Bài 3: Cần tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, phản động

Nhận diện, bóc trần và phòng chống các hành vi xuyên tạc mới về đội ngũ doanh nhân Việt Nam của các thế lực thù địch đang là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống.

Để làm được điều này đòi hỏi mỗi doanh nhân phải tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, phản động.

Không chỉ ở Việt Nam mà tại tất cả các quốc gia trên thế giới, trong quá trình sản xuất kinh doanh đều không tránh khỏi việc một số chính sách và hoạt động điều hành của các cơ quan chức năng nhà nước còn hạn chế, bất cập. Một số doanh nhân và doanh nghiệp có sai phạm, trục lợi bất chính, gây bức xúc xã hội, méo mó môi trường đầu tư và gây thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Thế nhưng, không công bằng khi có một số lực lượng chuyên “bới lông tìm vết”, nhặt nhạnh một số sự vụ việc tiêu cực được đăng tải trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội để đưa ra các bình luận, giải thích cực đoan, xuyên tạc, kiểu “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, lấy “con sâu làm rầu nồi canh”, để khái quát và áp đặt chủ quan, phủ định sạch trơn vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, quy kết, bôi đen, xuyên tạc vai trò, chức năng quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, từ đó xuyên tạc chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh minh họa

Đối tượng bôi nhọ, xuyên tạc liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân có thể là các lực lượng chống đối Đảng và nhà nước ta xuất thân từ chế độ cũ, mang nặng tâm lý thù hận hay hoài nghi. Có người là cán bộ, nhân viên trong các cơ quan của nhà nước ta nhưng thoái hóa, biến chất hoặc có những mâu thuẫn cá nhân… dần dần thù ghét chế độ và Tổ quốc của mình, tìm cách chống phá đất nước. Những người này thường sử dụng các thông tin một chiều, thiếu chính xác rồi nâng cấp và quy chụp cho cho toàn bộ hệ thống doanh nhân Việt Nam là thành công chủ yếu nhờ hối lộ, móc ngoặc, ăn cắp của nhà nước, của dân… để cuối cùng quy chụp cho thể chế kinh tế - xã hội của Việt Nam là ăn chặn, ăn cướp của dân…

Trong một số trường hợp, đối tượng xuyên tạc các vấn đề về doanh nhân lại là chính doanh nhân hoặc là người thân của doanh nhân. Do có sự cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến thù địch cá nhân đã “chơi trò bẩn” khi giành giật hợp đồng và thị trường. “Bên thua cuộc” khi đó sẽ triển khai kịch bản hạ bệ “kẻ thắng cuộc” bằng cách viết đơn, thư tố cáo hoặc thuê người khác viết viết bài tung lên mạng để bôi nhọ đối thủ và nói xấu chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội luôn lợi dụng mạng xã hội làm công cụ để đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm sai trái, xuyên tạc. Ảnh minh họa.

Có người còn thuê một số nhà báo thoái hóa biến chất viết bài đưa trên các cơ quan thông tin đại chúng nhằm nhiễu loạn thông tin. Đối thủ thua cuộc tiếp tục đưa những bài viết này kèm theo các bình luận thiếu thiện chí trên mạng xã hội… Cũng có doanh nhân tức nhau trong đời sống xã hội đã viết bài, livestream chửi bới, bêu xấu nhau trên mạng xã hội để bày tỏ thái độ.

Các doanh nhân “chơi trò bẩn” nói trên lại được sự tiếp tay của một số người thiếu ý thức chính trị, thiếu thông tin, thấy thông tin tiêu cực là câu view, like, đưa vào cho trang cá nhân của mình. Đặc biệt có những “anh hùng nấp sau bàn phím” mang nặng tâm lý đám đông, bầy đàn, hễ thấy thông tin mới, giật gân, không rõ đầu đuôi tranh luận thế nào, người trong cuộc với câu chuyện ai sai, ai đúng… đã “xung phong” trở thành “quan tòa” võ đoán, phản đối gay gắt rồi “dìm hàng”… Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị nhân cơ hội đó “tung hô” nhân vật chống đối để rồi “đổi trắng, thay đen”, nói xấu Đảng và Nhà nước ta.

Chính vì thế, việc nhận diện, bóc trần và phòng chống các hành vi xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân đang là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống. Để làm được điều này, phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng Nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

Trước hết, cần coi trọng công tác giáo dục tư tưởng và đề cao trách nhiệm công dân trong các chương trình giáo dục đào tạo và truyền thông xã hội. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đã khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sử dụng họ tên thật của mình, tên hiệu thật của cơ quan tổ chức; đồng thời khuyến khích chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép...

Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành dù chỉ được xem là văn bản hướng dẫn, điều chỉnh hành vi để công dân tránh ngưỡng vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực hiện, nhưng đây sẽ là sự hướng dẫn tốt để tăng tính trách nhiệm trong mỗi nút like, bình luận hay chia sẻ, từ đó giúp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tương tác trên mạng xã hội… Các cơ quan chức năng của Nhà nước, nhất là các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử này.

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thông tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc… cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc xử lý sai phạm.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của Nhà nước và các địa phương cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nhân tự do kinh doanh theo pháp luật, phát triển hợp tác cùng có lợi. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật và khích lệ, cổ vũ tinh thần dám nghĩ dàm làm, lập nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nhân trên cả nước.

Đồng thời, đẩy mạnh việc cải cách nền hành chính, sàng lọc, kiểm soát và trừng trị những kẻ thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu, vô trách nhiệm, sợ và né tránh trách nhiệm trong quản lý, cấp phép kinh doanh. Nghiêm trị kịp thời những hành vi bôi nhọ, xuyên tạc và làm tổn hại lợi ích hợp pháp của doanh nhân và doanh nghiệp.

Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân, bảo đảm sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Đấu tranh không khoan nhượng với những doanh nhân vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh việc chủ động cung cấp các thông tin chính thống, các cơ qua chức năng của Nhà nước, nhất là các cơ quan báo chí cần có các tác phẩm phản bác kịp thời những thông tin xấu độc, tiêu cực. Đồng thời kiểm soát và phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ nền tảng quốc tế và trong nước để xóa bỏ, ngăn chặn phát tán các bài, tin giả, các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, doanh nhân.

Tiến trình tự do hóa thương mại, mở cửa và hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, đó là thách thức khi phải đối mặt với việc cạnh trạnh không bình đẳng khi Chính phủ nước ngoài áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, tự vệ thương mại… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải có sự đoàn kết, liên kết chặt chẽ với nhau, liên kết chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để tập hợp sức mạnh nhằm dễ dàng ứng phó khi các tình huống như vậy xảy ra.

Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) không chỉ đơn thuần là ngày tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là ngày để các doanh nhân Việt Nam đoàn kết lại. Ngày Doanh nhân Việt Nam còn là ngày để mọi người đề cao cảnh giác, tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc đội ngũ doanh nhân Việt Nam, là ngày đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam./.

Đỗ Phú Thọ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-can-tinh-tao-va-kien-quyet-dau-tranh-voi-cac-luan-dieu-xuyen-tac-phan-dong-276956.html