4 giám đốc sở trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp HĐND tỉnh

Tại phiên làm việc chiều 6/7, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành nội dung chất vấn, hoạt động được các đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm. Phiên chất vấn của Kỳ họp được Đài PTTH tỉnh truyền hình trực tiếp.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ngô Quyền, Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) đặt câu hỏi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bao nhiêu dự án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước? Việc hỗ trợ các dự án này Nghị quyết của HĐND tỉnh được tiến hành ra sao?

Đại biểu Ngô Quyền đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu cũng đề cập, thông qua giám sát, HĐND tỉnh nhận thấy đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 834 công trình cấp nước sạch nông thôn, trong đó có có 460 công trình hoạt động kém bền vững và 159 công trình không hoạt động (chiếm 74% số công trình). Trong khi báo cáo của Sở NN & PTNT thì tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 96%.

Giải đáp chất vấn của đại biểu, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN & PTNT nêu: Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 4 doanh nghiệp,14 hợp tác xã và trên 37 hộ dân đang áp dụng biện pháp tưới tiên tiến và tiết kiệm nước trên diện tích 392 ha cây trồng, tập trung chủ yếu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Thắng, Sa Pa, Si Ma Cai.

Phiên chất vấn dưới sự điều hành của Thường trực HĐND tỉnh.

Đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào được hưởng chính sách của HĐND tỉnh, nguyên nhân đến từ những vướng mắc hướng dẫn thi hành; một phần do các địa phương chưa mạnh dạn đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm.

Đối với các công trình “hoạt động kém bền vững”, Giám đốc Sở NN & PTNT cho rằng vẫn đang “hoạt động bình thường, đảm bảo cung cấp nước thường xuyên phục vụ cho các hộ dân”. Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN & PTNT cũng thừa nhận có những điểm hạn chế mà trách nhiệm chủ yếu là việc tổ quản lý vận hành.

Đại biểu Lý Thị Mụi (Văn Bàn) đặt câu hỏi chất vấn.

Với 159 công trình ngừng hoạt động, Giám đốc Sở NN & PTNT cho rằng hầu hết đã có thời gian sử dụng 10 đến 20 năm, đến nay đã hết khấu hao, hỏng do nguyên nhân khách quan, không thể sửa chữa, khôi phục.

Về tỷ lệ các hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, ông Đỗ Văn Duy cho rằng chỉ là tương đối do giữa các bộ tiêu chí đánh giá còn có điểm khác nhau.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu.

Ngoài ra, ông Đỗ Văn Duy còn phải giải đáp, trả lời một số câu hỏi khác của đại biểu Ngô Quyền và đại biểu Lý Thị Mụi, thời lượng Giám đốc Sở NN & PTNT trả lời chiếm hơn 1 nửa tổng thời gian phiên chất vấn.

Công trình cấp điện hoàn thành 20 tháng chưa thể vận hành

Đai biểu Vù A Giàng, tổ đại biểu thị xã Sa Pa nêu: Dự án cấp điện thôn Bản Toòng, xã Thanh Bình hoàn thành thi công từ tháng 12 năm 2021 nhưng đến nay chưa bàn giao đưa vào sử dụng. Đề nghị Giám đốc Sở Công thương cho biết lý do, thời hạn vận hành dự án?

Đại biểu Vù A Giàng (thị xã Sa Pa) chất vấn lãnh đạo Sở Công thương.

Trả lời câu hỏi chất vấn, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Dự án cấp điện thôn Bản Toòng do Công ty Cổ phần Phát triển Hoàng Định hỗ trợ đầu tư xây dựng với kinh phí 4,58 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Chí Hiền trả lời chất vấn.

Dự án hoàn thành đến nay đã 20 tháng nhưng chưa được đấu nối, cấp điện, nguyên nhân là: “Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, thời tiết diễn biến phức tạp, việc bố trí nguồn vốn đầu tư chưa kịp thời... do doanh nghiệp chưa khắc phục xong các tồn tại sau nghiệm thu”, Giám đốc Sở Công Thương nêu rõ. Đầu tháng 7/2023, doanh nghiệp cam kết sẽ hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/7/2023.

Thanh lý nhà văn hóa thôn gặp khó khăn do nguồn gốc đất

Đại biểu Lý Thị Mụi, huyện Văn Bàn nêu vấn đề: Cách đây 2 năm, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVI, cử tri huyện Văn Bàn có kiến nghị phương án thanh lý nhà văn hóa cũ để bổ sung kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới. Nội dung này đã đươc UBND tỉnh trả lời nhưng đến nay Sở Văn hóa và Thể thao lại tiếp tục đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát. Đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải trình nội dung này.

Đại biểu Lý Thị Mụi (Văn Bàn) đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao.

Giải đáp chất vấn của đại biểu, bà Đinh Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, hiện toàn tỉnh có 476 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có diện tích nhỏ hẹp không phù hợp với quy mô dân số, không đảm bảo để tổ chức các hoạt động cộng đồng, cần nâng cấp sửa chữa, trong đó riêng huyện Văn Bàn có 66 công trình.

Đến nay 5 huyện, thành phố, thị xã mới nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới được 41 công trình theo tiêu chí mới, 4 huyện còn lại do khó khăn về nguồn kinh phí và quỹ đất nên chưa thể đầu tư, trong đó có huyện Văn Bàn.

Bà Đinh Minh Hà giải đáp: Căn cứ quy định thì Chủ tịch UBND cấp huyện được quyết định thanh lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện, cấp xã.

Bà Đinh Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải đáp ý kiến chất vấn.

Về thanh lý công trình, năm 2021 tỉnh Lào Cai có 98 nhà văn hóa dôi dư, huyện Văn Bàn dôi dư 32 công trình, trong đó đề nghị thanh lý 22 công trình. Thời gian qua, một số địa phương tiến hành việc này, trong đó huyện Bát Xát thanh lý 6 công trình, tuy nhiên việc thanh lý gặp khó khăn do phần đất làm nhà văn hóa chủ yếu do nhân dân hiến tặng và đất của xã quản lý.

Phần trả lời chất vấn của lãnh đạo các ngành được đại biểu và Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao.

Về việc Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị rà soát hiện trạng các nhà văn hóa dôi dư là do Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh yêu cầu sau khi có kết quả giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh; việc rà soát nhằm cập nhật tình hình để báo cáo HĐND tỉnh.

Linh hoạt các giải pháp đấu thầu thuốc

Với lĩnh vực y tế, đại biểu Lý Thị Mụi, huyện Văn Bàn đặt câu hỏi: Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế tuyến xã và giải pháp khắc phục?

Đại biểu Lý Thị Mụi (Văn Bàn) nêu câu hỏi.

Ông Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế trả lời: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thuốc như ảnh hưởng bởi bệnh dịch Covid-19; tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; do điều chỉnh về chính sách, quy định của quốc gia và các vấn đề kỹ thuật khác.

Ông Hoàng Quốc Hương trả lời ý kiến chất vấn.

Trong khi chờ Bộ Y tế tham mưu sửa đổi thông tư, quy định thì Sở Y tế đã chủ động các giải pháp như: Đối với thuốc trúng thầu theo danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương, tạm thời điều chuyển từ cơ sở y tế được phân bổ chưa mua hết theo kết quả thầu tập trung cấp địa phương, đồng thời tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu mua thuốc. Thuốc thuộc danh mục cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu, tiếp tục tổ chức đấu thầu; Hội đồng thuốc và điều trị tại một số cơ sở y tế đã xem xét, nghiên cứu lên nhu cầu thuốc khác cùng nhóm tác dụng điều trị.

Ngoài ra, Sở Y tế còn áp dụng linh hoạt các hình thức lựa chọn nhà thầu khi đấu thầu thuốc dịch truyền, thuốc cấp cứu, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để đảm bảo đủ cơ số thuốc tại đơn vị. Cùng với đó là nâng cao năng lực quản lý bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở.

Kết quả sau khi triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, xã đều có thuốc thuộc đủ các nhóm điều trị để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/4-giam-doc-so-tro-loi-chat-van-truc-tiep-tai-ky-hop-hdnd-tinh-post370445.html