Bắc cực có thể 'nóng lên' vì cạnh tranh Nga - Mỹ

Trong thời gian gần đây, dư luận quốc tế dành nhiều sự quan tâm tới việc Mỹ dự kiến công bố Chiến lược Bắc cực mới. Bởi những diễn biến phức tạp hiện nay tại Bắc cực vốn đang cho thấy, căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng gia tăng.

Tàu đổ bộ và xe tăng chiến đấu thuộc lực lượng phương Bắc của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Nhiều diễn biến phức tạp

Từ đầu năm 2022 đến nay, bất ổn an ninh ở châu Âu đã gây ra những ảnh hưởng khó lường với toàn cầu. Phần lớn sự chú ý của dư luận liên quan tới an ninh quốc tế đều đổ dồn vào những cuộc cạnh tranh khốc liệt ở “lục địa già”. Những “điểm nóng” cạnh tranh giữa các nước lớn khác dù phần nào bị lu mờ bởi bất ổn an ninh châu Âu, song thực tế vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí còn hình thành những nền tảng quan trọng cho các cuộc đối đầu kinh tế, địa chính trị và quân sự leo thang. Trong xu hướng đối đầu giữa các nước lớn, Nga và phương Tây đang ngày càng có thêm nhiều động thái báo hiệu cho việc hình thành các “điểm nóng” cạnh tranh chiến lược.

Theo giới quan sát, một trong những động thái minh chứng rõ nét cho mức độ căng thẳng của cuộc đối đầu này là diễn biến tại cuộc họp của Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế ở Jamaica vào cuối tháng 3 vừa qua. Trong cuộc họp này, Nga đã chỉ trích Mỹ vì những tuyên bố được đưa ra vào tháng 12/2023 về Bắc cực với đáy biển giàu khoáng sản. Đại diện của Nga tại cuộc họp thẳng thừng chỉ rõ, Mỹ đang lạm dụng luật pháp quốc tế để thu về cho bản thân những khoản lợi khổng lồ. Nga cũng cáo buộc Mỹ gây ra xung đột với mình và các cường quốc khác tại khu vực Bắc cực và toàn thế giới.

Không chỉ vậy, giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, phản ứng của Nga có thể bao gồm việc rút khỏi Hội đồng Bắc cực, Hiệp ước Luật Biển, bác bỏ Thỏa thuận Baker - Shevardnadze năm 1990 liên quan đến việc thiết lập biên giới biển giữa Moscow và phương Tây. Cùng với đó, Nga có thể tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc cực để chống lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.

Những ngày gần đây, giới chuyên gia quốc tế đưa ra nhiều bình luận về dấu hiệu Nga tức giận với Mỹ khi Mỹ liên tục có những hành động “không vừa mắt” Nga, cho thấy những mối đe dọa tệ hại nhắm vào siêu cường nằm ở phía Bắc lục địa Á - Âu này. Theo giới chuyên gia, có thể Mỹ đang thực hiện 3 điều mà Nga coi là “lằn ranh đỏ”. Trước hết là nỗ lực mở rộng NATO với việc kết nạp hai quốc gia là Phần Lan và Thụy Điển. Điều này khiến liên minh hùng hậu vốn đối lập với Nga tiến sát tầm hoạt động kề cận với lãnh thổ của Nga hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ôm kỳ vọng mở rộng tuyến đường biển phía Bắc vốn đã bị đình trệ do hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây liên tiếp được áp đặt kể từ đầu năm 2022 đến nay. Một động thái khác của Mỹ có thể làm Nga tức giận là việc Lầu Năm Góc mới đây cho biết, sẽ công bố chiến lược Bắc cực mới, dựa trên 3 cuộc tập trận quân sự gần đây ở Bắc cực.

Niềm tin từ “đòn bẩy” ngoại giao

Theo chuyên gia Paul Goble - nguyên Giám đốc nghiên cứu và xuất bản tại Học viện Ngoại giao Azerbaijan, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, Nga đang đối mặt với các mối lo ngại khá nặng nề. Dễ thấy nhất là, chính quyền Tổng thống Putin cho rằng, hoạt động của phương Tây ở Bắc cực xuất phát từ niềm tin về việc Nga đang bị phân tâm và thậm chí là bị suy yếu do bất ổn an ninh ở châu Âu. Trên thực tế, giới chuyên gia và cả giới chức Nga liên tục kêu gọi chính quyền nước này phải đáp trả mạnh mẽ đối với các hành động của phương Tây làm suy yếu Nga ở nhiều nơi trên thế giới.

Song hành với đó, việc mở rộng tuyến đường biển phía Bắc, vốn là trọng tâm trong kế hoạch hướng về phía Đông của Tổng thống Putin nhằm tái khẳng định sức mạnh của Nga, trên thực tế liên tục gặp khó khăn nhưng vẫn không làm lung lay tham vọng của ông Putin. Nhà lãnh đạo Nga cũng đã cam kết sẽ giành nhiều nguồn lực hơn nữa cho nỗ lực này. Bởi lẽ, nếu tham vọng này thất bại, tất yếu sẽ kéo theo sự “xuống dốc” của Nga trong các mối quan hệ với phương Tây và cả với Trung Quốc. Dư luận xã hội Nga và cả chính quyền của Tổng thống Putin cùng tin rằng, nếu mất quyền kiểm soát đối với tuyến đường biển phía Bắc, Nga có thể sẽ mất luôn quyền kiểm soát đối với các khu vực phía Bắc của nước này.

Chuyên gia Goble cho rằng, trước những mối lo ngại, nhiều khả năng Tổng thống Putin sẽ đưa ra các quyết định vượt ra ngoài các công cụ ngoại giao. Dẫu vậy, Nga hiện vẫn còn một số “đòn bẩy” ngoại giao. Điển hình như thu hút cộng đồng quốc tế phản ứng với việc mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở Bắc cực. Việc thu hút này cũng nhắm tới cả những quốc gia đang là các đồng minh của Mỹ.

Theo chuyên gia Goble, thực tế, Nga đã thực hiện động thái xen vào các mối quan hệ đồng minh của Mỹ ngay tại cuộc gặp ở Jamaica vừa qua. Truyền thông quốc tế đưa tin về sự kiện cho thấy, đại diện của Nga đã nêu bật những khác biệt giữa Mỹ và Canada nói riêng, giữa Mỹ và các nước khác nói chung. Không chỉ tại cuộc họp ở Jamaica, Nga cũng đã thực hiện những nỗ lực tương tự tại nhiều địa điểm khác. Chuyên gia Goble tin tưởng rằng, Nga sẽ tiếp tục tiến hành cách tiếp cận này một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Chuyên gia Goble cũng chỉ ra rằng, đòn bẩy ngoại giao này sẽ khó có thể tạo ra rào cản có hiệu lực đủ mạnh. Bởi, nếu thiếu sự phô trương sức mạnh quân sự tại khu vực, rất khó để ngăn cản hiệu quả nỗ lực của Mỹ và phương Tây trong việc gia tăng sự hiện diện ở Bắc cực. Nga sẽ cần thể hiện sức mạnh quân sự để hỗ trợ đòn bẩy ngoại giao.

Giới chuyên gia cùng cho rằng, diễn biến thực tế ở Bắc cực trong thời gian tới có thể sẽ leo thang nguy hiểm. Nếu các bên không dành sự quan tâm tới khu vực này, rất có thể tạo ra những nguy cơ bất ổn vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trong thời gian gần đây, giới học giả hàng đầu của Nga đưa ra những lời tuyên bố với quan điểm tương đồng rằng, Mỹ liên tục có những động thái tạo ra một cuộc tấn công trực diện vào lợi ích quốc gia của Nga. Những mục tiêu của Mỹ hướng tới đều có liên quan đến khu vực mà Nga tin rằng, mình nên có quyền kiểm soát riêng.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bac-cuc-co-the-nong-len-vi-canh-tranh-nga-my-post475419.html