78 năm thành lập ngành GTVT: Đột phá phát triển hạ tầng giao thông hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, xây dựng kết cấu hạ tầng (KCHT) đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược.

Phát huy truyền thống "đi trước mở đường", phát triển đột phá hạ tầng giao thông thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, ngành GTVT đã và đang là một "đại công trường" với những siêu dự án.

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ chính thức vận hành, khai thác, đón những chuyến tàu thủy nội địa đầu tiên đi qua vào ngày 25/7/2023. Ảnh: Vũ Thành Vũ

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ chính thức vận hành, khai thác, đón những chuyến tàu thủy nội địa đầu tiên đi qua vào ngày 25/7/2023. Ảnh: Vũ Thành Vũ

Đột phá phát triển KCHTGT, tháo gỡ "điểm nghẽn" của nền kinh tế

Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta sẽ xây dựng 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 là 5.000 km. Đây cũng là trọng tâm, trọng điểm đang được Bộ GTVT dốc sức ngày đêm với quyết tâm tối đa bám sát kế hoạch, hiện thực hóa các kỳ vọng tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội rõ nét nhất.

Thống kê của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến năm 2020, cả nước hoàn thành được hơn 1.100 km cao tốc; từ năm 2021 đến nay đã hoàn thành hơn 600 km cao tốc. Đây là con số cụ thể minh chứng cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị vào cuộc gỡ vướng ngay lập tức mọi khó khăn, vướng mắc, trong đó Bộ GTVT là hạt nhân tiên phong gánh trọng trách " đi trước mở đường".

Nhìn lại hành trình từ năm 2021 đến nay, ông Uông Việt Dũng - Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, những kỷ lục được ghi dấu diễn ra trong bối cảnh khó khăn, thách thức mang tính lịch sử, từ tình hình thế giới biến động phức tạp đến các vấn đề nội tại trong nước chịu tác động kép từ các yếu tố bên ngoài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai nhiệm vụ của Bộ GTVT.

Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối chặt chẽ của các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương, Bộ GTVT chủ động nắm bắt tình hình, nhận diện chính xác khó khăn, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát thực tiễn; làm việc không kể ngày đêm, phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tham khảo mô hình mới, cách làm hay để cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" để triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Ngành, trong đó có đột phá về phát triển KCHTGT, tháo gỡ "điểm nghẽn" của nền kinh tế.

Bộ GTVT luôn bám sát, kịp thời cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động, văn bản để thực hiện chỉ đạo của Trung ương tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo; ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 khánh thành đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023. Ảnh: Vũ Thành Vũ

Cao tốc Mai Sơn - QL45 khánh thành đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023. Ảnh: Vũ Thành Vũ

Kỷ lục số lượng dự án khởi công, khánh thành

Năm 2023 đánh dấu hành trình 78 năm thành lập và phát triển ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2023), cũng là năm Bộ GTVT thực hiện khối lượng công việc khổng lồ với những kỷ lục về số vốn được giao, cũng như số lượng dự án giao thông trọng điểm, đường cao tốc được khánh thành...

Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Bộ GTVT đã tổng hợp báo cáo kịp thời, khách quan, trung thực về tình hình triển khai các dự án, qua đó đề xuất, kiến nghị Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, nhất là trong công tác GPMB, nguồn cung vật liệu phục vụ cho các dự án.

Bộ GTVT luôn tiếp thu, giải quyết ngay những vướng mắc, kiến nghị của địa phương; phối hợp, hỗ trợ các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các dự án đường vành đai hoàn thành hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư và tiến hành khởi công trong tháng 6/2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 có 6/11 dự án thành phần hoàn thành. Trong đó, 2 đoạn hoàn thành trong năm 2022 là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn. Từ đầu năm năm 2023 đến nay đã có 4 đoạn hoàn thành, gồm: Mai Sơn - QL45; Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây.

Trên khắp các công trường đang thi công 3 ca, 4 kíp, làm ngày làm đêm, không phút ngừng nghỉ, ngay cả các trụ sở điều hành của Bộ GTVT cũng "chong đèn" ngày đêm để đưa thêm 3 đoạn cao tốc vào khai thác trong giai đoạn từ nay đến cuối năm gồm: QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu, cùng với đó là hoàn thành đưa vào khai thác cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Như vậy, đến cuối năm 2023 sẽ có 9/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hoàn thành đưa vào khai thác. Trong năm 2024, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành 2 đoạn cuối cùng là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đồng thời, toàn bộ các gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đang tổ chức triển khai thi công bám sát kế hoạch.

Bộ GTVT cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương là cơ quan chủ quản hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định và đã khởi công các cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Cao Lãnh - An Hữu cũng như đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng để phấn đấu khởi công một số dự án vào cuối năm 2023.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành hơn 1.700 km cao tốc, còn khoảng 1.300 km cao tốc phải hoàn thành từ nay đến năm 2025 nhằm đáp ứng nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra. Quyết tâm tối đa của Bộ GTVT được thể hiện bằng những kì tích cụ thể, đã và đang khẳng định cho niềm tin vững chắc về việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Các hình thái giao thông khác cũng ghi dấu ấn lớn về phát triển KCHTGT. Trong lĩnh vực hàng không, tại dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan quyết liệt triển khai thực hiện theo kế hoạch được chấp thuận.

Đối với lĩnh vực đường sắt, hai dự án quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch, đồng thời đã khởi công 3 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ GTVT cũng phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị, phấn đấu đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 8/2023, hoàn thành dự án Bến Thành - Suối Tiên vào cuối năm 2023 và đưa vào vận hành năm 2024.

Trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ GTVT đã hoàn thành dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ; đang triển khai thi công dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 bám sát tiến độ năm 2023. Bộ GTVT cũng đã khởi công dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải và dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ngoài ra, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) vào quý IV/2023...

Vũ Thành - Xuân Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/78-nam-thanh-lap-nganh-gtvt-dot-pha-phat-trien-ha-tang-giao-thong-hien-thuc-hoa-nghi-quyet-dai-hoi-dang-xiii-183230816150045699.htm