Yêu thương sẽ nhận được sự tôn kính

Nhiều người đặt câu hỏi: 'Tôn sư trọng đạo liệu có còn không?'

Giáo dục thời nay vừa cần gìn giữ sự nền nếp trong trường học lại vừa phải có những thay đổi tích cực đến từ người thầy. Ảnh minh họa: INT

Thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm qua, nhiều vụ bạo lực xảy ra giữa thầy và trò, giữa thầy với phụ huynh, giữa thầy cô với thầy cô đã khiến nhiều người không khỏi bức xúc và đặt câu hỏi: “Tôn sư trọng đạo liệu có còn không?”.

Bạo lực sinh bạo lực

Những tháng cuối năm 2023, chúng ta phải chứng kiến cảnh một tập thể học sinh tấn công cô giáo ngay trong lớp học. Những ai trong ngành Giáo dục, nhất là thầy cô tâm huyết với nghề hẳn không ai không cảm thấy đau đớn và thấy mình có liên can đến sự việc. Những người ngoài ngành lập tức phân tích và đưa ra phán xét. Cơ quan chức năng đã tìm hiểu nguyên nhân và xử lý trách nhiệm với những người liên quan. Và cứ ngỡ, sau vụ việc đau lòng ấy, bạo lực học đường sẽ lắng dịu xuống nhưng…

Ngày 22/12/2023, thầy Nguyễn Trọng Ngữ - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ An (Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết, một nữ giáo viên của nhà trường đã bị bà nội và bố của một học sinh túm tóc, đánh, chửi ngay giữa sân trường. Sự việc xảy ra sáng 20/12/2023, nguồn cơn do hôm trước, nữ giáo viên môn “Khoa học tự nhiên” này tát một nữ sinh lớp 6 vì không thuộc bài, không chú ý nghe giảng.

Một tập thể học sinh tấn công giáo viên trong môi trường học đường là có thật. Một “tập thể” phụ huynh tấn công giáo viên trong khuôn viên nhà trường cũng có thật. Và, không biết tiếp theo, chúng ta còn phải chứng kiến thêm những sự thật đau lòng nào nữa trong môi trường giáo dục?

Khi đọc được sự vụ “phụ huynh túm tóc, đánh giáo viên giữa sân trường”, tôi có chia sẻ lại câu chuyện với một đồng nghiệp. Thầy nghe xong và kể thêm cho tôi về trường hợp một cậu học trò cũng từng vô lễ với chính mình và nhiều thầy cô khác trong lớp học.

Cậu học trò ấy, sau đó, bị hội đồng kỷ luật ra quyết định đình chỉ học một năm. Nhưng rồi không biết bằng cách nào, chỉ hơn một tuần sau, cậu đã chuyển đến học ở một ngôi trường mới. Kể đến đây, thầy chậm rãi kết luận, giáo dục ở ta đang bị “lỗi hệ thống”, vẫn còn cơ chế “xin cho” nên chưa nghiêm minh trong việc dạy người.

Một điều đáng buồn hơn, những vụ bạo lực thầy cô như trên khi vừa được báo chí đưa tin thì dường như lập tức các fanpage sử dụng ngay tin tức ấy có chỉnh sửa, cường điệu thêm về vụ việc. Và cũng ngay tức thì, hàng nghìn phụ huynh khi chưa nhìn nhận đúng vấn đề đã vào chia sẻ, bình luận tấn công ngược lại giáo viên. Như vậy, nhà giáo trong các vụ việc ấy đã hai lần bị bạo lực, mà bạo lực tinh thần lần sau này còn nguy hiểm hơn nhiều.

Thầy trò Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên). Ảnh minh họa: ITN

Mạch nguồn chảy mãi

Trước sự việc ở Đồng Tháp, nhà văn Uông Triều đã đặt ra câu hỏi rằng, người thầy ngày nay còn quyền không? Và, anh tự lý giải rằng, người thầy có rất ít quyền - quyền làm thầy để dạy cho tử tế. Giáo dục còn những tồn tại nhất định nhưng đánh thầy thì đúng là hết phép chữa.

Anh chia sẻ thêm rằng: “Tôi từng nhiều năm không nhìn mặt một đứa em họ vì nó đánh thầy giáo. Một trong những suy giảm nghiêm trọng trong văn hóa là người thầy gần như bị tước hết quyền đương nhiên của mình. Xã hội không có những người chúng ta cần e sợ, tôn trọng thì loạn là đương nhiên”.

Cũng mới đây, tôi đọc được câu chuyện của một thầy giáo chia sẻ trên trang cá nhân. Thầy kể, hồi còn trẻ có lần vô tình đọc được những dòng chữ bất nhã của một học trò viết về thầy trước sự chứng kiến của em đó. Rồi thì, thầy không trách phạt mà chỉ im lặng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, thầy quyết định vẫn tiếp tục cư xử bình thường với học sinh này.

Thầy cố gắng hết sức mình trong thầm lặng để đánh giá công bằng, khách quan thậm chí chấm điểm cao cho những bài viết xuất sắc của em. Em ấy ngạc nhiên, khó hiểu nên đã tìm gặp riêng thầy và hỏi: “Em đã nói những điều không hay về thầy tại sao thầy vẫn cho em điểm cao?”. Thầy trả lời: “Bài đáng được điểm cao thì tôi chấm điểm cao. Chất lượng bài làm của em không liên quan gì đến việc em hiểu sai và nhận xét không hay về tôi”.

Kể câu chuyện này để chúng ta, nhất là những thầy, cô giáo suy ngẫm về việc giáo dục học trò khi chúng mắc lỗi. Chuyện nhỏ mà không nhỏ, vì không phải giáo viên nào cũng có thể vượt qua được chính mình, không để những tổn thương cá nhân làm ảnh hưởng đến tư cách người thầy.

Trở lại với sự việc xảy ra ở Trường THCS Mỹ An, nếu cô giáo có thể vượt qua được sự nóng nảy để hành xử chừng mực hơn chắc sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc như trên. Nhưng có mấy ai chắc chắn rằng mình sẽ đạt đến cảnh giới ấy trước những cô cậu học trò ngỗ ngược.

Hai câu chuyện trên có thể gợi cho ta nhận thấy rằng, giáo dục thời nay vừa cần gìn giữ sự nền nếp trong trường học lại vừa phải có những thay đổi tích cực đến từ người thầy. Tôi nghĩ, vế sau – sự thay đổi của người thầy rất quan trọng. Ngày xưa thầy đồ dạy học đa số không có chuyện biên chế hay ăn lương Nhà nước như bây giờ, trừ trường đặc biệt do triều đình lập ra.

Người học trước thông chữ hoặc đỗ đạt dạy cho người học sau. Học trò muốn học thì kiếm buồng cau xin nhập môn và lạy thầy hai lạy. Đủ học trò, thầy chọn ngày tế thánh rồi mở lớp. Học hết chữ thầy này, nếu muốn theo đòi bút nghiên, trò lại tìm thầy nhiều chữ hơn để học lên.

Thu nhập của các thầy đồ là quà cáp của phụ huynh. Có sách xưa đã viết, lúc học có ngày Tết, như Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan dương, Tết Trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy hoàn cảnh mà phụ huynh đem đến lễ thầy.

Đạo lý thầy trò ngày xưa rất trọng, thầy được coi trọng như cha. Nhà thầy có việc hiếu hỉ, thì trò thông qua trưởng tràng, giám tràng (cán bộ lớp), chăm lo như việc của nhà mình. Khi thầy quy tiên, học trò cũng để tang ba năm, có điều không phải tang phục, tang chế đầy đủ. Để tang trong bụng gọi là tâm tang. Học trò thành đạt thường giúp đỡ thầy trong cuộc sống.

Nhà thầy không có con trai nối dõi cúng tế thì trò phải cúng tế cho đến hết đời mình. Người xưa chọn “mồng Ba Tết thầy” là theo cái đạo nghĩa đó. Nhưng rõ ràng ngày nay, giáo viên đã là một nghề nên thầy cô cũng không thể đòi hỏi học trò phải giữ “đạo nghĩa” như ngày trước. Mặt khác, học trò bây giờ tâm sinh lý, đời sống cũng rất khác xưa nên người thầy phải thay đổi trong quá trình giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, với phụ huynh hành động đánh giáo viên ngay trong trường học còn đáng bị lên án hơn. Một số người nghĩ, học trò nhìn vào sự vụ đó sẽ càng không tôn trọng giáo viên, sẽ được thể “nổi loạn” ở trường học. Tôi thì nghĩ khác, học sinh – những đứa trẻ nếu được giáo dục tốt sẽ nhận thức được đúng sai của sự việc.

Phụ huynh hành động bằng bạo lực với thầy cô, cũng đồng nghĩa với việc “bạo lực tinh thần” với chính con em mình. Sự “nâng đỡ”, nuông chiều quá mức của phụ huynh tất yếu sẽ tiếp sức cho quá trình bạo lực dai dẳng, triền miên của con trẻ.

Một xã hội mà trong gia đình, những đứa trẻ được “nâng như nâng trứng”, còn ở trường học cũng được “hứng như hứng hoa” thì có nên không?

Một xã hội còn tồn tại nhiều mặt trái của sự phát triển, phải đánh đổi nhiều giá trị tốt đẹp cho sự phát triển kinh tế thì giáo dục, rõ ràng đang ở giai đoạn gặp nhiều thách thức, gặp nhiều “bão tố” nhất.

Tôi vẫn biết, đằng sau một nền giáo dục là một thiết chế văn hóa; đằng sau một thiết chế văn hóa là một thể chế chính trị. Vì thế, đã đến lúc, chúng ta cần nghiêm túc xem xét đằng sau thể chế chính trị tốt đẹp còn những tồn tại cần thay đổi hay không?

Tọa đàm xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh đổi mới giáo dục - Hành động từ nhu cầu của học sinh và giáo viên tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh minh họa: INT

Tôn sư trọng đạo có còn không?

Cần phải trả lời ngay câu hỏi của nhiều người, rằng truyền thống tôn sư trọng đạo thời nay hay thời nào đi nữa vẫn mãi trường tồn, nhất là ở một dân tộc hiếu học như Việt Nam.

Tôi hành nghề dạy học đã gần hai mươi năm và chứng kiến rõ nhất những tình cảm tốt đẹp mà học sinh, phụ huynh đã dành cho mình. Không chỉ là những dịp lễ, Tết, trong đời sống thường nhật, trong giờ lên lớp, tôi vẫn luôn được đón nhận tình cảm yêu quý của học trò. Đó là ánh mắt say mê theo dõi bài giảng. Đó là một tin nhắn thể hiện sự tiếc nuối khi tôi chia tay lớp học này sang dạy lớp học khác. Đó là những bức thư dài với biết bao tình cảm của cô cậu học trò lớp 12 gửi tặng tôi.

Đó là cái bắt tay nồng ấm, cuộc gọi điện cảm ơn của các bậc phụ huynh vì tôi đã bao dung, giúp đỡ con cái họ. Đó là những món quà nhỏ xinh nhưng gói ghém bao tình cảm của các em như một quyển sách hay, một hộp sữa bột (khi biết tin nhà thầy vừa có thêm thành viên mới) của một học trò vừa nhận được tháng lương đầu tiên… Tất cả những điều ấy là niềm hạnh phúc vô giá tôi đã nhận được từ học trò. Đó chẳng phải là sự tôn kính hay sao?

Bất cứ thời đại nào, bất cứ dân tộc nào trên thế giới nếu biết quan tâm, chăm lo và có tầm nhìn phát triển chiến lược cho giáo dục thì nhất định dân tộc ấy, quốc gia ấy sẽ phát triển thịnh vượng.

Giáo dục của Việt Nam, từ trước tới nay, may mắn có được sự tôn kính của toàn xã hội với truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo”. Truyền thống ấy, nhiều nước trên thế giới nào đâu có được nên chúng ta càng phải biết trân quý gìn giữ và phát huy. Gìn giữ truyền thống tốt đẹp không phải bằng cách “ôm khư khư giá trị bất biến”. Thay đổi từ tư duy, cách giáo dục của người thầy cũng là một cách gìn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Xưa cũng như nay, nếu đạo nghĩa thầy trò có thay đổi thì trước hết, người thầy và thiết chế giáo dục phải xem lại chính mình. Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng “Tình thầy trò nằm trong cái tình rộng lớn của con người với nhau. Làm thầy không gì hạnh phúc hơn có nhiều trò giỏi và thân thương trong cuộc đời”.

Năm 2023 khép lại với nhiều sự vụ đau lòng xảy ra trong môi trường giáo dục dưới góc độ vi phạm đạo đức của cả người học lẫn thầy cô. Từ đó, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu “tôn sư trọng đạo có còn không?” với vẻ đầy nghi ngờ.

Tôi – với tư cách là một thầy giáo thì nghĩ, truyền thống tốt đẹp ấy vẫn đang được bao thế hệ học trò, phụ huynh gìn giữ, có khác chăng là cách biểu hiện sự trân quý nghề dạy học của học trò, phụ huynh ngày nay có sự thay đổi. Xã hội luôn phát triển đi lên, bốn mùa của đất trời cũng vận động thay đổi.

Nghề giáo cũng thế, cần có sự thay đổi để phát triển. Và sự thay đổi lớn nhất đó là hình ảnh của người thầy vừa phải giỏi chuyên môn vừa phải biết gần gũi, yêu thương, bao dung với học trò. Có như thế, thầy cô trong mắt học trò và cả xã hội vẫn mãi được tôn kính. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” vì thế là mạch nguồn chảy mãi trong lòng dân tộc Việt Nam ta qua bao thế hệ.

Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Lộc - Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/yeu-thuong-se-nhan-duoc-su-ton-kinh-post671746.html