Your Name. được công chiếu chính thức và câu chuyện về một kẻ từng… xem lậu phim

Với những ai lần đầu ra rạp thưởng thức Your Name. vào những ngày đầu năm vừa qua, đó là một trải nghiệm đẹp, rực rỡ và choáng ngợp. Nhưng với số ít những khán giả đã xem lậu Your Name. từ trước đó thì điều đọng lại đa phần là sự hối tiếc.

Tiếng vang của Your Name. thật ra đã bắt đầu từ 6 tháng trước, khi phim vừa trình chiếu tại quê hương Nhật Bản. Đó thực sự là quả bom phòng vé khi liên tục đứng đầu bảng xếp hạng suốt 9 tuần và là phim ăn khách nhất năm 2016. Một bộ phim anime với những khuôn hình lấp lánh do chính tay “ông hoàng” Makoto Shinkai “nhào nặn”. Như thế là quá đủ tò mò và háo hức với những ai yêu mến nền văn hóa Nhật.

Your Name. tuy đã có bản lậu nhưng vẫn được chào đón nồng nhiệt tại Việt Nam.

Một trong những quy luật “ngầm” vẫn tồn tại trên thế giới Internet là: “Cái gì càng hot thì sẽ càng sớm bị rò rỉ”. Và ngay cả với một nền điện ảnh gắt gao chuyện bản quyền như Nhật Bản cũng chẳng thể ngăn chặn được cơn sốt “buôn lậu” Your Name. xuyên lục địa. Ba tháng sau lịch công chiếu tại Nhật, tháng 9/2016, bộ phim “bất ngờ” xuất hiện với đầy đủ phụ đề tại các website phim trực tuyến Việt Nam.

Có người từ chối xem bản phim “không rõ nét” với hàng chi chít chữ đóng dấu bản quyền. Nhưng cũng có những người, không thể vượt qua được sự kiên nhẫn của bản thân và chấp nhận bỏ qua thói quen xem phim bản đẹp, đã đi tìm câu giải mã cho sức hút của Your Name. như chính… trường hợp của người viết.

Thật ra, dù có xem hay không, thì tất cả những ai đã biết đến Your Name. thời điểm đó đều chẳng hề mong đợi bộ phim này được ra mắt chính thức tại Việt Nam. Dẫu đã từng có những tác phẩm như Naruto, One Piece, Conan… được mua bản quyền và trình chiếu rộng rãi. Nhưng đó đều là những tựa phim sở hữu một cộng đồng hâm mộ rộng khắp cả nước, còn một bộ phim anime với ý tưởng thuần gốc như Your Name. dĩ nhiên, có quá ít tiềm năng để ra rạp tại một nơi mà văn hóa của nó chưa thật sự được phổ biến.

Từ trước tới nay, hầu hết anime được chiếu tại các rạp đều là những phim có lượng fanbase đông đảo từ manga - anime.

Người viết còn nhớ rất rõ chiến dịch “Đưa Rurouni Kenshin (một live-action từ bộ truyện cùng tên kinh điển) về Việt Nam” của một nhà phát hành phim vào năm 2014. Như một lời hứa hẹn khiến cả cộng đồng otaku Việt Nam dậy sóng, hàng trăm ngàn lượt share, like và thậm chí - cả một kế hoạch tổ chức fan-meeting rầm rộ chẳng kém gì chuyện chào đón sao Hàn của các fans K-Pop đều được mở ra. Rõ ràng, nhu cầu được thưởng thức Kenshi một cách đường hoàng xem Kenshin tại Việt Nam là rất lớn.

Câu chuyện “đau thương” về Rurouni Kenshin năm nào hẳn nhiều người còn nhớ rõ.

Thế nhưng, tất cả đã tan vỡ trong nỗi thất vọng tột cùng. Một trục trặc trong quá trình thương lượng nào đó đã khiến Kenshin chẳng bao giờ được công chiếu tại Việt Nam với lý do không được giải thích rõ ràng.

Giống như cảm giác khi bạn yêu ai đó và làm mọi cách để tìm gặp họ, sự hụt hẫng khi họ không xuất hiện khiến trái tim bạn vỡ nát. Người viết và rất nhiều người khác lúc đó, đã chọn cách tức giận và “tự hứa” sẽ tẩy chay luôn nhà phát hành ấy suốt một thời gian dài.

Và vết thương lòng từ chuyện Rurouni Kenshin ngày ấy đã khiến cho cái tin Your Name. được mua bản quyền tại Việt Nam giống hệt như một giấc mơ. Giống hệt như chuyện tình kỳ ảo của Taki và Mitsuha - mối lương duyên của Your Name. với khán giả Việt Nam cũng mang nhiều cung bậc cảm xúc hồi hộp, sung sướng nhưng đầy lo âu như thế. Không dám kỳ vọng quá nhiều, vừa vui lại vừa sợ, một bộ phận khán giả yêu mến phim Nhật còn thận trọng tới mức, chỉ khi nào có poster và trailer nội địa chính thức, thì mới dám thể hiện nó ra.

Kể từ lúc Your Name. được công chiếu tại Việt Nam, cảm xúc và ấn tượng mà bộ phim tạo ra trong lần gặp đầu tiên ấy cực lớn. Tựa như sự choáng ngợp và bùng nổ trước một chuyện tình lãng mạn đầy trắc trở giữa Taki và Mistuha, nó thật tới mức mà dù bạn chấp nhận xem bản phim với chất lượng hình bị vỡ, bị chèn chữ và rung lắc do máy quay trộm trước đó, thì vẫn hoàn toàn có thể rung động trước Your Name. thêm lần nữa.

Your Name. là minh chứng cho sự tuyệt vời chỉ có được khi trải nghiệm tại các rạp chiếu.

Vì đã biết trước kết thúc của Your Name., nên cảm giác xem lại bao giờ cũng chẳng thể nào so được với lần đầu. Cái còn đọng lại, chính là phần âm nhạc xuất sắc, được ngập tràn qua hệ thống âm thanh chất lượng cùng hình ảnh rực rỡ chói lòa đôi mắt. Song hơn cả kỳ vọng, lần coi thứ hai lại mang đến nhiều chi tiết mà lần đầu tiên chưa để ý thấy.

Màn ra mắt chính thức của Your Name. cũng mang theo một hy vọng mới về cơ hội được tiếp cận nhiều hơn nữa những tác phẩm điện ảnh của xứ sở hoa anh đào. Qua câu chuyện riêng về Your Name. của cá nhân người viết, bỗng nhắc mình lan man tới chuyện bản quyền. Đó bắt buộc phải là một mối quan hệ qua lại lẫn nhau.

Shin Godzilla - biểu tượng của nước Nhật cũng kịp về Việt Nam cùng với Your Name.

Xã hội càng phát triển, ý thức càng được nâng cao. 3 năm sau khi công ước Berne được ký kết ở Việt Nam (26/10/2014), người dân Việt cũng đã dần quen với khái niệm “trả tiền” cho các sản phẩm trí tuệ. Bên cạnh vấn đề thu nhập, thói quen, khán giả Việt cũng đã thay đổi tư duy xem phim. Bớt thái độ “vô tư” khi xem phim lậu hơn, dành tiền ra rạp để thưởng thức phim cũng nhiều hơn.

Nhưng trong hoàn cảnh dù phải trả phí cũng không thể tiếp cận được với sản phẩm gốc, thì buộc lòng người ta phải tìm tới những con đường không chính thống khác để thỏa mãn đam mê. Những bộ phim độc lập kén khán giả và nổi bật nhất gần đây là trường hợp của Your Name. hay Shin Godzilla là ví dụ rõ ràng nhất. Vấn đề lợi nhuận của các nhà phát hành phải được đưa lên hàng đầu.

Manga xuất bản tại Việt Nam giờ đây đều có bản quyền gần như 100%.

Việc lời lỗ đương nhiên vẫn là ưu tiên với những nhà kinh doanh. Phim Nhật nói chung và anime vốn dĩ là rất kén khán giả. Nhưng để thay đổi một thói quen, để làm một cuộc cách mạng thì đôi khi những người tiên phong ấy phải chấp nhận hy sinh. Dĩ nhiên là điều này cũng cần phải đi cùng với sự tác hợp điều kiện từ phía đối tác Nhật, xứ sở nổi tiếng với những quy định chặt chẽ về bản quyền cho sản phẩm mà họ tạo ra.

Trong khi phim Nhật hầu hết chỉ được tiếp cận qua các liên hoan phim Nhật với giá vé… miễn phí.

Giống như trường hợp của thị trường manga tại Việt Nam. Khi các nhà xuất bản quyết định mua bản quyền và đầu tư tốt cho các sản phẩm truyện tranh từ Nhật Bản. Thì theo thời gian, người đọc cũng dần tự hiểu rằng mình nên lựa chọn những gì tốt và hợp pháp nhất. Nhờ thế mà giờ đây, dòng truyện lậu không bản quyền đã “tan biến” như chưa từng tồn tại. Chỉ để lại ký ức cho những ai từng trải qua giai đoạn trước và sau khi có công ước Berne năm nào.

Vân Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/phim-chieu-rap/name-duoc-cong-chieu-chinh-thuc-va-cau-chuyen-ve-mot-ke-tung-xem-lau-phim-1052935.html