2.000 ngày làm nên 'Mây Qua Vùng Ký Ức'

Triển lãm 'Mây Qua Vùng Ký Ức' trưng bày 41 tác phẩm được họa sĩ Lưu Tuyền sáng tác từ trước, trong đến sau đại dịch Covid-19, mở ra thế giới quá khứ qua lăng kính đương đại.

Bước vào không gian triển lãm Mây Qua Vùng Ký Ức của họa sĩ Lưu Tuyền, người xem chìm đắm vào không khí hoài cổ, sâu lắng, trầm tư. 41 tác phẩm nghệ thuật nằm trên những bức tường xanh, đỏ, mở ra một thế giới mang nhiều lớp lang ý nghĩa. Các bức họa được họa sĩ Lưu Tuyền thực hiện trong 2.000 ngày. Quá trình sáng tác kéo dài từ trước, trong đến sau đại dịch Covid-19, phản ánh những hình thái cảm xúc khác nhau của con người trong giai đoạn khó khăn đó. Áp lực giãn cách xã hội, nỗi sợ hãi khi chống chọi với bệnh tật hay sự trăn trở, suy ngẫm về số phận con người được truyền tải thông qua lăng kính của người nghệ sĩ.

Tên triển lãm được chia thành 2 vế quan trọng, bao gồm “Mây” và “Vùng Ký Ức”. “Vùng Ký Ức” khắc họa những kỷ niệm quá khứ của mỗi cá nhân, cũng như câu chuyện lịch sử dân tộc. Giá trị văn hóa hiển hiện ở hình ảnh con người, cổ vật, thành quách hay di tích. Trong khi đó, “Mây” là cách gọi giản lược của điện toán đám mây, biểu trưng cho tinh thần hiện đại. Đám mây mù hiện đại che đi, phủ kín bức tranh quá khứ. Các tác phẩm của Lưu Tuyền là sự đan xen mờ ảo giữa hiện tại và quá khứ, giúp khán giả nhìn về giá trị truyền thống thông qua lăng kính đương đại.

Cổ vật là hình tượng chủ đạo trong phần lớn tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Đó là đồ gốm Chu Đậu được tìm thấy trên những chiếc tàu đắm ở Hội An (Quảng Nam). Giống như một kiếp người, đời sống của cổ vật cũng trải qua nhiều thăng trầm, từ được đặt trong tủ kính của các gia đình quyền thế, bị mất tích đến trở lại trong bảo tàng. Nghệ sĩ đã săn lùng những cánh cửa gỗ cũ, mảnh gốm vô danh, tạo tác lại, biến chúng trở thành đồ vật có danh tính, có linh hồn, mang dấu ấn của lịch sử dân tộc.

41 tác phẩm trong triển lãm Mây Qua Vùng Ký Ức đều là sản phẩm đa chất liệu. Vật liệu epoxy là lớp kết dính bền bỉ, kết nối màu sắc, không gian, thời gian, tạo ra sự ảo diệu trên bề mặt các bức họa. Ngoài ra, Lưu Tuyền cũng ứng dụng một số chất liệu quen thuộc như sơn mài truyền thống, sơn dầu hay màu nước.

Các kỹ thuật được áp dụng trong quá trình thực hành nghệ thuật cũng tương đối đa dạng, bao gồm đập, hàn, gắn,... Chuỗi hành động này được thực hiện theo một vòng lặp của phá hủy và hàn gắn. Quá trình này diễn ra liên tục, tạo ra nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau. Người nghệ sĩ cảm thấy thỏa mãn, buồn bã, tiếc nuối, hân hoan khi sáng tạo. Đứa trẻ bên trong họa sĩ như được gọi dậy, lo lắng khi làm vỡ món đồ chơi yêu thích, rồi lại say mê gắn lại từng mảnh vỡ. Với những tác phẩm này, họa sĩ Lưu Tuyền mong muốn khán giả nhìn nhận nhẹ nhàng hơn về những được và mất trong đời sống vốn nhiều lo toan, bất trắc.

Hình tượng khuôn mặt bé gái bị che phủ bởi những lớp màu trong tranh Lưu Tuyền mang theo nỗi ám ảnh của thế kỷ. Theo nghệ sĩ, từ khi mạng xã hội ra đời, con người sinh sống trong không gian thật - ảo song hành, đan xen. Khi tồn tại ở không gian này, con người có thể bị che lấp, chiếm lĩnh bởi một chiều kích không gian khác. Ví dụ, một cá nhân đắm chìm trong thế giới ảo có thể cảm thấy chân thực và ngược lại.

Sau khi đại dịch kết thúc, sự tác động đến nền kinh tế bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Tình trạng suy thoái kinh tế và áp lực cuộc sống được nén trong các tác phẩm. Hiện nay, khi đời sống kinh tế, xã hội có dấu hiệu khởi sắc, triển lãm trở thành nơi dừng chân của những ngày tháng khó khăn đó. Các tác phẩm thể hiện tầm nhìn của nghệ sĩ về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Triển lãm Mây Qua Vùng Ký Ức diễn ra từ ngày 12/4 đến ngày 19/5 tại Work Room Four Art Space (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Linh Vũ - Thụy Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/2000-ngay-lam-nen-may-qua-vung-ky-uc-post1469781.html