Lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường giải đáp về đất đai tại Đắk Nông

Chiều 21/5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Lê Minh Ngân đã làm việc với tỉnh Đắk Nông để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương tại Đắk Nông đã có những ý kiến bày tỏ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Đất đai tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân và các đơn vị thuộc Bộ TN-MT, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đồng chủ trì buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc quản lý đất đai tại Đắk Nông

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân và các đơn vị thuộc Bộ TN-MT, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đồng chủ trì buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc quản lý đất đai tại Đắk Nông

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TN-MT đã có những trao đổi cụ thể, thẳng thắn để các đơn vị, địa phương hiểu và tổ chức thực thi Luật Đất đai và các văn bản dưới luật.

Các địa biểu thuộc Bộ TN-MT và các sở, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Nông dự buổi làm việc

Các địa biểu thuộc Bộ TN-MT và các sở, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Nông dự buổi làm việc

Báo Đắk Nông xin trích một số ý kiến của các đại biểu và trả lời của lãnh đạo Bộ TN-MT tại buổi làm việc:

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song Võ Quốc Tuấn, tại địa phương đang triển khai nhiều dự án điện gió. Một số trường hợp người dân có đất ở nằm trong phạm vi 300m tính từ cột tháp gió. Nhưng theo quy định hiện hành thì chỉ có thể chuyển đất nông nghiệp sang đất ở. Việc chuyển ngược lại từ đất ở sang đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác chưa có quy định cụ thể. Điều này khiến địa phương rất lúng túng.

Theo ông Đoàn Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, việc chuyển mục đích từ đất khác sang đất ở được hiểu là chuyển từ giá trị thấp sang giá trị cao. Việc chuyển từ đất ở sang đất khác thì ngược lại.

Các quy định về đất đai chưa có hướng dẫn cụ thể về phương án tài chính đối với việc chuyển đổi từ đất ở sang đất khác. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất vẫn thực hiện được trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Tại các khu vực quy hoạch đất năng lượng, các địa phương hoàn toàn có thể thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang đất khác.

Bà Thái Thị Tú Anh, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng, trong quá trình tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị rất nhiều về việc chuyển mục đích sử dụng đất. Từ thửa đất nông nghiệp to, phù hợp với quy hoạch, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì vị trí chuyển đó sẽ được định vị, tách riêng ra 1 sổ đỏ khác. Như vậy, cùng 1 thửa đất người dân sử dụng sẽ có 2 sổ đỏ: 1 sổ đất nông nghiệp và 1 sổ đất thổ cư. Người dân cho rằng điều này khá phiền phức và liệu có cần thiết hay không?

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân khẳng định, việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở buộc phải tác thành 1 sổ đỏ riêng là đúng. Điều này để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai và quyền lợi của người dân, bảo đảm tính thống nhất cao và là quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung.

Theo ông Ngân, 1 thửa đất nông nghiệp lớn tại khu vực quy hoạch phù hợp với đất ở đô thị thì người dân có thể thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Diện tích chuyển đổi bao nhiêu sẽ được định vị, tách thành 1 sổ đỏ riêng.

Khu đất được chuyển mục đích sử dụng đất đó được các quyền lợi, chế độ riêng giành cho đất ở. Điều này phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm các chế độ của người sử dụng đất và các vấn đề phát sinh khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Bùi Thanh Hà, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện 2 dự án cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và đất có nguồn gốc nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương. Hai dự án này đã triển khai nhiều năm và đang dở dang.

Với nguồn thu tiền sử dụng đất hạn chế, Đắk Nông rất mong Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu. Nếu có cơ sở dữ liệu tốt, Đắk Nông sẽ thuận lợi hơn trong công tác quản lý đất đai.

Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng cho rằng, hiện Đắk Nông gặp khó khăn về quản lý đất nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương. Trong số hơn 62.000ha thu hồi từ các nông, lâm trường về thì đại đa số người dân đã lấn chiếm, đang sử dụng nhiều năm. Đây là vấn đề nhức nhối mà Đắk Nông nói riêng, nhiều tỉnh Tây Nguyên mong được Trung ương tháo gỡ để phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi đầu tư.

Theo ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và quản lý thông tin đất đai cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là chủ trương lớn của Nhà nước. Đối với các địa phương thì phải tự cân đối kinh phí để thực hiện.

Tuy nhiên, cả nước có nhiều địa phương còn khó khăn, không thể cân đối được kinh phí thực hiện. Bộ TN-MT đang rà soát, tổng hợp và có tham mưu cho Chính phủ xem xét, hỗ trợ các địa phương khó khăn để thực hiện các dự án này.

Đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường, ông Phấn cho rằng những người dân đang lấn, chiếm là “người đang sử dụng đất” chứ không phải là “người sử dụng đất”. Quỹ đất này đã được thu hồi, bàn giao về cho các địa phương và quan điểm của Bộ TN-MT là không cần thiết phải xây dựng phương án sử dụng đất. Bởi phương án sử dụng đất chỉ áp dụng đối với những nơi chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đối với quỹ đất này, HĐND cấp tỉnh sẽ là đơn vị cho chủ trương cho thỏa thuận hay thu hồi đất. Riêng đối với các dự án kêu gọi đầu tư tại các dự án này, Bộ TN-MT khuyến khích hình thức tự thỏa thuận với “người đang sử dụng đất”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Trần Công Dũng, tại địa phương đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, khai thác bô xít… Trong khi đó, các khu vực tái định cư còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của người dân.

Tại các dự án, nhiều hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng nhưng Nhà nước chưa có đất tái định cư để bố trí. Người dân kiến nghị hỗ trợ tiền nhà để họ tạm cư trong thời gian chờ tái định cư. Nếu thời gian này kéo dài thì số tiền hỗ trợ người dân là rất lớn. Kinh phí tăng liệu có phải là thất thoát ngân sách, vi phạm quy định?

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân khẳng định, trong giải phóng mặt bằng, người dân không đồng thuận là khó khăn nhất. Nếu người dân đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng thì Nhà nước phải hỗ trợ đầy đủ cho họ.

Ông Ngân phân tích: Pháp luật quy định rõ là phải có tái định cư thì mới thu hồi đất. Đàng này người dân đang có nhà ổn định mà Nhà nước thu hồi đất, chưa bố trí tái định cư thì khác gì đẩy họ ra đường. Chúng ta phải hỗ trợ cho họ tiền thuê cho đến khi họ nào họ có nơi ở mới. Việc quan trọng là khảo sát, hỗ trợ họ đúng, đủ, tránh phát sinh những vi phạm khác.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN-MT giải đáp các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai mà các sở, ngành, địa phương của Đắk Nông nêu ra tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN-MT giải đáp các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai mà các sở, ngành, địa phương của Đắk Nông nêu ra tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông

Lê Phước

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/lanh-dao-bo-tai-nguyen-moi-truong-giai-dap-ve-dat-dai-tai-dak-nong-212638.html