Yêu thương ở lại

Yêu thương của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân chạm đến lòng tin mến, để người dân nơi biên giới nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển.

Chia sẻ bớt vất vả cho người dân từ những điều nhỏ nhặt

Chia sẻ bớt vất vả cho người dân từ những điều nhỏ nhặt

Từ tấm lòng đến tấm lòng

Nắng chiều dần tắt trên dãy núi sau lưng thôn Ta Lo A Hố (xã biên giới Hồng Vân). Lúc này, những “con ngựa sắt” của Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên Đồn BPCK Hồng Vân; Thượng úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng và Binh nhất Lê Viết Hừng, chiến sĩ vũ trang, nối nhau trên con đường uốn lượn quanh co, hết lên lại xuống dốc, đến nhà bà Căn Minh nằm sâu trong thôn. Đây là hộ gia đình của người phụ nữ lớn tuổi, chồng mất, neo đơn, khó khăn - một trong những hộ do Thượng tá Trần Văn Tuyển phụ trách, theo mô hình “đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới”. Sở dĩ chọn thời điểm cuối chiều, là bởi anh Tuyển đã rành về “thời gian biểu” công việc của bà Căn Minh. Thường bà đi chăn đàn bò và kiếm củi đến lúc tắt mặt trời mới lùa bò, cõng chiếc gùi nặng trĩu củi trở về.

Nhà vẫn vắng lặng. Giàn bí đao xanh tươi lúc lỉu chứng tỏ sự cần cù chăm chút, khiến những người lính biên phòng bất chợt nở nụ cười. Trong chuồng, con lợn béo mượt thỉnh thoảng ụt ịt đòi ăn. Cách đây mấy tháng, bỏ tiền túi mua lợn giống tặng bà Căn Minh, Thượng tá Trần Văn Tuyển còn chu đáo tặng nguồn thức ăn, cùng những lời dặn dò về việc chăm sóc. “Bà Căn Minh là người chịu thương, chịu khó, nên đã phát huy hiệu quả sự hỗ trợ. Trước đây, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) phối hợp Trường đại học Khoa học - Đại học Huế hỗ trợ gia đình một con bò cái giống, bà Căn Minh đã chăm sóc rất tốt, hiện đã nhân đàn lên 3 con” - anh Tuyển nói giản dị, đó là vì bà Căn Minh đã nghe theo vận động, chỉ dẫn của BĐBP.

Nhưng hơn ai hết, người dân trên địa bàn hiểu rằng, bởi vì bước chân của những người lính mang quân hàm xanh bền bỉ đến “mòn đường”, về với thôn, với bản; những ngày mưa gió con suối chảy qua thôn nước dâng cao, các anh bỏ lại xe máy, vác gạo lội qua suối tiếp sức cho những hộ khó khăn, thà chịu ướt nhưng mỗi hạt gạo đều phải được bao bọc, che chắn khô ráo…, nên bà con mới tin yêu, cảm kích. Mới lúc nãy thôi, tôi đã tận mắt “mục sở thị” những điều dung dị, đẹp đẽ, khi Thượng tá Trần Văn Tuyển và các đồng đội của anh quay trở lại đầu ngõ, ngược một chặng đường, để ghé lưng cõng gùi củi, đỡ cho bà Căn Minh một chút nhọc nhằn.

Hướng dẫn người dân cách chăm sóc vườn tược

Hướng dẫn người dân cách chăm sóc vườn tược

Hình ảnh đó lại “tái hiện” trong ký ức của tôi, khi người dân xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) kể về những ngày bước chân anh Tuyển cùng đồng đội trong đơn vị (hồi đó, anh Tuyển đang công tác tại Đồn BPCK cảng Chân Mây), mải miết khắp mọi “ngóc ngách” thôn Cù Dù xưa (nay là khu nghỉ dưỡng Laguna mang tầm quốc tế), để dạy xóa mù. Cù Dù có địa hình hiểm trở, hồi đó cách đò trở giang, nổi tiếng khó khăn, là “điểm nghèo”, “làng đi bộ”, “làng không biết chữ”. Những người lính biên phòng đã thầm lặng “chở chữ” đến, để giúp nhiều cuộc đời vươn lên; cùng đổ mồ hôi với người dân địa phương, để những rừng keo xanh ngút. Sau này, rất nhiều người dân Cù Dù được làm việc trong khu nghỉ dưỡng Laguna, mãi không quên sự kề vai sát cánh của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Ánh mắt đang vui, chợt thẫn thờ, rơm rớm, bà Căn Minh đưa tay áo chấm nước mắt: “Mẹ buồn lắm”! Đó là những điều trong lòng người phụ nữ Pa Cô bộc bạch, khi biết rằng Thượng tá Trần Văn Tuyển, người sĩ quan biên phòng đã đồng hành cùng những vui buồn gia đình bà nhiều năm qua, không bao lâu nữa sẽ đến tuổi nghỉ hưu, sẽ “rời xa” bà con dân bản. Thượng úy Phạm Thái Sơn nắm chặt bàn tay tuổi tác của bà Căn Minh: “Rồi sẽ có cán bộ đơn vị tiếp nối Thượng tá Tuyển, tiếp tục đồng hành cùng gia đình mẹ. Những người lính biên phòng sẽ luôn bên cạnh, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mãi mãi cùng sát cánh với người dân nơi biên giới”.

Thảo thơm

Những người lính mang quân hàm xanh để bảo vệ chủ quyền biên cương và cuộc sống yên bình, phát triển của người dân nơi đây, đã biền biệt xa gia đình, dốc lòng, dốc sức với người dân biên giới. Cũng như bao đồng đội trong lực lượng BĐBP tỉnh, yêu thương và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Hồng Vân mãi ở lại với bà con thôn, bản. Ở lại trong ngôi nhà bà Căn Nghệ (thôn Ca Cú 1, xã Hồng Vân), ngôi nhà anh Nguyễn Văn Tam (thôn Ca Cú 2) và rất nhiều ngôi nhà của các hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã Hồng Vân, Trung Sơn, Hồng Thủy - được các anh kết nối vận động kinh phí, đồng thời góp công, bất chấp cái nắng như đổ lửa hoặc cái rét như cắt da, để sửa chữa thật chắc chắn; trong những vạt rừng của các hộ già cả, neo đơn cũng được các anh đổ mồ hôi trồng giúp. Và những khu vườn trước đây là vườn tạp, nay trở thành vườn cây ăn trái giá trị cao, do cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn áp dụng mô hình.

Mỗi người với một cương vị công tác khác nhau, đã gom góp yêu thương và chung trách nhiệm để làm được điều đó. Bằng những mối quan hệ bạn bè, đồng đội trên khắp mọi miền, Thượng tá Trần Văn Tuyển, Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái (Chính trị viên phó), Thiếu tá Mai Quốc Trung (nhân viên vận động quần chúng), Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng (Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Sơn), Đại úy Hồ Văn Thảo (Đội trưởng Đội trinh sát)… đã lặng thầm kết nối để “mang về” cho mảnh đất biên giới và người dân nơi đây sự hỗ trợ, sẻ chia cả về tinh thần và vật chất. Để từ đó nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp đang phát huy hiệu quả. Gần đây nhất, đơn vị đã trao sinh kế cho gần 30 hộ nghèo có con, cháu đang độ tuổi đi học tại thôn A Đeeng - Par lieng 2, xã biên giới Trung Sơn theo mô hình mới “Đàn ngan khăn quàng đỏ”. Đây là thôn đang nỗ lực “về đích” sớm nhất trong toàn xã 19/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đàn ngan giống ban đầu, các hộ đã quay vòng vốn, mở rộng hoạt động chăn nuôi. Thông qua phụ giúp gia đình chăm sóc đàn ngan, thế hệ tương lai của bản, làng được trang bị, rèn luyện kỹ năng mềm, thực hành tinh thần và trách nhiệm đối với lao động.

Yêu thương luôn ở lại dù cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Hồng Vân chuyển đến công tác tại đơn vị khác. Thượng úy Phạm Thái Sơn từng nặng lòng khi điểm trường cơ sở lẻ tại thôn Par Ay của Trường tiểu học - THCS Hồng Thủy còn thiếu 2 phòng học cho học sinh lớp 4-5. Các cháu phải đến học tại cơ sở chính với quãng đường hơn 6km. Phải đi qua 3 đập tràn nên các cháu đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Nghĩ đến lại quặn lòng. Sơn và các thầy, cô giáo vô cùng mừng, khi Đại úy Trần Ngọc Tân (trước đây công tác tại đồn Hồng Vân, nay chuyển công tác đến Đồn Biên phòng Nhâm) “ngỏ lời” với anh Lê Đức Huy, chủ doanh nghiệp tại TP. Huế, đồng thời giúp Sơn kết nối để bàn bạc cụ thể với anh Huy. Sơn tâm sự, sắp chuyển công tác, nên rất nóng lòng. Được mạnh thường quân “gật đầu” chắc chắn, anh mới yên tâm chuyển giao lại cho các đồng đội. “Khi nhận được tin nhắn của anh Huy: “Anh đồng ý về quan điểm là sẽ xây 2 phòng học nữa nhé. Đầu tuần anh sẽ lên thực tế, nếu em có mặt, cho anh gặp để trao đổi cách triển khai”, mừng mà nước mắt tôi tự nhiên cứ ứa ra. Ngày 2 phòng học xây dựng xong, các cháu sẽ không còn nguy hiểm, nhọc nhằn trong mùa mưa lũ” - Thượng úy Sơn bộc bạch.

Bây giờ đang mùa nhãn. Những cây nhãn trĩu trái trong vườn người dân A Lưới tỏa hương thơm ngọt ngào. Già làng uy tín thôn Kêr 1 hái tặng BĐBP chùm nhãn với tình cảm thảo thơm, cứ thơm dọc theo đường về.

Bài, ảnh: Phạm Thùy Chi

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-gioi-bien-dao/yeu-thuong-o-lai-131063.html