100% bệnh viện tuyến trung ương thành lập phòng/tổ công tác xã hội

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn 2019-2023, 100% bệnh viện tuyến trung ương đều đã thành lập phòng/tổ CTXH, tuyến tỉnh là 96,1% và tuyến huyện là 88,6%.

Ngày 21/11, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo "Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp về phát triển công tác xã hội".

Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Cao Đăng Vinh cho biết, hiện nay, pháp luật chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về công tác xã hội (CTXH) tham gia trong hệ thống tư pháp một cách có hệ thống.

Ông Cao Đăng Vinh nhấn mạnh, CTXH hướng tới tạo ra thay đổi tích cực trong xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người đặc biệt là những nhóm người yếu thế. CTXH thúc đẩy sự biến đổi xã hội, tăng cường các mối tương tác hài hòa giữa cá nhân, gia đình và xã hội hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Cao Đăng Vinh chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại tham luận của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) "Nâng cao vai trò của hoạt động CTXH trong lĩnh vực y tế" nêu rõ, kết quả khảo sát do các đơn vị của Bộ Y tế thực hiện trong các năm từ 2019-2023 cho thấy: 100% các bệnh viện ở tuyến trung ương đều đã thành lập Phòng hoặc Tổ CTXH, tuyến tỉnh là 96,1% và tuyến huyện là 88,6%. Số liệu này cho thấy sự quan tâm và mức độ phát triển của hoạt động CTXH trong hệ thống bệnh viện Việt nam.

Các bệnh viện đã triển khai đầy đủ 7 nhiệm vụ về CTXH của bệnh viện, trong đó các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện lớn hoạt động CTXH rất mạnh mẽ, đóng vai trò tiên phong trong việc hoàn thiện mô hình và hướng dẫn các bệnh viện tuyến tinh, huyện phát triển hoạt động CTXH hiệu quả.

Đối với nhiệm vụ CTXH tại trường học, cơ sở giáo dục, tham luận của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) nêu rõ, CTXH trường học nhằm cải thiện môi trường học tập cho học sinh thông qua việc đánh giá vấn đề và nhu cầu của học sinh, cung cấp các hoạt động trợ giúp như tham vấn, hỗ trợ tâm lý-xã hội, giáo dục kỹ năng sống và xây dựng năng lực để giúp học sinh tự giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình và thầy cô giáo.

Hội thảo lắng nghe nhiều tham luận đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT...

Việc thực hiện các hoạt động CTXH trong trường học là quan trọng và cần thiết góp phần thay đổi hành vi không mong muốn cho học sinh, sinh viên như không hoàn thành việc học tập, bạo lực học đường… CTXH còn có vai trò hỗ trợ công tác phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực, phòng chống ma túy, phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những trẻ em yếu thế,...

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng nghe thêm các bài tham luận "Nâng cao vai trò phối hợp của công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế" của Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp); tham luận "Quá trình xây dựng Nghị định về công tác xã hội và một số nội dung chính nêu tại dự thảo Nghị định về công tác xã hội" của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH); tham luận "Vai trò phối hợp của công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế - Thực tiễn tại địa bàn TP. Hà Nội" của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP. Hà Nội và tham luận "Nâng cao vai trò của CTXH trong lĩnh vực nuôi con nuôi" của Vụ nuôi con (Bộ Tư pháp).

Kết luận Hội thảo, ông Cao Đăng Vinh đánh giá cao những tham luận của các chuyên gia về việc nâng cao vai trò của CTXH, đồng thời ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo. Theo ông Cao Đăng Vinh, với thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội thì đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một đạo luật riêng về CTXH (Luật Công tác xã hội), trong đó có các quy định về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp.

Giả danh thợ sửa ống nước để đột nhập các khu nhà giàu - SKĐS

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/100-benh-vien-tuyen-trung-uong-thanh-lap-phong-to-cong-tac-xa-hoi-169231122061526663.htm