Thăm chiến khu rừng Sác, tự hào về chiến sĩ đặc công T10

Chiến khu rừng Sác - căn cứ địa cách mạng quan trọng của bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Thăm Di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác - căn cứ địa cách mạng quan trọng của bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước để "mục sở thị” những hình ảnh, hiện vật, nghe những câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc… Trên hành trình đó, bạn còn được trải nghiệm hệ sinh thái đặc trưng được ghi tên vào khu dự trữ sinh quyển thế giới...

Nhiều du khách, các đoàn công tác đến dâng hương tại Chiến khu rừng Sác dịp 30/4

Rời trung tâm TP. Hồ Chí Minh, di chuyển hơn chục cây số để qua phà Bình Khánh và di chuyển thêm khoảng 40km nữa là sẽ đến Chiến khu rừng Sác thuộc huyện Cần Giờ. Một không gian khác biệt hoàn toàn hai bên bến phà, phía trung tâm thành phố sầm uất, sôi động trong, thì đến huyện Cần Giờ trên con đường thênh thang cảm nhận rõ sự thoáng đáng đãng, xanh mát với với những rừng cây…

Chiến khu rừng Sác nằm ở xã Long Hòa, rừng Sác vốn được biết đến là một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Di chuyển khám phá khu dự trữ sinh quyển, câu chuyện về những chiến tích của chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 qua lời kể của người làm công việc thuyết minh khiến chúng tôi xúc động, tự hào…

Tại địa danh này, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập tại Đặc khu quân sự rừng Sác với mật danh T10 (Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác), có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ. Bộ đội đặc công rừng Sác đã làm nên những trận đánh lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ...

Chiến trường rừng Sác là nơi con người phải sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Trong 9 năm (1966 - 1975), các chiến sĩ Trung đoàn 10 vừa chiến đấu với giặc Mỹ, vừa chống chọi với đói, khát và những hiểm nguy khác ở vùng rừng ngập mặn. Bởi thế, tại chiến khu này có 915 liệt sỹ đã hy sinh, đến nay vẫn còn 542 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt. Thân thể các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất đất nước.

Cá sấu - loài vật gắn với những câu chuyện huyền thoại của chiến sĩ đặc công rừng Sác (Ảnh: Quang Dương)

Những năm chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác là đơn vị hoạt động độc lập. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và chiến đấu của quân đội. Ban chỉ huy và Ban hậu cần Trung đoàn 10 chủ yếu dựa vào sự che chở, đùm bọc của nhân dân vùng ven đô, nhu yếu phẩm đều do các gia đình cơ sở bí mật chuyển vào căn cứ. Có những thời điểm địch phong tỏa gắt gao, đơn vị phải tổ chức thu mua gạo từ xa, rồi ngụy trang mang, đưa được hàng chục tấn gạo vào căn cứ. Những năm tháng khó khăn (1969-1971) cán bộ, chiến sĩ phải ăn cháo, rau thay cơm vì địch phong tỏa các đường tiếp tế. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ rừng Sác để chiến đấu với tâm nguyện “một tấc không đi, một ly không rời trận địa”….

Toàn bộ rừng Sác là rừng ngập mặn, quanh năm không có nước ngọt, nhất là vào mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải chèo ghe ban đêm, luồn lách tránh biệt kích, máy bay để vào các ấp chiến lược chở từng can nước giếng. Chỉ một thời gian sau địch phát hiện, nắm được quy luật này đã tiến hành phục kích án ngữ các giếng, bờ ao. Bởi thế nhiều chiến sĩ đã phải đổ máu để có thùng nước ngọt. Vào lúc khó khăn nhất, các chiến sĩ ta đã phát huy sáng kiến lấy xoong, nồi nấu nước mặn, nước đun sôi bốc hơi gặp lạnh ngưng tụ và chảy ra từng giọt nước ngọt. Với cách làm này, mỗi ngày hai chiến sĩ chưng cất từ 8 - 10 tiếng, đủ nước ngọt cho 1 trung đội sinh hoạt trong một ngày...

Nhắc đến bộ đội đặc công rừng Sác thì không thể không nói đến trận đánh kho xăng Nhà Bè. Kho xăng rộng 14ha, có 72 bồn xăng dầu, gần một nửa số bồn này có sức chứa hơn 10 triệu lít xăng được bảo vệ với 12 lớp rào bao bọc, tường cao 3,5m. Giữa các lớp rào có gài mìn, thường xuyên có các toán lính tuần tiễu trong đêm để chống lực lượng của ta đột nhập. Bên ngoài địch còn bố trí chó và hệ thống đèn pha, tháp canh, đường tuần tra... Vào 0h35' ngày 3/12/1973, các chiến sĩ đặc công rừng Sác đã bí mật đột nhập vào khu vực kho, phân công nhau đặt nhiều quả mìn vào các bồn chứa xăng dầu sau đó rút ra an toàn. Ngay sau đó kho xăng Nhà Bè bùng cháy dữ dội trong suốt hơn 12 ngày đêm, thiệt hại khoảng 12 triệu USD của đế quốc Mỹ.

Chiến khu rừng Sác có vị trí mang tính chiến lược, lại có địa hình rừng rậm bạt ngàn, sông rạch chằng chịt. Đây cũng là lợi thế cho bộ đội ta tổ chức việc giấu ém quân và đánh, tiêu diệt sinh lực địch. Tuy nhiên, bộ đội ta không chỉ chiến đấu với kẻ thù xâm lược mà còn phải chiến đấu với kẻ thù tiềm ẩn trong dòng nước, đó là cá sấu. Chính tại căn cứ này, đã có 3 đồng chí bị hy sinh vì cá sấu tấn công.

Sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của bộ đội đặc công rừng Sác năm xưa giờ được tái hiện với hầm trú ẩn, hội trường, nhà đón tiếp, nhà hậu cần, nhà quân y, nhà quân giới, nhà cơ yếu. Hình ảnh mô phỏng chiến sĩ Đoàn 10 tiêu diệt cá sấu, chưng cất nước mặn thành nước ngọt, cảnh đưa tiễn chiến sĩ vào trận đánh, trận địa súng DKZ pháo kích và Dinh Độc Lập… tất cả để mọi người đến và cảm nhận, tự hào về chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác.

Trên hành trình thăm Chiến khu rừng Sác du khách sẽ thật sự thích thú khi được ngồi trên canô hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên của rừng đước bạt ngàn, canô chạy qua những sông rạch uốn lượn quanh co, đi dưới tán rừng xanh mát với các loại động vật, thực vật tự nhiên ở Rừng Sác mang lại một trải nghiệm mới lạ về hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Linh Nhi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tham-chien-khu-rung-sac-tu-hao-ve-chien-si-dac-cong-t10-317281.html