Ba con phố kéo dài

Với mục tiêu xây dựng đô thị loại I, TP Hải Dương đã có những bước chuyển mình, mở rộng địa giới hành chính và hình thành nên những con phố kéo dài khang trang, sầm uất ngày nay.

Hàng cây hoa ban nở trắng đường 62 m kéo dài như tô vẽ thêm nét mềm mại cho thành phố. Ảnh:THÀNH CHUNG

"Xương sống" của thành phố

TP Hải Dương có nhiều con phố kéo dài, nhưng đẹp nhất, trở thành "xương sống" của thành phố phải kể đến đường Thanh Niên ở phía đông, Tuệ Tĩnh ở phía bắc và đường 62 m ở phía tây nam.

Ngồi nhâm nhi chén trà chát ở quán cóc duy nhất trên đường Tuệ Tĩnh kéo dài, tôi được nghe những câu chuyện từ trong "trứng nước" về sự hình thành của con phố này mà cảm giác như mới từ hôm qua. Bà Ngọ Dinh, chủ quán nước ở số nhà 275 phố Tuệ Tĩnh cho biết hai vợ chồng bà đều làm việc trong Công ty CP Lilama 69-3, được ưu tiên mua lô đất trong mảnh đất của công ty chia bán cho công nhân viên từ năm 2004. "Ngày xưa khu này thưa vắng người ở, con phố này mới chỉ được lấp cát từng đoạn trên những thửa ruộng có nhiều cá rô đồng vàng ươm, béo ngậy. Sau này, Nhà nước làm đường rộng, những ngôi nhà tầng ở hai bên đường mới được đan dầy thêm", bà Ngọ Dinh vừa rót nước cho khách vừa kể.

Phố Tuệ Tĩnh cũ được đặt tên từ năm 1993, tính từ ngã tư Máy Xay đến đường Điện Biên Phủ, dài 800 m, rộng 12 m. Đến năm 2017, UBND tỉnh quyết định kéo dài phố này thêm trọn vẹn phần đường nằm trong khu đô thị Tuệ Tĩnh, dài gần 660 m, rộng 20,5 m, nối tiếp từ đường Điện Biên Phủ đến đường Ngô Quyền.

Ông Chiến, 75 tuổi, ở số nhà 52 đường Chương Dương cho biết đường Thanh Niên ngày trước bắt đầu từ điểm tiếp giáp với quốc lộ 5 đến ngã ba Tam Giang, còn từ cầu Chương Dương đến đầu đường Yết Kiêu chưa có đường. Đa phần khu này là đồng ruộng, cầu Cong (cầu vượt Hải Tân) bắc qua sông Sặt trước đây chỉ là cây cầu gỗ nhỏ dành cho người dân đi làm đồng.

Đường Thanh Niên kéo dài cùng với Trung tâm Văn hóa Xứ Đông tạo nên điểm nhấn, biểu tượng cho thành phố

Lần tìm trong Từ điển đường phố Hải Dương, đường Thanh Niên được đặt lại năm 2004, kéo dài thêm phần đường huyết mạch của khu đô thị phía đông thành phố từ cầu Chương Dương đến ngã tư Hải Tân, dài 1,5 km, nâng tổng chiều dài toàn tuyến đường này lên khoảng 3 km.

Trong ký ức của tôi, đường 62 m kéo dài từ cầu Lộ Cương đến ngã tư vòng xuyến Gia Lộc, đoạn giao với đường rẽ vào Viện Cây lương thực và cây thực phẩm dài khoảng 3 km, trước đây là cánh đồng thẳng cánh cò bay, vựa lúa của các xã Thạch Khôi, Liên Hồng và Gia Xuyên đều thuộc huyện Gia Lộc. Sau khi TP Hải Dương phát triển và mở rộng, lần lượt sáp nhập các xã này về thành phố để trở thành đô thị loại II năm 2009, đô thị loại I năm 2019 đã hình thành nên con đường rộng dài nhất thành phố hiện nay. Đường 62 m kéo dài cùng với đường 30-10 sau này được đổi thành tên vị tướng huyền thoại của dân tộc Võ Nguyên Giáp.

Mở rộng không gian thành phố

Hình thành sớm nhất trong 3 con đường trên là đường Thanh Niên kéo dài. Không chỉ giúp giao thông đi lại thuận tiện, đường Thanh Niên kéo dài và khu đô thị mới phía đông còn giúp giãn dân, giảm mật độ dân cư ở những con phố nhỏ hẹp, chật chội của thành phố. Với mặt đường rộng, sạch, có dải phân cách giữa cùng không gian sống văn minh, hiện đại, con phố này như trầm mặc hơn nhiều con phố khác. Đặc biệt, đường Thanh Niên kéo dài vắt qua phía trước Trung tâm Văn hóa Xứ Đông cùng quảng trường rộng biến nơi đây trở thành điểm nhấn, biểu tượng cho thành phố.

Quán nước nhỏ của bà Ngọ Dinh, một trong những hộ đầu tiên sống ở phố Tuệ Tĩnh kéo dài

Nhắc đến ẩm thực nhiều người nghĩ ngay đến phố Tuệ Tĩnh kéo dài. Đây là phố ẩm thực sôi động nhất thành phố với đủ loại nhà hàng, quán ăn, cà phê, trà sữa... Các hàng quán ở đây hoạt động suốt từ sáng đến đêm muộn, chẳng khác gì một khu chợ đêm sầm uất. Cùng với sự phát triển của thị trường, giá trị những mét vuông đất ở mặt đường này thuộc hàng đắt nhất nhì thành phố. Bà Ngọ Dinh cho biết năm 2004 vợ chồng bà mua mảnh đất đang ở giá khoảng 150 triệu đồng, đến nay giá trị của nó không dưới 8 tỷ đồng.

Nhìn từ trên cao đường 62 m kéo dài, giờ đây là đại lộ Võ Nguyên Giáp như một dải lụa lớn trải dài từ đầu thành phố xuống khu vực phía nam, phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố trong tương lai. Dọc hai bên đường này, những xã vùng quê đã dần thay da đổi thịt tạo nên diện mạo mới cho khu đô thị cửa ngõ phía nam thành phố. Nhiều công trình an sinh xã hội mọc lên theo thời gian như Bệnh viện Nhi tỉnh, Trường Đại học Hải Dương, Trường THPT Sao Đỏ. Trong tương lai không xa, khu vực phía đông đường 62 m kéo dài còn có Trung tâm Thương mại AEON tầm cỡ khu vực, phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của nhân dân trong và ngoài tỉnh...

VĂN NGHIỆP

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cuoc-thi-viet-hai-duong---thanh-pho-toi-yeu/audio-ba-con-pho-keo-dai-241577