32 năm một tình yêu với rối

(GD&TĐ) - Là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi mới ra trường, Thúy Nga về Nhà hát múa rối Việt Nam công tác và gắn bó cuộc đời mình với nghệ thuật múa rối. Đó một tình yêu dành cho nghệ thuật, dành cho rối. Năm 2013 là năm thứ 32 chị công tác tại Nhà hát múa rối Việt Nam.

Là sinh viên khoa Văn Trường Đại học tổng hợp Hà Nội, khi ra trường sẽ có nhiều sự lựa chọn, tại sao chị lại quyết định gắn bó với cái nghiệp múa rối này?

- Khi mới ra trường, tôi còn lãng mạn lắm, nhìn xã hội toàn màu hồng, đâu cũng đẹp, cũng đáng yêu. Ra trường năm 1981 và ngày 1/1/1982 thì tôi về Nhà hát múa rối Việt Nam công tác. Trước đó, tôi được phân công về Tòa án tối cao. Nhưng khi ấy, nghe hai chữ “tòa án” tôi cảm thấy rất sợ và bỏ về quê. Sau đó, có lẽ bởi cái duyên, cái sở thích của riêng mình nên tôi quyết định về Nhà hát múa rối Việt Nam để làm việc. Thời gian đầu nhà hát còn sơ khai, tư liệu nghệ thuật và múa rối rất ít, không có ai cai quản. Tôi được phân về phòng nghệ thuật và cai quản cái kho tư liệu của Nhà hát. Thời gian sau, Nhà hát có ý muốn chuyển tôi sang chức danh người làm biên kịch….

Từ một người làm tư liệu, trở thành người làm biên kịch. Công việc đó bắt đầu từ khi nào, thưa chị?

- Năm 1983 đạo diễn Tuấn Thanh về phòng nghệ thuật công tác. Biết tôi học đại học ra, anh bảo: “Như thế này thì phí quá”, bởi cả nhà hát khi ấy đếm trên đầu ngón tay chỉ có 6 đến 7 người học đại học. Thế là anh hướng dẫn tôi cách viết kịch bản. Kịch bản thứ nhất, kịch bản thứ hai… lần lượt ra đời. Những kịch bản ấy được dàn dựng cho các cháu thiếu nhi. Vở nào tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng nhạc sĩ Bành Mẫn viết nhạc cho vở của tôi và được phát trên VTV1 ở chương trình Những bông hoa nhỏ. Tôi viết liên tục, nhưng kiến thức về sân khấu của tôi không nhiều nên tôi thường hay viết kịch truyền thanh cho thiếu nhi. Đó cũng là sở trường của tôi cho đến tận bây giờ. Hơn 30 năm, cứ như thế, tôi làm biên kịch từ lúc nào cũng không hay.

Để lấp chỗ trống những lúc buồn, tôi đi học. Năm ấy, Viện sân khấu có tổ chức một lớp cao học về sân khấu, tôi học được một thời gian, sau Bộ không có kinh phí nên tôi bỏ, không đến được cái đích của mình. Nhưng thời gian học ấy giúp cho tôi có một chút ít kiến thức về sân khấu. Từ đó trở đi tôi bắt đầu làm biên kịch, có nhiều tác phẩm được dựng ở Đài truyền hình Hà Nội, kể cả phim nhựa. Đến bây giờ cũng đã 15, 16 năm rồi.

Để dấn thân vào nghề chắc hẳn chị gặp không ít những chông gai. Điều gì đã giúp chị vượt qua những rào cản ấy?

- Khó khăn thì rất nhiều, nhất là thời kỳ mới ra trường, tách khỏi sự nuôi dưỡng của gia đình và sống tự lập. Trong việc học hỏi những người đi trước thì có người nói và bày cho. Nhưng cũng có người nói “cái này khó lắm, cái này không làm được” tự nhiên tôi tự ái, thấy bị xúc phạm, tôi nản và không muốn làm nữa. Tôi đã đọc sách, đọc báo, nghe các cụ nói chuyện, để ý ngôn từ trong múa rối, diễn viên diễn xuất ra làm sao rồi thì quan sát thái độ của người xem nữa, điều đó giúp tôi ngày một trưởng thành hơn trong công việc.

Tác phẩm tôi viết không phải vở nào cũng được sử dụng. Tuấn Khanh, đạo diễn trước của phòng nghệ thuật nói: “Em cứ viết đi, hôm nay người ta không dùng, 5 năm, 10 năm nữa người ta sẽ dùng tác phẩm của em. Không phải ông này dùng mà ông khác sẽ dùng”. Tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng. Trong cái khó ló cái khôn, nhiều lúc vẫn ý tưởng ấy lại biến thành cái khác.

Có một thời gian, do cơ chế Nhà nước, Nhà hát giảm biên chế. Cả phòng nghệ thuật đều bị giảm biên chế rồi sau đó giải thể. Thời gian đó, trên Cục nghệ thuật biểu diễn phân tôi về “Liên đoàn xiếc” nhưng tôi muốn gắn bó với cái nghề múa rối này nên tôi không đi, tôi ở lại, Ban giám đốc phân xuống xưởng tạo hình để làm. Nhưng cũng rất may, tôi chuyển xuống đấy nhà hát trả biên chế và có thêm một nghề nữa cho tôi.

Đó chính là tạo hình rối. Tạo hình hay biên kịch là công việc giúp ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong tôi chưa bao giờ tắt.

Chị có lời khuyên gì giúp những nhà biên kịch trẻ trong nghệ thuật múa rối truyền thống hôm nay?

- Điều đầu tiên mình phải yêu nghề. Nếu yêu nghề thì sẽ sống được với nghề. Tất nhiên nghề biên kịch không hề đơn giản như những công việc hành chính đơn thuần. Đối với nghề rối thì phải đầu tư được cái vốn. Nếu theo đuổi, say sưa, gắn bó với nó thì cũng phải mất một khoảng thời gian. Tôi viết kịch bản rồi gửi cho báo Nhi đồng, hoặc các đoàn rối chuyên nghiệp trong cả nước.

Trong nghệ thụat, tiền là cần, nhưng không phải là tất cả.

Văn Bình (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2776/201304/32-nam-mot-tinh-yeu-voi-roi-1968458/