Anh hùng Đoàn Văn Thái: Ngoan cường chiến đấu trong lòng địch

Với mong muốn tìm hiểu thêm về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi có dịp được gặp Đại tá Đoàn Văn Thái, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Sông Bé (nay là BĐBP Bình Phước) tại thị xã Thuận An. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, người con của vùng đất Long Nguyên, Bến Cát, Thủ Dầu Một anh hùng đã chiến đấu ngoan cường, 4 lần được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được khen thưởng 8 Bằng khen, 2 Giấy khen, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Từ những chiến công đó, năm 1969, tại Đại hội lực lượng vũ trang miền Nam, người đại đội trưởng đại đội địa phương Đoàn Văn Thái được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân chỉ sau 3 năm đi bộ đội, là anh hùng trẻ nhất thời bấy giờ.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương thăm hỏi Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Văn Thái (bên phải). Ảnh: Tuệ Lâm

Cuốn sách “Đơn vị và cá nhân anh hùng trong BĐBP” có ghi lại: “... Đồng chí Đoàn Văn Thái sinh năm 1948, nhập ngũ năm 1965, sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo. Được sự giáo dục của cán bộ, Đoàn Văn Thái đã sớm giác ngộ cách mạng, tha thiết với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 16 tuổi, Đoàn Văn Thái vào dân quân, tham gia chiến đấu tại địa phương, năm 17 tuổi, Đoàn Văn Thái vào bộ đội, tham gia chiến đấu 51 trận và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong chiến đấu, đồng chí nêu cao ý chí dũng cảm, ngoan cường, chủ động tiến công, quyết tâm tiêu diệt địch. Tác phong chiến đấu “nắm thắt lưng địch mà đánh”, đánh áp đảo, đánh bọc sườn của đồng chí được anh em tin tưởng, học tập. Đồng chí được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ diệt những mục tiêu quan trọng”.

Hồi tưởng lại những tháng ngày chiến đấu của mình cùng đồng đội, Đại tá Đoàn Văn Thái kể: “Ngày xưa, trai gái trong làng ngất ngây bên những câu chuyện điển hình dũng sĩ diệt Mỹ, nhất là câu chuyện Anh hùng Lê Văn Tám đốt kho xăng, truyền tụng rộng rãi trở thành thần tượng để chúng tôi noi theo. Người hậu phương thì hưởng ứng tích cực phong trào "Hũ gạo tình thương", góp gạo nuôi quân. Thanh niên trai tráng xung phong ra tiền tuyến đánh giặc. Ngày đầu vào bộ đội, tay còn chưa quen báng súng, tôi cũng sẵn sàng xung phong tham gia đánh trận Quỹ Hiệp - Lai Khê. Lần đó, tôi diệt 2 tên, bắt sống 3 tên, thu về 3 súng, được cả đại đội ngợi khen, tuổi trẻ vốn đã hăng hái càng hun đúc thêm lòng nhiệt huyết”.

Chiến công nức lòng người là thế, song cũng trong trận đầu oanh liệt ấy, đồng chí Đoàn Văn Thái đã chứng kiến sự hi sinh của những người đồng chí thân yêu. Đó là 3 người bạn nối khố thân thiết với nhau từ ngày tóc để chỏm, cùng rủ nhau nhập ngũ, chưa qua khóa đào tạo nào về chiến thuật, cách sử dụng súng đã lâm trận. Trong lúc chiến đấu, súng của Đoàn Văn Thái hết đạn, lại loay hoay không biết cách tiếp đạn nên đã gọi một người bạn tên Quỳnh để hỏi. Người bạn đó đã bỏ vị trí chiến đấu tới hỗ trợ ông và bị địch phát hiện, bắn vào đầu ngay trước mắt ông. Rồi những người khác cũng lần lượt hi sinh, để lại một khoảng sâu thẳm buồn thương trong lòng người lính trẻ.

Những trận đánh sau đó cũng vậy, có những trận chiến, tiểu đoàn hơn cả trăm người hi sinh quá nửa. Rồi bước vào trận mới với những người đồng đội mới, chưa kịp quen mặt, nhớ tên đã lại chia xa vĩnh viễn. Bản thân ông 3 năm tham gia bộ đội, tính từ ngày đầu nhập ngũ đến khi được vinh dự phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông tham gia trên dưới 100 trận đánh và nhiều phen thoát chết. Ông nói: “Một đời binh nghiệp, tôi không khi nào quên được những ngày chiến đấu gian khổ đó. Khi ấy, chiến đấu trong lòng địch, dường như đôi chân của tôi chưa bao giờ có được bước đi thanh thản, nhẹ nhàng, lúc nào cũng thường trực sự căng thẳng. Trước mặt, trên đầu, dưới chân ở đâu cũng có bom đạn kẻ thù rình rập, sinh mạng bị tước đi lúc nào không hay. Chúng tôi chỉ có một ước ao đất mẹ yên bình, tôi sẽ đi bộ khắp mọi miền quê hương, đất nước...”.

Một trận đánh mà ông rất nhớ là trận Sở Gà - Tân An, Tương Bình Hiệp. Khi đó, do bị mật báo nên kế hoạch bại lộ, địch phục kích gắt gao khiến đơn vị phải lui về Cây Dương, rừng Xóm Ruộng, Mỹ Phước ẩn trú suốt 3 ngày. Tới xâm xẩm chiều ngày thứ 3, bọn Mỹ cho trực thăng đổ quân truy kích. Đoàn Văn Thái bị trúng mảnh bom M79, xuyên phổi không thở được và ngất đi, anh em tưởng ông đã hi sinh, nên trước sức ép của đợt truy kích ác liệt nhanh chóng rút về căn cứ để bảo toàn lực lượng. “Nhưng đến 2 giờ sáng, tôi tỉnh dậy, xung quanh yên ắng, chỉ có tiếng ếch nhái rền vang. Ruộng nước lấp xấp, tôi liền ôm bó rơm trên tay chạy, chạy một đoạn rồi ngã quỵ, ngất đi trên bó rơm, khi tỉnh dậy lại chạy tiếp những mong gặp người cứu giúp. Trong cơn mê sảng, cứ ngỡ mình không vượt qua lần bị thương đó, thì bỗng dưng gặp được một phụ nữ là cơ sở của ta, bà mang tôi về giấu trong hầm bí mật chăm sóc và tìm đồng đội đến cứu giúp” - Đại tá Đoàn Văn Thái rưng rưng kể lại.

Khi vết thương còn chưa lành, ông lại tìm về đơn vị, tiếp tục vác súng lên đường tham gia chiến dịch Mậu Thân. Trong năm đó, đơn vị của ông đã đánh 19 trận, lập nhiều chiến công. Trong trận đánh thành Công Binh (thị xã Bình Dương), địch phát hiện ta từ xa, chúng bắn phá rất ác liệt, gây nên nhiều tình huống gay go, phức tạp ngoài phương án chiến đấu đã dự kiến của đơn vị. Đoàn Văn Thái dẫn đầu tiểu đội mũi nhọn vượt qua nhiều tuyến phòng thủ kiên cố, đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch. Tiểu đội thọc sâu của ông không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn nhân lúc địch hỗn loạn, chủ động cho chi viện cho phân đội bạn, tạo thuận lợi cho cả đơn vị tiêu diệt địch.

Trong đợt 2 đánh vào thành phố Sài Gòn, Đoàn Văn Thái cùng với đơn vị liên tục tấn công, thọc thủng nhiều tuyến phòng thủ kiên cố của địch, táo bạo thọc sâu vào nội đô cùng đồng đội trụ lại giữa hang ổ địch gần nửa tháng. Phản kích điên cuồng, chúng trút xuống tuyến phòng thủ của ta hàng chục tấn bom đạn hòng tiêu diệt và đẩy quân ta bật khỏi nội thành. Tuy bị thương từ ngày đầu tiến công, nhưng với tinh thần quyết đánh thắng giặc Mỹ và tay sai, đồng chí đã kiên cường không rời trận địa, liên tục có mặt ở những nơi ác liệt, khó khăn nhất, sử dụng nhiều loại vũ khí để diệt nhiều tên địch, tấm gương chiến đấu ngoan cường của Đoàn Văn Thái đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của anh em trong đơn vị.

Khi đó, đơn vị bị địch chia cắt, bao vây tại Thủ Đức suốt 16 ngày đêm không cách nào thoát ra ngoài, trong khi các đơn vị bạn cũng chẳng thể nào tiếp ứng. Đại đội 3 có 30 người phải đối đầu nào là biệt kích, nào là đánh càn, rồi trực thăng bắn tỉa, liên tục phải di chuyển, tránh mưa bom của kẻ thù, vừa đánh trả gây áp lực với địch, kiên cường phá vòng vây. “Sau lần đó, tôi bảo với đồng đội: Không chết lần này, Đoàn Văn Thái không bao giờ hy sinh trên chiến trận. Không ngờ câu nói đó tự làm khó cho mình. Trận đánh đồn Cua Paris tháng 11/1968, Đại đội 1 liên tiếp thất bại, không xung phong thì “bể mặt”, thế là tôi nhận trách nhiệm vừa đánh đồn, vừa giải cứu đồng đội” - Đại tá Đoàn Văn Thái cười khà khà nhắc lại.

Khi đó, ông vẫn dùng cách đánh của Đại đội 1, nhưng đã khiến chúng “ngã ngửa” khi chúng vừa xong đợt pháo kích dồn dập thì những chiến sĩ thuộc tiểu đội mũi nhọn cùng Đoàn Văn Thái đã có mặt trong lòng địch. Trong tích tắc, đồn Cua Paris bị bắn hạ mà không tốn nhiều đạn, làm tê liệt toàn bộ bộ máy của địch ở đây, tiêu diệt 4 xe tăng và cứu được những đồng đội bị thương đang bị pháo kích. Sau trận thắng đó, ông được bổ nhiệm giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 3, tiếp tục chiến đấu ngoan cường trên các mặt trận cho tới khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé.

Tới tháng 5/1986, do yêu cầu công tác, Tỉnh ủy Sông Bé đã điều động đồng chí Đoàn Văn Thái sang công tác tại BĐBP Sông Bé. Người anh hùng Đoàn Văn Thái đã cùng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sông Bé tận tụy trong công tác, tiếp tục nỗ lực bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất biên cương và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân các dân tộc trên tuyến biên giới Sông Bé sau khi biên giới Tây Nam im tiếng súng.

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-hung-doan-van-thai-ngoan-cuong-chien-dau-trong-long-dich-post471526.html