Bà bầu bị nóng sốt: Chớ chủ quan!

Nóng sốt thì tìm cách hạ nhiệt, cũng như đói ăn rau đau thì uống thuốc, có phải đơn giản vậy không? Đặc biệt, với các bà bầu thì sao?

Sốt là gì?

Được xem là sốt khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 37,2 / buổi sáng hay 37,7/ buổi chiều (độ C trong toàn bài). Đi kèm với sốt có thể là cảm giác lạnh, thở nhanh, vã mồ hôi.

Nên nhớ sốt cao hơn 39 độ là phải khám cấp cứu, bất kể do nguyên nhân gì!. Ảnh: TL

Khi thân nhiệt tăng hơn mức bình thường, sự tăng nhiệt này có thể làm hại chức năng của một số hệ cơ quan, do đó cơ thể sẽ có cơ chế tăng thải nhiệt thông qua việc thở nhanh (thải nhiệt qua hô hấp), vã mồ hôi và giãn mạch ngoại biên (thải nhiệt qua da), gây lạnh tay chân (song song trung tâm điều nhiệt ở não bộ sẽ thiết lập lại điểm thân nhiệt mới, thấp hơn bình thường, và sẽ kích hoạt các cơ chế thải nhiệt gia tăng làm việc để có lại mức thân nhiệt phù hợp).

Chính vì vậy, người bị sốt có dấu hiệu mất nước như môi khô, khát nước, da nhăn. Mạch hay nhịp tim cũng gia tăng – thông thường thêm khoảng 10 nhịp mạch khi thân nhiệt tăng 1 độ.

Sốt cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường, ví dụ như sốt do cảm nắng hay nhiễm lạnh. Khi bị bệnh nhiễm trùng, cơ thể cũng đề kháng lại bằng cách tăng thân nhiệt, nhằm tạo điều kiện không thuận lợi cho các tác nhân nhiễm trùng (đồng thời gây hại cho chính cơ thể!) Mặt khác trong đa số các bệnh nhiễm trùng, cũng có sốt do hoạt động của các tác nhân gây bệnh. Sốt được xem là không rõ nguyên nhân khi thân nhiệt hơn 38,3, người bệnh đã trải qua ba ngày tại bệnh viện mà không tìm được nguyên nhân, hoặc kéo dài hơn ba tuần. Sốt cũng có thể xảy ra khi có các bệnh lý tân sinh (tạo mới, bất thường) hay bệnh tự miễn.

Để nhận biết sốt cần cặp nhiệt: sử dụng que thử nhiệt độ cặp vào nách, ngậm vào miệng hay đặt hậu môn. Que thử nhiệt độ thường chứa thủy ngân, do đó cẩn thận tránh làm vỡ có thể bị ngộ độc thủy ngân cấp (nguy hiểm chết người) hay mãn tính. Biết đích xác nhiệt độ cơ thể khi sốt thì sẽ dễ dàng chọn lựa phương pháp hạ sốt hiệu quả và nhanh chóng.

Một đặc điểm của các bà bầu là khi mắc các bệnh nhiễm trùng, các triệu chứng ban đầu có thể gây nhầm lẫn, tiến triển bệnh nhiễm trùng ở bà bầu cũng nhanh hơn. Do vậy, không chủ quan khi có sốt.

Điều trị: thải nhiệt, tìm nguyên nhân

Điều trị sốt bao gồm hạ sốt song song với đi tìm nguyên nhân gây sốt để điều trị tận gốc. Hạ sốt được đặt ra khi thân nhiệt quá cao, có thể dẫn đến rối loạn hoạt động các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Cần chọn cách hạ sốt nào không gây khó khăn cho việc đi tìm nguyên nhân gây sốt. Ví dụ nếu nghi do nhiễm trùng mà chưa tìm được chính xác tác nhân gây bệnh, thì chỉ dùng hạ sốt đơn thuần chứ đừng vội dùng kháng sinh.

Để hạ sốt, không chỉ có biện pháp dùng thuốc. Việc đầu tiên cần làm là để người bệnh trong môi trường thoáng mát, cởi bớt y phục, dùng khăn ướt lau mát khắp người – giúp tăng thải nhiệt qua da.

Một số trường hợp bệnh nhân khi sốt lại kèm cảm giác ớn lạnh, đôi khi lạnh run và muốn ủ ấm, do đó phải thuyết phục bệnh nhân và người nhà chịu lau mát. Lau mát đặc biệt tốt với trẻ em, do da bé mỏng, nhiều mạch máu nên dễ thải nhiệt qua da. Thuốc hạ sốt cũng có thể dùng nhiều đường như uống, tiêm hay đặt hậu môn.

Sốt ở bà bầu: chớ chủ quan

Khi cơ thể có tăng chuyển hóa – hay gặp ở người bệnh bướu cổ hay ở các bà bầu, cũng có cảm giác nóng trong người và làm họ lầm tưởng là sốt (tuy nhiên, nếu cặp nhiệt sẽ không thấy tăng hay tăng nhiệt chưa tới mức được xem là sốt). Phụ nữ ở vào giai đoạn sau rụng trứng (nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, cũng gia tăng thân nhiệt - vào khoảng nửa độ C).

Các bà bầu thường có nhịp tim tăng, thở nhanh hơn, có cảm giác nóng hơn bình thường (chuyển hóa có thể tăng 10-20%). Do đó, việc đi tắm thường xuyên là điều dễ hiểu, nên dễ cảm lạnh gây ra sốt. Trong tình huống này, thuốc hạ sốt là cần thiết và an toàn. Để phòng ngừa, không tắm quá lâu, lau khô và dùng y phục thích hợp sau khi tắm, sử dụng phòng ở thoáng mát, nhiệt độ thích hợp.

Một đặc điểm của các bà bầu là khi mắc các bệnh nhiễm trùng, các triệu chứng ban đầu có thể gây nhầm lẫn, tiến triển bệnh nhiễm trùng ở bà bầu cũng nhanh hơn. Do vậy, không chủ quan khi có sốt; sau khi đã loại trừ các bệnh nhiễm trùng mới nghĩ đến nguyên nhân cảm lạnh thông thường; ngay khi đã cho là cảm lạnh, nhưng nếu kéo dài quá vài ba ngày cũng cần xem lại cẩn thận.

Cần nói thêm: các thuốc hạ sốt thông thường đều an toàn cho thai phụ và thai nhi, không nên quá lo lắng khi phải dùng thuốc cảm sốt. Xử trí tốt nhất cho bà bầu bị sốt là biết đích xác thân nhiệt, dùng thuốc hạ sốt (loại thông thường) khi thân nhiệt quá cao, lưu ý tìm nguyên nhân gây sốt và không chủ quan khi sốt kéo dài. Nên nhớ sốt cao hơn 39 độ là phải khám cấp cứu, bất kể do nguyên nhân gì.

ThS-BS. Đặng Lê Dung Hạnh

(Nguyên Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Hùng Vương TP.HCM)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ba-bau-bi-nong-sot-cho-chu-quan-36977.html