Bài học từ vụ tranh chấp tên gọi cuộc thi hoa hậu

Theo TS Nguyễn Thái Cường, nên đăng ký đầy đủ các quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng có thể gây nhầm lẫn nhưng có khả năng dịch ra tiếng Việt…

Những ngày gần đây, thông tin về vụ tranh chấp tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam tiếp tục gây xôn xao dư luận sau khi TAND TP.HCM có thông báo thụ lý vụ kiện.

Không chỉ liên quan đến việc thi hoa hậu, vụ kiện này còn được quan tâm bởi những vấn đề xoay quanh quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) - điều mà không phải ai cũng nắm rõ.

Tranh chấp vì tên dịch ra tiếng Việt giống nhau

Vụ kiện bắt nguồn từ việc tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, có hai đơn vị đều công bố cuộc thi có tên gọi tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, chỉ khác tên tiếng Anh.

Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Khang Việt Nam (Công ty Minh Khang) đăng ký tên cuộc thi là Miss Peace Vietnam. Công ty Cổ phần Quảng cáo Thương mại Sen Vàng (Công ty Sen Vàng) đăng ký tên cuộc thi là Miss Grand Vietnam. Tuy nhiên, khi dịch sang tiếng Việt, cả hai cuộc thi đều là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, gây nên sự trùng lặp.

Sau một thời gian, Công ty Minh Khang đã tiến hành các thủ tục khởi kiện ra tòa.

Theo thông báo thụ lý ngày 1-11-2023, Công ty Minh Khang khởi kiện Công ty Sen Vàng và bà Phạm Thị Kim Dung (Tổng Giám đốc).

Phía Công ty Minh Khang yêu cầu Công ty Sen Vàng chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam trên các cơ sở, phương tiện kinh doanh của Công ty Sen Vàng (website, mạng xã hội, poster, bảng hiệu, phương tiện truyền thông…). Đồng thời xóa bỏ nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đã gắn trên các cơ sở và phương tiện kinh doanh trước đó... Nguyên đơn cũng yêu cầu bà Phạm Thị Kim Dung chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu đang tranh chấp dưới tư cách cá nhân, xóa bỏ nhãn hiệu đã gắn trên các cơ sở và phương tiện dưới tư cách cá nhân phục vụ cho việc kinh doanh của Công ty Sen Vàng.

Bên cạnh đó, yêu cầu bị đơn xin lỗi, cải chính công khai và mở cuộc họp báo xin lỗi tại TP.HCM.

Kinh nghiệm rút ra từ vụ việc

Dù vụ việc mới ở giai đoạn thụ lý, ai đúng - ai sai phải chờ tòa án có thẩm quyền ra phán quyết. Thế nhưng, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Làm sao để có thể bảo vệ mình và tránh khỏi những rắc rối pháp lý tương tự?

Để làm rõ điều này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thái Cường, chuyên gia luật SHTT, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM.

Theo TS Cường, Luật SHTT năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện nhất định.

Về điều kiện xác lập quyền, các đối tượng cần được thông qua thủ tục đăng ký để xác lập quyền đối với nhãn hiệu, trừ trường hợp là nhãn hiệu nổi tiếng.

Điều 6 Luật SHTT quy định “Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Đáng chú ý, đối với các cuộc thi về sắc đẹp, có hai vấn đề cần xem xét là quyền tác giả đối với chương trình cuộc thi và nhãn hiệu.

Về nhãn hiệu, việc dịch nghĩa ra tiếng Việt nếu muốn được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu thì phải đăng ký dưới danh nghĩa một đối tượng riêng.

Tuy nhiên, cần phân định rõ là việc cấp giấy chứng nhận quyền tác giả chỉ có ý nghĩa bảo hộ cho tác phẩm viết như là một loại hình tác phẩm thuộc quyền tác giả. Còn về nhãn hiệu, việc dịch nghĩa ra tiếng Việt nếu muốn được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu thì phải đăng ký dưới danh nghĩa một đối tượng riêng.

Thêm vào đó, tên gọi của các tác phẩm không phải là một đối tượng độc lập được bảo hộ theo Điều 14 Luật SHTT.

Khoản 1 Điều 129 của luật này cũng quy định hành vi sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc dịch vụ được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

“Từ đó, có thể thấy nếu chủ thể A được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (văn bằng bảo hộ nhãn hiệu) thì sau thời điểm này nếu các cá nhân, tổ chức khác sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của chủ thể A có thể bị xem là hành vi xâm phạm nhãn hiệu” - TS Cường nói.

Từ đó, theo ông Cường, để tránh những tranh chấp xảy ra và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nên lưu ý một số nội dung.

Thứ nhất, cần tìm hiểu quy định chung về các vấn đề liên quan đến SHTT, việc xác lập quyền đối với nhãn hiệu và quyền tác giả cũng như các đối tượng khác của quyền SHTT liên quan đến các cuộc thi.

Thứ hai, cần đăng ký đầy đủ các quyền SHTT đối với các đối tượng có thể gây nhầm lẫn nhưng có khả năng dịch ra tiếng Việt (cần đăng ký bảo hộ tên gọi bằng tiếng Việt dưới danh nghĩa nhãn hiệu hoặc các đối tượng khác).

Thứ ba, không sử dụng nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký văn bằng bảo hộ, trừ khi được người đó ủy quyền sử dụng hợp pháp hoặc các quyền hợp pháp khác.•

Phía Sen Vàng nói gì?

Sau khi TAND TP.HCM thụ lý vụ án, ngày 6-1-2024, đại diện Công ty Sen Vàng ra thông cáo báo cáo để phản hồi.

Theo Công ty Sen Vàng, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có cuộc thi Miss Grand Vietnam do Công ty Sen Vàng tổ chức có tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (sau khi tranh chấp xảy ra, phía Công ty Minh Khang chỉ còn sử dụng tên tiếng Anh).

Công ty Sen Vàng cho rằng chính Công ty Minh Khang mới là bên đang xâm phạm nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của họ, gây nên sự nhầm lẫn đối với công chúng.

Vì vậy, Công ty Sen Vàng sẽ phản tố để chứng minh Công ty Minh Khang mới là bên đang xâm phạm nhãn hiệu này…

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-hoc-tu-vu-tranh-chap-ten-goi-cuoc-thi-hoa-hau-post771226.html