A Lưới, nỗi niềm thương nhớ!

Nhắc đến A Lưới (Thừa Thiên Huế) không chỉ người Việt Nam, mà cả bạn bè quốc tế nghĩ ngay đến mảnh đất đau thương của chiến tranh, nơi đã từng chứng kiến những trận đánh kinh hoàng, tàn khốc tại những địa danh đã đi vào lịch sử cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước như: A Sầu, A Roàng, đồi A Biah (đồi Thịt Băm - Hamburger Hill), địa đạo Động So, sân bay A So, đường mòn Hồ Chí Minh...

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Su, chiến sĩ Đại đội 3, Trung đoàn 3, Sư đoàn 325B sung sướng tự hào đã từng có gần 10 năm (1964 - 1973) được gắn bó với vùng đất lịch sử này. Để sau gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, với bàn tay khéo léo nhân lên trong nỗi niềm thương nhớ, cựu chiến binh Nguyên Văn Su đã tái tạo bằng những mô hình sống động về A Lưới trong những năm đánh Mỹ ác liệt.

Cựu chiến binh Nguyên Văn Su đã tái tạo những mô hình sống động về A Lưới trong những năm đánh Mỹ ác liệt.

Đã có rất nhiều du khách đến với làng cổ Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội - một làng cổ mang đậm bản sắc nông thôn thuần khiết, đã đi vào hàng trăm bộ phim nhựa Việt Nam. Nhưng đến với làng quê nơi đây, ít ai biết được, họ còn có thể chiêm ngưỡng về một A Lưới thật sôi động trong những tháng năm đánh Mỹ được tái hiện qua bàn tay khéo léo của cựu chiến binh Nguyễn Văn Su giữa làng cổ Tây Mỗ mến yêu này.

Tiếp chúng tôi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Su không giấu nổi xúc động, ông cho biết: "Mình vốn là chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 325B, có ngót 10 năm gắn bó máu thịt với bà con các dân tộc A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhắc đến A Lưới (Thừa Thiên Huế) không chỉ người Việt, mà bạn bè quốc tế năm châu sẽ nghĩ ngay đến mảnh đất đau thương của chiến tranh, nơi đã từng chứng kiến những trận đánh kinh hoàng, tàn khốc tại những địa danh đã đi vào lịch sử cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước như: A Sầu, A Roàng, đồi A Biah (đồi Thịt Băm - Hamburger Hill), địa đạo Động So, sân bay A Lưới… Để sau ngày giải phóng trở về với gia đình, quê hương mình vẫn nguyên vẹn, cống hiến mà không phải hy sinh là may mắn, là hạnh phúc lắm rồi. Bản thân mình là một người chiến sĩ được bà con các dân tộc ở đây che chở, cưu mang giúp đỡ trong những năm tháng khốn khó, trong tim tôi luôn chứa đựng niềm thương nhớ A Lưới vô ngần, thúc giục tôi tái tạo lại một phần không khí sôi động của bà con các dân tộc A Lưới một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ gắn bó với bộ đội đánh Mỹ, cứu nước, giải phóng quê hương".

Bà Nguyễn Thị Xuyên (vợ cựu chiến binh Nguyễn Văn Su) cho biết: "Những ngày đầu rời quân ngũ, tâm trạng ông ấy không "bình thường" lắm, cứ đi vào, đi ra không biết đang suy nghĩ việc gì lung lắm. Rồi ông mang gỗ ván về cưa đục cả ngày. Tôi buồn lắm! Đến lúc ông dựng lên ngôi nhà sàn, mô hình hai cô gái Pa Cô đang vung chày giã gạo song đôi… tự nhiên tôi cùng các con thấy thích lắm. Mẹ con tôi tự nói nhỏ với nhau để "tùy ý thích của bố muốn làm gì thì làm, miễn sao bố vui là được". Làm xong một công trình nào ông cũng nâng niu, giới thiệu cho mẹ con tôi biết để hiểu về A Lưới, trân trọng tình cảm của bà con các dân tộc nơi đây đã dành cho ông to lớn biết nhường nào. Để bây giờ, ở cái tuổi 80, ông vẫn lưu giữ tình cảm đặc biệt đó".

Trước mắt chúng tôi, trong căn hộ ba tầng trên diện tích gần 100m2, ông đã dành 2 tầng dưới để trưng bày những mô hình trực quan về hoạt động trong kháng chiến của bà con các dân tộc A Lưới. Với những mô hình thật sống động: Bà con băng rừng gùi đạn dược, lương thực tiếp tế cho bộ đội diệt giặc; mô hình thác nước đổ xuống thay sức người giã gạo, vang vọng âm thanh “tụp tùm tum, tụp tùm tum...” của tiếng chày rộn ràng...; hình tượng ba người, hai người dân chung sức vung chày lún sâu mong sao cho hạt gạo trắng ngần, cho bộ đội ăn no đánh thắng. Hình tượng những người mẹ, người chị địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô; từng tốp trai gái chắc tay súng phối hợp cùng bộ đội diệt địch và còn đây những ngôi nhà sàn của bà con các dân tộc sinh sống thật ấm cúng…

Những mô hình trực quan về hoạt động trong kháng chiến của bà con các dân tộc A Lưới do cựu chiến binh Nguyễn Văn Su tái tạo.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Su tâm sự: "Nằm trên tuyến đường của một thời xẻ dọc Trường Sơn cứu nước, A Lưới là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng; nơi đây còn lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa cách mạng tiêu biểu cho một quá trình đấu tranh bền bỉ, hy sinh oanh liệt trong quá trình dựng nước và chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Di tích đường mòn Hồ Chí Minh vĩ đại, con đường đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc; những mô hình tôi tái tạo nên cũng chỉ là một nét về truyền thống cách mạng của huyện nhà thôi".

Ngắm thân hình nhỏ thó của cựu chiến binh Nguyễn Văn Su, mái đầu, chòm râu đã bạc trắng, duy chỉ đôi mắt của ông là vẫn toát lên "sức trẻ", đôi mắt ấy lúc nào cũng vui tươi, ấm áp với mọi người. Nhìn những giọt lệ long lanh dâng đầy nơi khóe mắt, rơi xuống đôi mà gò má nhăn nheo của người cựu chiến binh già, tôi hỏi: "Chắc bác nhớ bà con A Lưới lắm phải không?"

- "Mình nhớ lắm! nhớ vô ngần… Có một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời bà con A Lưới dành cho mình mà mình chưa tạc được trong khuôn viên này. Đó là mùa xuân năm 1968, cũng vào những ngày này, mình bị thương, một mình thiếp đi suốt hai ngày đêm trên tuyến đường Trường Sơn, giữa cánh rừng A Lưới. Ngày thứ 2, trong mơ màng mình thấy một người con gái dân tộc Gia Rai, xiêm áo gọn gàng, nhanh như con sóc giữa đất rừng A Lưới. Cô gái nhẹ nhàng ướm tay mình lên ngực, lên mũi mình. Đôi mắt cô gái sáng với gương mặt đôn hậu làm sao. Cô gái khẽ reo lên: "Ô Bộ đội Cụ Hồ, nó còn sống!...". Cô mừng quá cứ reo lên một mình giữa đất rừng như tiếng chim Chơ Rao trong vắt chào xuân sớm. Cô gái lấy nước suối trong ống bương lau vết thương, lau mặt cho mình. Cô lại cắt một miếng bánh đưa vào miệng mình. Suốt mấy ngày đói khát lắm, nhưng mình không thể mở miệng lên được. Cô gái đành phải nhai ngấu nghiến rồi ghé miệng bón từng miếng vào miệng mình. Cô lại lấy lá rừng bón từng thìa nước suối cho mình dễ nuốt. Qua từng miếng bánh, mình cảm nhận như được hưởng hương vị bánh chưng giữa ngày Tết quê nhà. Mình khe khẽ thốt lên: "Ôi bánh chưng! Bánh chưng Tết!"

"Trước mặt mình hiện lên không phải là cô gái, mà là mẹ của các con đang ở bên với cử chỉ thật nhân hậu... Mình được cô gái nhỏ nhắn đó địu trên lưng, cắt rừng vượt qua mấy ngọn núi, lội qua mấy con suối đưa về đội phẫu của sư đoàn".

- "Bộ đội Cụ Hồ, nó còn sống. Cán bộ hãy chữa nó khỏi để nó cùng đồng bào A lưới đánh giặc".

"Chỉ có mấy lời bàn giao ngắn gọn thấm đậm tình cảm quân dân. Đội phẫu cũng chưa kịp hỏi tên, đơn vị, cô gái đã "mất hút" giữa đất rừng. Sau này chữa lành vết thương, trở lại đơn vị, suốt bao năm được đồng bào A Lưới cưu mang đánh giặc, cũng là những năm tháng lặn lội đi tìm người đã cứu sống mình ngày ấy, đến bây giờ mình vẫn không biết tung tích cô ấy ở đâu...".

"Ở cái tuổi gần đất, xa trời này, mình vẫn không sao quên được cô gái đã cứu mình, không sao quên được bà con các dân tộc A Lưới đã cưu mang đùm bọc bộ đội đánh giặc. Những tên đất, tên làng ở A Lưới như A Ngo, A Đớt, A Roàng, Bắc Sơn, Đông Sơn, Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Nam, Hồng Hạ, Hồng Bắc, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Hương Nguyên, Nhâm, Sơn Thủy, Phú Vinh và thị trấn A Lưới mãi mãi thao thức trong tâm khảm mình vậy".

THUẬN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/a-luoi-noi-niem-thuong-nho-755200