AI tạo sinh xáo trộn tương lai giới văn nghệ sĩ

AI tạo sinh đang chứng tỏ khả năng lấn sân sang một lĩnh vực vốn chỉ dành cho con người là sáng tạo văn học, nghệ thuật. Đối với các nghệ sĩ, nhà sáng tạo cũng thế, nếu như công nghệ mới tạo ra những đe dọa cho tương lai, thì cũng xuất hiện vô số những cơ hội mới để nắm bắt.

Thay đổi đời sống tác giả âm nhạc

Gần đây, đối mặt với những thay đổi chóng mặt mà AI tạo sinh tạo ra, Hội Bảo vệ quyền lợi của các tác giả âm nhạc Pháp (SACEM) đã phối hợp với Hội Quản lý quyền tác giả Đức (GEMA) tiến hành một nghiên cứu ở mức độ toàn cầu (do Goldmedia thực hiện) về tác động của AI tạo sinh đến lĩnh vực sáng tạo âm nhạc. Dựa trên những phân tích thị trường, phỏng vấn chuyên gia và điều tra ý kiến trên hơn 15.000 nhạc sĩ và nhà soạn nhạc, nghiên cứu này đã cho thấy những cơ hội và thách thức trong việc sử dụng AI tạo sinh.

Đối với SACEM và GEMA, nghiên cứu này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để các tác giả có thể hiểu rõ những tác động của AI tới ngành nghệ thuật này. Những phân tích của Goldmedia cho phép dự đoán thị trường âm nhạc của AI tạo sinh có thể đạt tới 3 tỉ euro vào năm 2028.

Cũng theo nghiên cứu này, các tác giả con người đang phải đối mặt với hai vấn đề chính. Thứ nhất đó là việc các tác phẩm của họ bị sử dụng để đào tạo AI, cho phép AI tạo ra tác phẩm mới có thể được khai thác trên thị trường. Thứ hai là việc bảo vệ lợi ích của các tác giả nói trên trong môi trường số, một môi trường mà có thể bị các sáng tạo của AI dần lấn chân và thống trị.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng thu nhập của các tác giả có thể sẽ bị ảnh hưởng. Dự đoán cho thấy vào năm 2028, thu nhập này sẽ giảm sút khoảng 27%, tương ứng với khoảng 2,7 tỉ euro. Những tác giả được phỏng vấn điều tra đều tỏ ra lo ngại trước làn sóng AI tạo sinh, 71% trong số họ cho rằng công nghệ này sẽ tước đoạt thu nhập của họ và đe dọa tương lai nghề nhạc sĩ và soạn nhạc.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, có khoảng 35% tác giả được phỏng vấn cho biết họ đã và đang sử dụng công nghệ AI tạo sinh để sáng tạo và làm việc. Con số này là 51% trong nhóm các tác giả trẻ, dưới 35 tuổi. Không mấy ngạc nhiên, có tới 95% tác giả cho rằng các công ty công nghệ AI tạo sinh cần đảm bảo một sự minh bạch trong việc sử dụng công nghệ này, cũng như đòi hỏi chính phủ xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi các nghệ sĩ.

Phụ thuộc vào cách tiếp cận AI trong Luật Sở hữu trí tuệ

Nhìn ở khía cạnh Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), AI tạo sinh chỉ là một công cụ, một phương pháp kỹ thuật và vì thế không thể được coi như là một tác giả. Thậm chí, ở một số quốc gia như Pháp, Đức, tác giả phải là người thể hiện dấu ấn cá nhân trong tác phẩm.

Tuy nhiên, lịch sử của Luật SHTT cũng cho thấy rằng mỗi khi một công nghệ đột phá ra đời, luật sẽ có những sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Hiện giờ đã có một số quốc gia tỏ ra linh hoạt hơn trong việc tiếp cận sản phẩm sáng tạo của AI tạo sinh. Gần đây, ở Hàn Quốc, một bộ phim kết hợp AI và con người đã đăng ký bảo hộ bản quyền thành công tại Cục Bản quyền Hàn Quốc, cho thể loại “tác phẩm tổng hợp”. Trong tác phẩm này, tác giả con người đã có công biên tập chỉnh sửa và tinh chỉnh (fine-tuning) AI.

Trước đó, một tòa án ở Bắc Kinh, Trung Quốc cũng công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm hội họa do AI Stable Difusion tạo ra, trên cơ sở AI tạo ra tác phẩm này nhờ vào một sự tác động đáng kể của con người (như trong việc miêu tả câu lệnh).

Hai động thái nói trên cho thấy cách con người tương tác với AI tạo sinh có thể là yếu tố quyết định đối với việc công nhận sáng tạo của AI là sáng tạo được Luật SHTT bảo hộ. Rõ ràng là việc lựa chọn câu lệnh thế nào có thể thể hiện sự lựa chọn sáng tạo của con người, hay nói cách khác, thể hiện dấu ấn cá nhân của người nhập câu lệnh cho AI. Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh này, AI tạo sinh vẫn chỉ đơn thuần là một biện pháp kỹ thuật thực hiện ý tưởng sáng tạo của con người.

Nếu như AI tạo sinh có thể là nguồn tạo ra tác phẩm sáng tạo, thì công nghệ này cũng tiêu thụ những sáng tạo có sẵn để học. Ở khía cạnh này, AI tạo sinh là mối đe dọa với các tác giả, vốn chưa hề được đền bù cho việc sử dụng tác phẩm không cho phép này. Hiện nay, câu hỏi này chưa có câu trả lời, vì trên thế giới chưa có luật nào được thông qua để quản lý việc các công ty công nghệ sử dụng các tác phẩm được bảo hộ để phát triển AI.

Cũng cần bổ sung rằng, dự thảo luật của Pháp ngày 12-9-2023 liên quan tới việc xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý AI bằng quyền tác giả đã đề xuất việc đưa các chương trình AI tạo sinh sử dụng tác phẩm được bảo hộ vào khuôn khổ áp dụng của Luật SHTT. Tuy nhiên, luật này chưa được Quốc hội Pháp thông qua.

Trong khuôn khổ của Liên minh châu Âu, dự thảo luật liên quan tới AI có mục tiêu xây dựng một môi trường đáng tin cậy để phát triển công nghệ này đồng thời bảo vệ các quyền cá nhân căn bản và giá trị của liên minh. Để đáp ứng mục tiêu này, dự thảo luật đưa ra những quy định dựa trên nguyên tắc đánh giá nguy cơ từ thấp đến cao, nguy cơ càng cao thì luật siết càng chặt. Cách tiếp cận linh hoạt này của Liên minh châu Âu có thể là mô hình hợp lý để các nhà làm luật quốc gia khác lấy cảm hứng xây dựng luật về AI tạo sinh.

Ở thời điểm này, nhiều người lo ngại về khả năng sáng tạo của AI sẽ vượt qua cả sự sáng tạo của con người. Điều này phụ thuộc vào việc chúng ta sử dụng AI thế nào, cũng như kiểm soát AI làm sao. Xây dựng luật khai thác và quản lý AI sẽ là thách thức lớn của thế kỷ 21.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ai-tao-sinh-xao-tron-tuong-lai-gioi-van-nghe-si/