị nô dịch hóa, trở nên đa nghi và tư lợi. Và tư tưởng “hoặc trao cho chúng tôi tự do, hoặc là mất tất cả” của ông là nền tảng triết học cho lý tưởng hô hào tự do, bình đẳng, thậm chí vô chính phủ và xách động bạo lực.

Bregman xác quyết cuốn sách của ông không phải bài thuyết giáo về “tính bản thiện” của con người, nhưng bằng những lập luận khoa học, ông củng cố quan điểm tích cực về bản chất con người. Cũng như trong một tác phẩm khác của ông là Utopia: Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa, ông đã tiếp nối tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng của Thánh Thomas More (1478-1535; một giáo sĩ và là một triết gia người Anh) và cho rằng “tham lam không phải là bản tính của muôn loài, mà chỉ là phản ứng của nỗi sợ hãi bị thiếu thốn”.

Vị sử gia người Hà Lan này có cái nhìn lạc quan và tích cực đối với các vấn đề hiện tại của nhân loại: “Chúng ta đang giàu có hơn bao giờ hết, vậy nên giờ là lúc chúng ta có thể thực hiện bước tiếp theo trong lịch sử tiến bộ”(*). Ông không ngừng tìm kiếm luận cứ để bảo vệ sự tiến bộ của nhân loại.

Đáp lại luận điểm “người nắm quyền lực không cần xấu hổ” của Machiavelli, tác giả cuốn sách dẫn lập luận của nhà tự nhiên học người Anh Charles Darwin (1809-1882) với thuyết tiến hóa lừng lẫy và loài người là giống loài duy nhất trong vương quốc động vật biết đỏ mặt. Theo Darwin, đỏ mặt là “biểu hiện đặc biệt thể hiện tính con người nhất” và không bị biến mất trong quá trình tiến hóa. Đỏ mặt mang tính xã hội vì con người học hỏi, gắn kết, quan tâm đến người khác, nuôi dưỡng niềm tin, thúc đẩy sự hợp tác. Tự bản chất, con người có tình yêu, cảm xúc.

Những nhà khoa học theo chủ thuyết tiến hóa đã có những thí nghiệm trên động vật về quá trình tiến hóa và kết luận “các loài động vật được thuần hóa vì có một phẩm chất thân thiện”. Trong những thực nghiệm nổi bật, nhà khoa học người Nga Dmitry Belyayev (1917-1985) đã cùng cộng sự thuần hóa những con cáo thành những con vật nuôi trong nhà và những con cáo mang đặc tính “thân thiện” đã tồn tại. Lý thuyết của Dmitry cho rằng con người qua hàng vạn năm đã tồn tại dựa trên những “cá thể thân thiện” trong khi những loài cùng gốc với con người đã tuyệt chủng dù chúng có sức mạnh hơn, tinh nhanh hơn, leo trèo và chống chọi tốt hơn.

Vẫn chưa có câu trả lời về bản chất con người

Cùng hàng chục luận điểm khoa học sinh học và nhân học, văn học…, Bregman chứng minh con người tiến bộ qua thời gian; bản chất con người không xấu xa tận căn. Nhân loại đã và đang giải quyết cuộc sống, các vấn nạn toàn cầu và cuộc sống ngày càng tốt hơn. Việc phát minh ra chữ viết, máy nông nghiệp và nhà nước đã giúp loài người chế ngự bản năng hung bạo của mình và khoác một chiếc áo văn minh khá dày dặn. Bregman dẫn các con số cho thấy nạn bạo lực đã lạc quan hơn theo thời gian. Ví dụ ở thời kỳ trung đại có tới 12% dân châu Âu và châu Á chết vì bạo lực, và con số này ở thế kỷ 20 là 3%, còn hiện nay thì chỉ 1% trong khi Mỹ là 0,7%, còn Hà Lan chưa đầy 0,1%.

Một sự kiện trong Thế chiến II được dẫn lại, đó là vụ 348 máy bay của Đức quốc xã ném bom tấn công eo biển nước Anh vào ngày 7-9-1940, phá hủy hầu hết các tòa nhà, làm hơn 40.000 người thiệt mạng. Những tưởng gây ra nỗi sợ hãi tinh thần thì sẽ khiến người Anh quy phục, nhưng Adolf Hitler đã quên mất “tinh hoa người Anh”. Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Mỹ về nỗi sợ sau khi bị tấn công, người dân Anh tỏ ra bình thản, thậm chí còn hài hước châm biếm rằng: “Nỗi sợ thì giúp được gì cho chúng tôi cơ chứ?”.

Điềm tĩnh, dũng cảm, ngoan cường chịu đựng… chính là những phẩm chất tốt đẹp nhất trong con người, đã được bộc lộ trong các hoàn cảnh bi đát. Như khi Rutger Bregman đề cập về lượng bom đạn mà Mỹ đã ném xuống trong chiến tranh ở Việt Nam nhiều gấp ba lần những gì họ trút xuống trong toàn Thế chiến II, thì cũng tương tự việc Đức quốc xã đã làm với Anh quốc, Mỹ đã không khuất phục được tinh thần can trường, bất khuất của người Việt. “Đây là phẩm chất của toàn nhân loại” – như Rutger Bregman nói.

Tuy bảo vệ quan điểm “con người về bản chất là thiện tính” bằng những lập luận khá mạnh nhưng Bregman đã không thể khẳng định. Ông kể một truyện ngụ ngôn: Một ông già nói với cháu mình: “Trong lòng ông đang diễn ra một trận chiến kịch liệt giữa hai con sói. Một con sói độc ác giận dữ, tham lam, ghen ghét, ngạo mạn và hèn nhát. Con còn lại rất tốt bụng, hiền lành, yêu thương, khiêm nhường, hào phóng, trung thực và đáng tin. Hai con sói này cũng đang tranh đấu bên trong cháu và bên trong tất cả mọi người”. Cậu bé hỏi lại: “Vậy con sói nào sẽ thắng?”. Ông già mỉm cười trả lời: “Con nào mà cháu nuôi dưỡng và chăm sóc thì con đó sẽ thắng”.

Bregman cũng cho rằng tư tưởng của Hobbes và Rousseau bị chao đảo bởi nền khoa học với những chủ thuyết mới. Để lập luận về tương lai, tác giả đưa người đọc vào sự cảnh tỉnh đối với “tin tức” trên truyền thông. Nếu trước đây, nhà báo không biết nhiều về độc giả thì ngày nay, những ông trùm đằng sau Facebook, Twitter, Google… biết rõ cần thiết kế tin tức như thế nào để thu hút, thậm chí gây sốc cho từng người xem, từ đó mới có thể cá nhân hóa quảng cáo. Và như vậy, tin tức hàng ngày có thể là hàng loạt bản tin về khủng bố, nổi dậy, bạo lực, thiên tai… tác động tiêu cực đến giác quan và tinh thần người xem. Đó là một thứ “ma túy”, là mối hiểm họa ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần cho nhân loại ngày nay.

Nguyễn Minh Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ban-chat-con-nguoi-tot-hay-xau/