Tuyên truyền pháp luật cho sinh viên qua phiên tòa giả định

Hàng trăm sinh viên trường Đại học Đà Lạt hào hứng tham gia cuộc thi kiến thức nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phiên tòa giả định xét xử hành vi vi phạm về mua bán trái phép động vật hoang dã.

 Giới trẻ Đà Lạt hào hứng tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã

Giới trẻ Đà Lạt hào hứng tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 15/5, trường Đại học Đà Lạt phối hợp với Ban quản lý dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Lâm Đồng và WWF Việt Nam tổ chức “Phiên tòa giả định xét xử hành vi vi phạm về mua bán trái phép động vật hoang dã” nhằm tuyên truyền pháp luật cho sinh viên.

 Phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định

Tất cả các đối tượng tham gia phiên tòa đều là sinh viên khoa Luật học thuộc Đại học Đà Lạt. “Hội đồng xét xử” giả định gồm 3 thành viên đã xét xử “bị cáo” N.H.K.T về hành vi “Vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm”.

 Nhiều sinh viên tham dự phiên tòa giả định

Nhiều sinh viên tham dự phiên tòa giả định

Trước đó “bị cáo” N.H.K.T bị bắt vì mua bán rượu ngâm rắn hổ chúa, loài thú nguy cấp quý hiếm nhóm IB.

Vì “bị cáo” có tình tiết giảm nhẹ (sinh trưởng trong gia đình người có công với Cách Mạng) nên “Hội đồng xét xử” tuyên phạt bị cáo N.H.K.T 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng.

Đồng thời với việc tổ chức phiên tòa giả định nói trên, Đại học Đà Lạt còn tổ chức cuộc thi hỏi đáp kiến thức về các điều luật bảo vệ động vật hoang dã để nâng cao hiểu biết của sinh viên trong lĩnh vực này.

 Cán bộ kiểm lâm cung cấp thêm kiến thức về Luật bảo vệ rừng cho sinh viên

Cán bộ kiểm lâm cung cấp thêm kiến thức về Luật bảo vệ rừng cho sinh viên

Ông Nguyễn Lương Minh - Phó Giám đốc VFBC Bidoup-Núi Bà cho biết, hiện tình trạng săn bắt, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, chế biến động vật hoang dã vẫn đang tiếp diễn với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi.

 Bẫy thú do các đối tượng lén lút cài đặt trong rừng

Bẫy thú do các đối tượng lén lút cài đặt trong rừng

Kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt thú rừng do WWF thực hiện những năm gần đây cho thấy, 3 nhóm khách hàng chính tiêu thụ thịt động vật hoang dã nằm trong độ tuổi từ 20-49.

Đáng lưu ý, nhóm người ăn thịt thú rừng trong độ tuổi 20-29 ở khu vực thành thị chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó, nhóm người có học vấn từ cao đẳng đến đại học chiếm gần 70%. Nếu không can thiệp kịp thời, giới trẻ có nguy cơ cao trở thành những người tiêu dùng thịt động vật hoang dã thường xuyên.

“Trước tình hình đó, các hoạt động truyền thông trong nhà trường nhằm kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng là rất cần thiết. Mục tiêu lâu dài là hướng giới trẻ thành nhân tố tích cực, góp phần vào công tác bảo tồn động vật hoang dã”, ông Minh chia sẻ.

Ông Trần Thống - Phó hiệu trưởng Đại học Đà Lạt cho hay, trường tổ chức phiên tòa giả định này nhằm kêu gọi các bạn sinh viên đừng vì thiếu hiểu biết mà ăn thịt động vật hoang dã quý hiếm, dẫn đến vi phạm pháp luật.

 Công an khám phá vụ mua bán tàng trữ trái phép thịt động vật hoang dã ở Lâm Đồng

Công an khám phá vụ mua bán tàng trữ trái phép thịt động vật hoang dã ở Lâm Đồng

Nhiều năm nay, khoa Luật học luôn đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên bằng hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nắm bắt như sân khấu hóa, thi trực tuyến, Olympic pháp luật, phiên tòa giả định… nhằm lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật.

Sinh viên các khoa khác cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền hướng đến mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã; khuyến khích sáng kiến cộng đồng chung tay bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuyen-truyen-phap-luat-cho-sinh-vien-qua-phien-toa-gia-dinh-post1637383.tpo