Ám ảnh những vụ đuối nước dịp hè

Hầu như năm nào cũng vậy, vào dịp hè, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều đứa trẻ ra đi vì đuối nước, có vụ 2 - 3 nạn nhân cùng một gia đình.

Cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm nạn nhân đuối nước xảy ra tại xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa.

Những vụ đuối nước đau lòng

Hơn 10 ngày trôi qua nhưng có lẽ người thân và những người sống lân cận khu vực biển Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh vụ đuối nước của 3 cháu nhỏ.

Được nghỉ hè các cháu về chơi với ông bà ngoại ở xã Thanh Thủy (thị xã Nghi Sơn). Ông ngoại đã đưa 4 cháu đi tắm biển ở gần nhà nhưng sau đó lại mang một cháu nhỏ về trước, để lại 3 cháu ở lại. Cả 3 sau đó đã bị sóng cuốn trôi.

Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân, biên phòng, công an và người dân địa phương tìm kiếm. Đến 16 giờ cùng ngày thì tìm thấy 2 thi thể, đến 17 giờ thì tìm thấy thi thể cháu thứ 3.

Suốt đêm đó, làng biển dường như không ngủ, tiếng khóc thương não lòng, khói hương nghi ngút dọc bãi biển. Chưa bao giờ người dân nơi đây lại chứng kiến cảnh tượng đau thương như thế khi cả 3 nạn nhân là những đứa trẻ trong cùng gia đình.

Trước đó, vào trung tuần tháng 4, cũng tại thị xã Nghi Sơn, trong cùng 1 ngày có 3 học sinh tử vong do đuối nước. Trong đó, 2 nạn nhân là học sinh lớp 5, trong số 10 học sinh (trú phường Nguyên Bình) rủ nhau đi tắm biển ở khu vực phường Hải Hòa thì gặp nạn. Nạn nhân còn lại là bé gái 10 tuổi ở xã Các Sơn, trong lúc đi chơi đã ngã xuống kênh nước.

Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với 31 trẻ em. Trong đó, có 17 vụ tai nạn đuối nước gây tử vong 20 trẻ; 5 vụ tai nạn giao thông gây tử vong 6 trẻ; 4 vụ tai nạn, thương tích khác (như cháy nhà, ngã xe đạp, điện giật do sạc điện thoại) gây tử vong 5 trẻ.

Từ thực tế cho thấy, tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới số trẻ em tử vong lớn. 20 trẻ em tử vong do đuối nước trong vòng 6 tháng là con số báo động gióng lên hồi chuông về nguy cơ mất an toàn đối với trẻ trong dịp hè. Đáng lo ngại hơn, thời gian qua các vụ đuối nước tập thể ngày càng nhiều.

Lỗi do đâu?

Nhiều hồ, sông không được chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ.

Theo ngành chức năng, các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn tới việc cho con học bơi nhưng vẫn còn mơ hồ về khái niệm phòng tránh đuối nước. Trong khi không phải biết bơi là trẻ sẽ tuyệt đối an toàn, bởi điều kiện thời tiết, độ sâu, độ xoáy... của dòng nước thực tế khác rất nhiều với điều kiện trong bể bơi.

Mặt khác, nhiều em biết bơi nhưng vẫn đuối nước bởi không được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước. Một số trường hợp đuối nước có nguyên nhân bị chuột rút, bị say nắng, say nóng hoặc bị cảm khi xuống nước hoặc không kiểm soát được cự ly, tốc độ và độ sâu cũng dẫn đến bị sặc nước, ngạt nước.

Bên cạnh đó, bất cập trong công tác phòng, chống đuối nước hiện nay đó là việc thiếu các lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn.

Không chỉ thiếu nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm công tác cứu nạn, cứu hộ, mà còn thiếu thốn phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ.

Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn còn chưa quan tâm tới việc khảo sát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nguy cơ xảy ra đuối nước tại khu vực sông, suối, hồ, đập, bãi biển. Nhiều gia đình có ao, hồ cũng chưa quan tâm đến việc bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước cho con em mình và các hộ gia đình lân cận khác...

Tại văn bản của Sở LĐ-TB&XH nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra những vụ tai nạn khiến nhiều trẻ em tử vong là do chính quyền cấp cơ sở tại một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ.

Đặc biệt, hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa đạt hiệu quả cao, môi trường sống xung quanh trẻ em vẫn còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn, thương tích.

Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa đầy đủ; một số gia đình thiếu sự quan tâm, giám sát để trẻ đi lại hoặc xuống môi trường nước khi chưa biết bơi…

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị cơ quan chức năng khi có vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em thì cần xác minh nguyên nhân, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn giao Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT phối hợp các đơn vị tổ chức hoạt động dạy bơi an toàn, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ. Tăng cường giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết biển cảnh báo, nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước.

Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước; làm rào chắn đối với ao, hồ tại cộng đồng dân cư, công trình công cộng; huy động, vận động cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, đơn vị cũng đã ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý, giám sát trẻ em trong thời gian nghỉ hè để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước. Bên cạnh đó, giao các Phòng GD&ĐT tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đồng thời, đề nghị các trường phối hợp với doanh nghiệp có bể bơi triển khai lắp đặt bể bơi thông minh ngay tại trường học để tổ chức lớp dạy bơi cho học sinh, trẻ em trên địa bàn.

Nguyễn Thùy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/am-anh-nhung-vu-duoi-nuoc-dip-he-post645164.html