Ấm áp như một gia đình

Trong chuyến công tác về Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 (Quân khu 4), được hòa mình trong các hoạt động với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi có cảm tưởng cả đơn vị như một gia đình.

Trong huấn luyện, sinh hoạt, thay cho việc dùng mệnh lệnh, đội ngũ cán bộ nơi đây luôn nhẹ nhàng trong lời nói và dùng động tác mẫu để hướng dẫn chiến sĩ. Giờ giải lao cán bộ, chiến sĩ cùng quây quần bên nhau với các trò chơi quân sự.

Thiếu tá Châu Văn Tâm, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 cho biết: “Kinh nghiệm liên tục nhiều năm huấn luyện chiến sĩ mới, đợt huấn luyện này Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn xác định, tất cả đội ngũ cán bộ đều đặt mình là chiến sĩ để giúp bộ đội nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và tự tin trong cuộc sống”. Thực hiện chủ trương này, ngay từ những ngày đầu đơn vị đã có những hoạt động để tạo sự gần gũi, thân mật giữa đội ngũ cán bộ và chiến sĩ đi trước với chiến sĩ mới nhập ngũ. Từ việc tiếp đón, hướng dẫn chiến sĩ cách sắp xếp ba lô và việc sinh hoạt hằng ngày đều được cán bộ các cấp tận tình chỉ bảo.

Khi chiến sĩ chưa hiểu về quy định của quân đội, đơn vị hay có những việc làm chưa chuẩn mực thì đội ngũ cán bộ luôn nhẹ nhàng phân tích cho anh em hiểu. Trong mọi hoạt động của đơn vị đều có sự tham gia của đội ngũ cán bộ các cấp. Thông qua việc sâu sát, bám nắm bộ đội không những giúp chiến sĩ tự tin với môi trường mới mà còn giúp cán bộ đơn vị nắm được hoàn cảnh, tâm tư từng chiến sĩ để kịp thời động viên, quản lý nhất là những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 đón, tặng hoa chiến sĩ mới nhập ngũ vào đơn vị.

Binh nhì Phạm Xuân Thông, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 7 quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Bố em đang mắc bệnh hiểm nghèo nên những ngày đầu vào đơn vị em không thể tập trung tư tưởng thực hiện nhiệm vụ. Qua sinh hoạt hằng ngày, Thượng úy Nguyễn Văn Bằng, Chính trị viên Đại đội đã 'đọc được' tư tưởng của em. Vừa gặp gỡ phân tích về vinh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân với Tổ quốc, anh Bằng còn gọi điện về động viên gia đình em. Ngoài ra, các anh cán bộ trung đội, đại đội còn thường xuyên động viên, giúp đỡ em trong mọi công việc. Giờ đây em đã yên tâm tư tưởng và luôn xem đơn vị như một gia đình”.

Đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên tham gia hoạt động với bộ đội, không khí tại đây ấm áp như một gia đình.

Còn chiến sĩ Lô Văn An, Trung đội 2, Đại đội 8, người dân tộc Thái, quê ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa bộc bạch: “Lần đầu tiên xa bản làng, xa gia đình vào sống trong môi trường quân đội nên với em cái gì cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ, cảm thấy rất gò bó và rất nhớ nhà. Nhất là trong huấn luyện, do không tập trung tư tưởng nên không thể tiếp thu các nội dung. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ các cấp và đồng đội, đến em đã hòa nhập với môi trường đơn vị và nắm chắc các nội dung huấn luyện”.

Đội ngũ cán bộ tận tình hướng dẫn bộ đội trong huấn luyện.

Chúng tôi được biết, chiến sĩ Phạm Xuân Thông và Lô Văn An là hai trong số các chiến sĩ mới nhận được sự giúp đỡ, động viên của đội ngũ cán bộ và đồng đội. Để giúp chiến sĩ hòa nhập, tự tin với môi trường mới, ngoài việc sâu sát, giúp đỡ chiến sĩ ngay từ ngày đầu, bằng tình cảm chân thành thì chính từ hành động, lời nói của đội ngũ cán bộ đơn vị thực sự là mệnh lệnh không lời. Từ việc gặp nhau, chào bằng điều lệnh, hay xưng hô bằng đồng chí của đội ngũ cán bộ với nhau đã tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn đối với chiến sĩ.

Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các hoạt động như: Hội Phụ nữ Lữ đoàn tổ chức khâu áo giúp chiến sĩ; tổ chức “Bữa cơm phụ nữ tự quản”; đơn vị tổ chức cho chiến sĩ mới tham quan phòng truyền thống Lữ đoàn, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tọa đàm, diễn đàn thanh niên, sinh nhật đồng đội… để tạo sự tự tin, hòa nhập cho chiến sĩ ngay từ ngày đầu.

Lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 tặng hoa, chúc mừng các chiến sĩ trong đêm sinh nhật đồng đội tháng 3.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 khẳng định: “Những hành động, việc làm mẫu mực của đội ngũ cán bộ hết sức cần thiết đối với chiến sĩ trong huấn luyện và rèn luyện. Bởi lẽ những ngày đầu vào đơn vị hầu hết chiến sĩ đều có tâm lý, tư tưởng chưa ổn định, cá biệt có đồng chí còn hoang mang. Chính vì vậy trong quản lý, huấn luyện, việc cán bộ nhẹ nhàng phân tích, hướng dẫn chiến sĩ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Nhờ vậy, sau hơn một tháng nhập ngũ hầu hết các chiến sĩ đều yên tâm tư tưởng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/am-ap-nhu-mot-gia-dinh-723613