Bài cuối: Cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở

Ô nhiễm nguồn nước thủy lợi có tác nhân lớn từ ý thức của các tổ chức, DN và người dân.

>>> Bài 1: Sống khổ bên những dòng kênh ô nhiễm

>>> Bài 2: Vì sao hệ thống thủy lợi... chết dần?

>>> Bài 3: Kênh mương ô nhiễm, trách nhiệm của ai?

>>> Bài 4: Giải pháp công trình - đòi hỏi đặt ra cấp thiết

Hệ thống thủy lợi Cầu Bây hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt của các khu dân cư đổ vào đây. Ảnh: Trọng Tùng

Bên cạnh đẩy mạnh thông tin, tuyên tuyền, nâng cao ý thức của các tầng lớp Nhân dân, việc xử lý nghiêm vi phạm và quản chặt giấy phép xả thải của các tổ chức, cá nhân được xem là giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng xả thải trái phép vào hệ thống thủy lợi trên địa bàn Hà Nội.

Đề xuất thành lập Ban Chỉ huy xử lý vi phạm

Thực tế các điểm xả thải thống kê được rất lớn nhưng việc xác định mức độ vi phạm để xử lý hiện nay còn rất hạn chế. Đơn cử như tại tuyến kênh đoạn chảy qua xã Minh Khai (huyện Hoài Đức), gần 30 vị trí xả thải được chính quyền xã phối hợp Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài thống kê. Tuy nhiên, địa phương này chỉ nhắc nhở chứ chưa có bất cứ trường hợp nào bị ngăn chặn, giải tỏa hoặc xử lý dứt điểm.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng đánh giá, hiện nay, các văn bản chỉ đạo từ T.Ư đến địa phương để xử lý vi phạm công trình thủy lợi nói chung, hành vi xả thải trái phép vào hệ thống thủy lợi nói riêng là khá đầy đủ. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, từ huyện đến cơ sở.

Đòi hỏi đặt ra là cần xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên huyện, liên tỉnh trong công tác quản lý tưới, tiêu; giám sát các điểm xả thải; quản lý chất lượng nguồn nước trên hệ thống công trình thủy lợi. Các sở, ngành, địa phương và DN thủy lợi cũng cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi. Tổ chức cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời, xây dựng đề án bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi phù hợp với tình hình và thực tế tại địa phương.

“Để việc xử lý các vi phạm hiện nay đạt hiệu quả mong muốn, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện thành lập Ban Chỉ huy xử lý vi phạm các công trình thủy lợi, bao gồm cả hành vi xả thải trái phép. Ban Chỉ huy này cần có cả thành phần là lực lượng công an cấp huyện, cấp xã tham gia. Đây là yếu tố quan trọng để tạo sức răn đe” – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường bày tỏ quan điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn xử lý được các vi phạm xả thải thì phải có tang chứng, vật chứng. Tuy nhiên không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có điều kiện để giám sát 24/24 giờ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Do đó, rất cần có sự tham gia của cộng đồng. “Thực tế nhiều vụ xả thải của các tổ chức, DN được phát hiện, xử lý từ phản ánh của người dân” – Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) Tạ Đình Tiến cho biết.

Hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ dân sinh tại Trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh). Ảnh Trọng Tùng

Quản chặt việc cấp phép xả thải

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái, trước năm 2022, thực hiện Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14, việc quản lý, cấp phép xả thải vào công thủy lợi thuộc lĩnh vực tham mưu chính của ngành NN&PTNT. Tuy nhiên từ đầu năm nay, nhiệm vụ này đã được chuyển về thuộc lĩnh vực phụ trách của ngành TN&MT.

Thời gian tới, thực hiện các quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật, Sở TN&MT Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có liên quan tổ chức tổng kiểm tra, tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm về xả thải vào nguồn nước của các công trình thủy lợi.

Công tác quản lý xả thải trên địa bàn TP sẽ được tích hợp theo Giấy phép môi trường và Đăng ký môi trường. Trên cơ sở đó, bỏ thủ tục cấp Giấy phép xả thải vào nguồn nước và Giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi. “Trong quá trình triển khai các quy định mới về Giấy phép môi trường và Đăng ký môi trường, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã để tăng cường công tác quản lý xả nước thải vào nguồn nước nói chung, hệ thống thủy lợi nói riêng” – ông Mai Trọng Thái thông tin thêm.

Cùng với quản chặt Giấy phép môi trường và Đăng ký môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cũng sẽ tổ chức kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn TP. Thực hiện tốt công tác quản lý tổng thể về tài nguyên nước, cả về trữ lượng và chất lượng nguồn nước. Tăng cường, bổ sung các trạm quan trắc nước mặt, nước ngầm tự động, truyền số liệu về hệ thống thông tin và công bố công khai số liệu để Nhân dân được biết.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Thực tế cho thấy, các DN cần quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý nguồn nước trước khi xả thải ra môi trường, vào hệ thống công trình thủy lợi. Bởi đây là những đơn vị thường có lưu lượng xả lớn; nguồn nước thải cũng chứa nhiều hoạt chất có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Đình Đức, một bộ phận người dân hiện nay có ý thức chưa cao. Dù có hệ thống tiêu thoát nước sinh hoạt nhưng không ít người vẫn vô tư xả thải chung vào hệ thống công trình thủy lợi. Cá biệt có một số khu dân cư như tại chợ trung tâm xã Tiên Phương, tiểu thương còn vứt bỏ rác thải tràn lan xuống kênh, mương…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chung cho không chỉ cán bộ, công nhân thủy nông, mà còn cả các tầng lớp Nhân dân về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, tài nguyên nước.

Trong đó chú trọng đến vấn đề bảo vệ nguồn nước thủy lợi nói riêng. Công tác tuyên truyền cũng cần tập trung vào thông tin quy định pháp luật về xử lý vi phạm công trình thủy lợi, trong đó có hành vi xả thải trái phép. Điển hình là Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14, Nghị định số 104/2017/NĐ-CP và Nghị định số 65/2019/NĐ-CP của Chính phủ, và đặc biệt là Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) Nguyễn Việt Anh, thực tế trên thế giới đã có mô hình kinh doanh xử lý nước thải. Cụ thể, khi cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn, có thể thuê đơn vị bên ngoài thu gom, đưa đi xử lý. Tại Việt Nam nói chung, hình thức kinh doanh này chưa phát triển; một phần cũng liên quan đến kinh phí. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp cần được tính đến trong dài hạn, khi đầu tư của TP Hà Nội có thể chưa bảo đảm phủ khắp địa bàn trong thời gian ngắn.

Ở khía cạnh khác, Trưởng phòng Thí nghiệm và tư vấn quản lý chất lượng nước, môi trường (Viện Quy hoạch thủy lợi) Trịnh Xuân Hoàng thông tin, hiện nay có đến hơn 60% lưu lượng nước thải xả vào hệ thống thủy lợi là từ dân sinh. Chính vì vậy, các địa phương trong đó có Hà Nội cần nghiên cứu, đưa yêu cầu xử lý nước thải là nội dung bắt buộc trước khi cấp phép xây dựng nhà ở hoặc công trình sản xuất.

“Thực tế chi phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy mô hộ gia đình theo công nghệ mà nhiều nước trên thế giới áp dụng là không phải quá cao. Tuy nhiên, muốn đưa giải pháp này vào thực tiễn, rất cần luật hóa thành tiêu chí bắt buộc” – ông Trịnh Xuân Hoàng nhận định.

Bộ Tài chính đã có Thông tư số 09/TT-BTC quy định khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác theo quy định tại Luật Thủy lợi và Nghị định số 96/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, cả nước mới chỉ có tỉnh Hưng Yên ban hành quy định giá cụ thể.

Việc thu phí đối với hoạt động xả thải ra môi trường theo cơ chế "xả thải nhiều, nộp tiền nhiều" sẽ khiến các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư cho hệ thống xử lý, hạn chế lưu lượng xả thải đồng thời, tạo nguồn lực tài chính quan trọng để đáp ứng nhu cầu về vốn, đầu tư ngược trở lại bảo vệ nguồn nước...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Lương Văn Anh

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-can-su-vao-cuoc-cua-chinh-quyen-co-so.html