24 giờ từ lúc Djokovic được miễn trừ đến khi bị từ chối vào Australia

Dù nhận được miễn trừ y tế để có thể tham dự Australian Open mà không cần công khai tình trạng tiêm vaccine Covid-19, Djokovic không thể nhập cảnh và đối mặt nguy cơ bị trục xuất.

Tay vợt nam số một thế giới Novak Djokovic dành cả ngày 5/1 để di chuyển từ Dubai đến Australia. Mục tiêu của anh không gì khác ngoài bảo vệ chức vô địch giải Australian Open, nơi anh từng 9 lần đăng quang.

Tuy vậy, mục tiêu này dường như đã bị phá sản dù Djokovic chưa thi đấu - thậm chí chưa rời khỏi sân bay. Giới chức Australia tuyên bố hủy visa nhập cảnh của anh, qua đó mở đường cho việc trục xuất tay vợt này khỏi đất nước.

Sự việc trên diễn ra sau khi quyết định miễn trừ y tế của Australia cho Djokovic bị chỉ trích mạnh mẽ trong nội bộ quốc gia này. Theo quyết định trên, Djokovic có thể nhập cảnh để tham dự Australian Open mà không cần công khai tình trạng tiêm chủng.

“Luật là luật, đặc biệt khi vấn đề liên quan đến biên giới của chúng ta. Không ai được đứng trên luật pháp”, Thủ tướng Australia Scott Morrison viết trên Twitter sau khi quyết định hủy visa của Djokovic được công bố.

Nguy cơ trục xuất

Djokovic hạ cánh xuống sân bay Tullamarine tại thành phố Melbourne, Australia lúc 23h30 hôm 5/1 sau chuyến bay kéo dài 15 giờ từ Dubai.

Thay vì được di chuyển về khách sạn, anh bị giữ và thẩm vấn trong một căn phòng có nhân viên vũ trang canh gác. Sau nhiều giờ, Lực lượng Biên giới Australia (ABF) Australia tuyên bố hủy visa nhập cảnh của Djokovic.

Novak Djokovic nhiều khả năng chưa thể thiết lập cột mốc 10 lần vô địch Australian Open trong năm nay. Ảnh: New York Times.

Trong thông cáo, ABF cho biết tay vợt này “không thể đưa ra bằng chứng phù hợp” để có thể nhận được miễn trừ y tế, theo Guardian.

“Lực lượng biên giới Australia tiếp tục đảm bảo mọi cá nhân đến biên giới cần tuân thủ luật pháp và các yêu cầu nhập cảnh của chúng ta”, ABF tuyên bố. “ABF xác nhận ông Djokovic không thể cung cấp chứng cứ phù hợp với quy định nhập cảnh của Australia. Do đó, visa của ông đã bị hủy”.

Lực lượng này cũng đề cập đến khả năng Djokovic bị trục xuất. “Những ai không phải công dân Australia mà không có visa hay giấy tờ nhập cảnh phù hợp, hoặc bị hủy visa, sẽ bị bắt giữ và trục xuất khỏi Australia”, trích thông cáo của ABF.

Đây dường như là điều bất ngờ với Djokovic. Tay vợt này hôm 4/1 thông báo anh đã có được quyết định miễn trừ y tế để tham dự Australian Open. Thông tin này đã được Liên đoàn Tennis Australia và chính quyền bang Victoria - địa điểm tổ chức giải đấu - xác nhận.

Với việc được miễn trừ y tế, Djokovic có thể nhập cảnh Australia mà không phải cách ly 14 ngày, cũng như không cần công khai tình trạng tiêm chủng của bản thân. Tay vợt này chưa từng tiết lộ bản thân đã tiêm vaccine hay chưa, dù anh từng lên tiếng “phản đối” việc tiêm chủng.

“Cá nhân tôi phản đối tiêm chủng. Tôi cũng không muốn buộc ai đó tiêm vaccine để được di chuyển”, anh nói tháng 4/2020. “Tuy vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu quy định này trở thành bắt buộc? Tôi sẽ phải lựa chọn”.

Giám đốc điều hành Liên đoàn Tennis Australia Craig Tiley tuyên bố có 26 tay vợt nộp đơn xin miễn trừ y tế để tham dự Australian Open, nhưng chỉ “một số người” được chấp thuận. Ông cho biết các đơn này cần được phê duyệt bởi hai hội đồng y khoa độc lập. Danh tính người nộp đơn được giữ kín.

Rất ít tay vợt được miễn trừ y tế để tham dự Australian Open. Ảnh: Eurosport.

Những lý do giúp các tay vợt miễn trừ y tế bao gồm mắc bệnh cấp tính, phản ứng khi tiêm vaccine Covid-19 mũi đầu tiên và một số nguyên nhân khác.

“Các quy trình công bằng và độc lập đã được thiết lập để đánh giá các đơn miễn trừ y tế”, ông Tiley nói. “Trung tâm của tiến trình này là quyết định của các chuyên gia y tế độc lập. Mọi người nộp đơn sẽ được xem xét kỹ lưỡng”.

Phản ứng trái chiều

Sau nhiều giờ ở sân bay, Djokovic đã được đưa tới một khách sạn ở Melbourne thuộc sự quản lý của cơ quan nhập cư Australia. Anh đã yêu cầu đội ngũ pháp lý của mình khiếu nại quyết định của giới chức Australia. Nếu thất bại, anh sẽ phải rời Australia trong tối 6/1.

Dù Djokovic ít được thông cảm khi anh nhận được quyết định miễn trừ y tế, cách Australia đột ngột hủy bỏ visa với anh cũng bị nhiều người chỉ trích.

Ông Paul McNamee, người từng giữ cương vị trưởng ban tổ chức Australia Open, cho biết ông cảm thấy “sốc” trước cách Djokovic bị đối xử. Trong khi đó, cây viết Julian Linden trên tờ Herald Sun gọi đây là “nỗi xấu hổ” của Australia.

Chính phủ Australia chưa công bố nguyên nhân cụ thể khiến visa của Djokovic bị hủy bỏ bất ngờ. Tuy vậy, Guardian Australia nhận định cơ quan bảo vệ biên giới không chấp thuận quy trình xét duyệt miễn trừ của bang Victoria và Liên đoàn Tennis Australia.

Tờ báo trên cũng cho biết Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Tiêm chủng Australia cũng không tán thành quy trình này. Trong khi đó, Djokovic không có xác nhận miễn trừ của ABF hay chính quyền liên bang.

Bà Maggie Taaffe, chuyên gia luật nhập cư tại hãng luật AHWC, Australia, nhận định “cuộc chiến pháp lý” giữa đội ngũ luật sư của Djokovic và chính phủ Australia có thể kéo dài nhiều ngày.

Djokovic dường như không có đủ giấy tờ để nhập cảnh. Ảnh: Guardian.

Bà cũng nhắc đến khả năng quy trình xét duyệt miễn trừ cho tay vợt này có vấn đề từ đầu.

“Bạn có thể thắc mắc liệu tiến trình pháp lý có được đảm bảo từ đầu hay không”, bà nói với Herald Sun.

Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić tuyên bố đã trao đổi với Djokovic ngay sau vụ việc.

“Tôi đã nói với Novak: Cả đất nước Serbia ở bên anh ấy. Các cơ quan của chúng ta đang làm mọi thứ có thể để sự phiền nhiễu đối với tay vợt số một thế giới dừng ngay tức khắc”, ông Vučić nói. “Dựa trên quy định của luật pháp quốc tế, Serbia sẽ chiến đấu cho Novak, sự thật và công lý”.

Thủ tướng Australia Scott Morrison tiết lộ Đại sứ quán Serbia tại Canberra đã chính thức phản đối quyết định hủy visa đối với Djokovic. Tuy vậy, ông quyết không lùi bước.

“Mọi quốc gia có quy tắc biên giới của riêng mình. Các quy tắc này không chỉ được áp đặt lên một đất nước hay cá nhân nào”, ông nói.

Vụ việc của Djokovic không phải lần đầu tiên hệ thống bảo vệ biên giới của Australia gặp rắc rối với những người nổi tiếng. Năm 2015, ngôi sao Hollywood Johnny Depp từng bị Bộ Nông nghiệp Australia yêu cầu đưa ba chú chó của ông ra khỏi Australia trong 50 giờ, nếu không muốn chúng bị tiêu hủy.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/24-gio-tu-luc-djokovic-duoc-mien-tru-den-khi-bi-tu-choi-vao-australia-post1287887.html