60 năm sau, tên lửa MIM-23 có thể tiêu diệt được mục tiêu nào?

Tên lửa phòng không MIM-23 Hawk do Mỹ sản xuất, được đưa vào biên chế năm 1959; hơn 60 năm sau, MIM-23 vẫn còn trong quân đội của nhiều quốc gia.

Hệ thống tên lửa phòng không MIM-23 Hawk, lần đầu tiên được đưa vào biên chế trong Quân đội Mỹ năm 1959, với tư cách là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không đầu tiên trên thế giới, cùng với MIM-14 Nike Hercules hạng nặng hơn.

Hiện nay tên lửa phòng không MIM-23, cùng với MIM-104 Patriot và FIM-92 Stinger (được đưa vào biên chế vào đầu những năm 1980), vẫn là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất của Mỹ, từng được nước này thiết kế.

MIM-23 đã được xuất khẩu cho hơn 20 khách hàng quốc phòng là đồng minh và đối tác của Mỹ; đưa nó trở thành loại tên lửa phòng không, không phải do Liên Xô sản xuất, được sử dụng rộng rãi nhất trong Chiến tranh Lạnh.

Tên lửa MIM-23 và S-75 (SAM-2) của Liên Xô tương đương nhau về nhiệm vụ, mặc dù MIM-23 của Mỹ có khả năng cơ động hơn, trong khi S-75 của Liên Xô có tốc độ nhanh hơn đáng kể, tầm bắn xa hơn và có khả năng đạt độ cao lớn hơn, với tải trọng gần gấp ba lần.

Cả MIM-23 và S-75 đều đã được hiện đại hóa và mặc dù cả hai đều đã bị loại bỏ khỏi biên chế của Quân đội Mỹ và Nga ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc; nhưng chúng vẫn được phục vụ rộng rãi ở trong lực lượng phòng không của nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

MIM-23 được Quân đội Mỹ biên chế rộng rãi, nhưng nó chưa bao giờ được Quân đội Mỹ phóng đạn vào máy bay của đối phương; mặc dù MIM-23 đã được triển khai đối phó với một số cuộc khủng hoảng, như khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, chiến tranh Việt Nam…

MIM-23 được sử dụng nhiều nhất là trong quân đội Iran từ năm 1979, cựu đồng minh Mỹ đã phải phụ thuộc rất nhiều vào tên lửa phòng không MIM-23, trong Chiến tranh Iran-Iraq, trong suốt thập niên 1980.

Giống như hiệu quả của tên lửa không đối không AIM-54 Phoenix, được trang bị trên chiến đấu cơ hạng nặng F-14 của Không quân Iran, tên lửa MIM-23 được ghi nhận đã bắn rơi hơn 30 máy bay chiến đấu của Iraq; nhưng MIM-23 lại bất lực trước MiG-25RB.

Các hệ thống phòng không MIM-23 đã được Israel sử dụng vào giữa những năm 1960, và vụ khai hỏa chiến đấu đầu tiên của hệ thống MIM-23, là trong “Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967”, bắn rơi một máy bay chiến đấu hạng nhẹ MD-450 của Liban.

Sau đó MIM-23 liên tục được Quân đội Israel sử dụng; theo thông tin, MIM-23 đã bắn rơi từ 8 đến 12 máy bay chiến đấu của khối Arab, trong đó bao gồm máy bay chiến đấu MiG-17, cường kích Su-7 và có thể cả máy bay ném bom Il-28.

Khả năng sử dụng các hệ thống phòng không của Israel vượt trội hơn đáng kể so với các đối thủ Ả Rập, mặc dù khối Arab được trang bị hệ thống phòng không nhiều lớp bao gồm S-75, S-125 và 2K12 KuB; trong đó S-125 và 2K12 KuB hiện đại hơn và có khả năng cơ động hơn đáng kể so với MIM-23.

Những hạn chế của MIM-23 có lẽ đã được chứng minh rõ nhất ngay trước khi Chiến tranh Yom Kippur bùng nổ (10/1973); tốc độ Mach 3,2 và độ cao 24 km của chiến đấu cơ MiG-25, khiến chúng hoàn toàn bất khả xâm phạm trước tên lửa MIM-23 và tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow trang bị trên F-4E Phantom.

Kể từ khi được đưa vào trang bị, MIM-23 đã được hiện đại hóa toàn diện, phiên bản MIM-23B được đưa vào trang bị từ năm 1971, có kích thước ngắn hơn 5cm so với phiên bản tiền nhiệm, nhưng trang bị đầu đạn nặng hơn gần 50% và động cơ được cải tiến.

Phiên bản MIM-23B đã nâng độ cao phòng không từ 11km lên 18km và tầm bắn của nó tăng từ 25km lên 35km; tuy vẫn thấp hơn nhiều so với S-75 của Liên Xô, nhưng cũng đủ để MIM-23B có thể tiêu diệt được nhiều loại máy bay chiến đấu khi đó.

Các biến thể sau này được tích hợp những cải tiến nhỏ, cụ thể là trong lĩnh vực tác chiến điện tử. MIM-23C/ D đi vào hoạt động năm 1982 tích hợp các biện pháp đối phó tác chiến điện tử mới, trong khi MIM-23E / F được đưa vào sử dụng từ năm 1990, tích hợp khả năng chống nhiễu đa cấp độ thấp.

Khoảng 40.000 tên lửa MIM-23 với nhiều kiểu dáng khác nhau, đã được sản xuất trong khoảng thời gian khoảng 40 năm. Hiện nay, loại tên lửa này vẫn được sản xuất ở Iran với tên gọi là Shahin, với một biến thể tiên tiến hơn được gọi là Mersad, được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2010.

Hiện nay, tên lửa MIM-23 vẫn đủ tốc độ cần thiết, có thể đánh chặn các máy bay chiến đấu có tốc độ chậm như F-35, F-18E và JF-17; những máy bay này đều có tốc độ dưới Mach 1.6; hoặc hiệu quả hơn với các loại trực thăng, UAV hay tên lửa hành trình.

Phần lớn máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc hiện nay như Su-27/30/35 hay J-10/20, đều được thiết kế để vượt quá tốc độ Mach 2,2; cùng với đó là các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, thì khả năng của MIM-23 bị nghi ngờ, là khó có thể tiêu diệt những loại máy này.

Điều này đặc biệt đúng, khi tên lửa đất đối không siêu thanh đang ngày càng trở thành tiêu chuẩn, với các tên lửa phòng không hiện đại nhất như 40N6E của hệ thống phòng không S-400, có khả năng đạt tốc độ trên Mach 10.

Trong khi MIM-23 đã bị loại khỏi biên chế trong Quân đội Mỹ và nhiều đồng minh lớn như Đức, nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong lực lượng phòng không của Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Ai Cập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia nhỏ khác. Nguồn ảnh: Pinterest.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/60-nam-sau-ten-lua-mim-23-co-the-tieu-diet-duoc-muc-tieu-nao-1655089.html