Ám ảnh không dứt với ô nhiễm tiếng ồn

Tiếng nhạc xập xình, inh ỏi dội thẳng vào tai người đi đường là tình cảnh đang diễn ra ở nhiều tuyến phố tại TP HCM

Mấy năm nay, gia đình ông Văn Sơn (ngụ đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP HCM) chịu cảnh sống chung với tiếng ồn từ những quán cà phê, quán nhậu… san sát bên cạnh.

"Tra tấn" triền miên

"Cứ 19 giờ đến rạng sáng, các quán đua nhau mở nhạc đến độ cửa nhôm nhà tôi còn rung lên, thử hỏi ai chịu nổi? Đêm đến, nhạc càng to hơn chứ không giảm đi, chúng tôi ngủ không được mà thức cũng không xong. Cuộc sống bị đảo lộn bởi tiếng ồn dù tôi đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng" - ông Sơn bức xúc.

Ghi nhận vào chiều tối 23-1, trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ cầu Bình Lợi đến ngã sáu Gò Vấp, xe máy, ô tô chen chúc. Giữa dày đặc phương tiện, tiếng còi, tiếng cự nự vì va quệt thì dội thẳng vào tai người đi đường còn là tiếng nhạc xập xình, chát chúa từ các quán nhậu, quán cà phê, quán bar…

Những ai sống trên "con đường thời trang" Nguyễn Trãi (quận 5) hoặc có việc phải đi qua đây vào buổi tối cũng ngao ngán bởi cảnh đường đông, nhân viên các cửa hàng thời trang tràn ra chèo kéo cùng với loa nhạc phát ra từ các cửa hàng như "khủng bố".

Nhiều cửa hàng điện máy, thời trang trên đường Lê Văn Việt, Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) cũng mở nhạc chĩa thẳng loa ra đường. Cận Tết, tiếng nhạc càng khủng khiếp hơn để gây chú ý.

Các chợ tự phát cũng là tâm điểm tiếng ồn khi loa điện tử phát tiếng rao hàng lặp đi lặp lại từ sáng đến chiều cùng một nội dung, liên tục nhồi vào đầu người xung quanh như một sự tra tấn.

Điển hình như chợ tự phát ở đoạn vào hầm chui Linh Trung (phường Linh Trung, TP Thủ Đức); chợ tự phát trên đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức); chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh)…

Đó là chưa kể tiếng ồn từ việc hát karaoke bất kể giờ giấc trong khu dân cư của một số hộ gia đình thiếu ý thức đang là nỗi ám ảnh triền miên đối với nhiều người.

Một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP HCM) trang bị loa kẹo kéo để phát nhạc

Hơn 11.000 tin phản ánh tiếng ồn

Mới đây, ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, thông tin trong 8 tháng đầu năm 2023 ghi nhận gần 6.000 trường hợp vi phạm tiếng ồn, song chỉ xử phạt 45 trường hợp, còn lại hầu hết là nhắc nhở. Trong các đường dây nóng mà cơ quan quản lý tiếp nhận, phần lớn người dân phản ánh đến tổng đài 1022, số còn lại rải rác ở kênh các địa phương.

Phía tổng đài ghi nhận có 11.115 tin phản ánh về tình trạng tiếng ồn, hát karaoke bằng loa kéo. Trong số này, số lượng phản ánh vào cuối tuần cao gấp 1,4 lần ngày thường trong tuần. Đặc biệt, tin phản ánh vào khung giờ 18 giờ nhiều gấp 3,1 lần các khoảng thời gian còn lại trong ngày.

Theo ông Hiền, dịp Tết Nguyên đán, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn theo chỉ đạo của UBND TP HCM.

Công an TP HCM sẽ giao trách nhiệm trực tiếp cho công an từng quận, huyện, trưởng công an phường, xã phụ trách công tác phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời về vi phạm tiếng ồn. Công an địa phương cũng chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan; đồng thời lập danh sách, nắm tình hình các hộ, gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng thiết bị âm thanh gây ồn ào, huyên náo.

Ngoài ra, người đứng đầu các quận, huyện và TP Thủ Đức có trách nhiệm lên kế hoạch tuyên truyền, vận động, kịp thời nhắc nhở người dân tuân thủ quy định về tiếng ồn.

Chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật, giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, cho rằng nhận thức chưa đủ sâu dễ dẫn đến hành vi không kiểm soát; hành vi vi phạm không được xử lý cũng tạo thành lối mòn trong nhận thức.

"Có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tiếng ồn không được giải quyết triệt để: người dân quen với kiểu suy nghĩ "dĩ hòa vi quý", nể nang, ngại va chạm nên dễ bỏ qua.

Dù đã có những quy định của pháp luật về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn nhưng chế tài chưa đủ mạnh, sự quan tâm xử lý của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, việc kiểm tra, nhắc nhở chưa thực hiện thường xuyên, thậm chí có nơi phản ánh nhưng không được giải quyết khiến người tố cáo nản lòng, mất niềm tin.

Khi hành vi vi phạm không bị xử lý thì việc dùng loa liên tục, bất kể giờ giấc trở thành chuyện bình thường, vì thế vi phạm càng gia tăng cả về thời gian, tần suất và âm lượng" - ông Nhật nhìn nhận.

Cũng theo ông Bùi Quang Minh Nhật, để giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương phải được tiếp tục nhắc đến, trong đó cần quy trách nhiệm người đứng đầu để họ có phương án cụ thể, phân công nhiệm vụ cho cán bộ; đi kèm là chế độ khen thưởng - kỷ luật kịp thời. Mỗi phản ánh của người dân cần được tiếp nhận và xử lý ngay nhằm tạo sức răn đe.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần chủ động nhắc nhở, góp ý với người gây ra tiếng ồn; phản ánh tới chính quyền địa phương khi tình trạng không được cải thiện. "Nếu cứ phàn nàn mà lại nhân nhượng, không dám lên tiếng thì chỉ mọi chuyện đâu lại vào đấy" - ông Nhật nói.

Phải biết tôn trọng người khác!

Tết sắp đến, ngoài niềm vui chào đón năm mới là nỗi lo bị tra tấn bởi tiếng ồn karaoke. Năm nào cũng vậy, cứ độ 1 tuần trước Tết là lại có những tiệc nhậu tất niên, họp mặt, chia tay...; gần như không có tiệc nào thiếu tiết mục karaoke. Nếu tính luôn những ngày Tết và sau Tết, có đến gần 2 tuần, không ít người dân luôn... sống trong sợ hãi!

Vợ chồng tôi đã ngoài 60 tuổi ở cùng mẹ già vừa tròn trăm tuổi vô cùng lo sợ, ngán ngại tiếng ồn. Nếu ngày thường chúng tôi có thể an giấc lúc 20 giờ thì mấy ngày Tết phải đến thật khuya, chưa kể giấc ngủ trưa cũng bị ảnh hưởng.

Có thể nói tiếng ồn karaoke đã trở thành vấn đề xã hội mà nhiều năm qua chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Muốn xử lý tiếng ồn, phải có dụng cụ đo độ ồn; muốn kiểm tra xử phạt, phải có sự phối hợp của nhiều ban, ngành... Vậy nên, sai phạm tưởng chừng nhỏ cũng trở thành bất trị.

Trong khi chờ đợi một chế tài xử phạt đủ mạnh và triệt để, chính quyền cần mạnh mẽ, dứt khoát xử lý ngay những trường hợp gây tiếng ồn sau 22 giờ, không có chuyện cả nể, du di. Về phần những người thích làm "ca sĩ", phải biết tôn trọng trật tự xã hội, tình làng nghĩa xóm, đừng vì một vài giờ phút thỏa niềm vui cá nhân mà gây phiền phức cho bao người.

Bạn đọc Thanh Vân

Bài và ảnh: Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/am-anh-khong-dut-voi-o-nhiem-tieng-on-196240126211333057.htm