'Yêu Kiều': Tư tưởng Nguyễn Du trong xã hội đương đại

Sau hơn hai thế kỷ ra mắt, hiếm có tác phẩm nào trong nền văn học và nghệ thuật của Việt Nam vẫn luôn nhận được nhiều sự quan tâm nhiều như 'Truyện Kiều' của Nguyễn Du. 'Truyện Kiều' ảnh hưởng đến mọi tầng lớp người dân từ giới học thuật đến những người 'yêu Kiều'.

Thật khó để nói về một tác phẩm từng có hàng nghìn bài viết, sách chuyên khảo, luận văn, luận án và bình luận trên khắp các diễn đàn từ trong đến ngoài nước. Chính vì lí do đó mà ở đây tôi sẽ không bàn đến các giá trị nghệ thuật và xã hội qua tư tưởng của Nguyễn Du mà chỉ đưa ra một góc nhìn về ảnh hưởng của tư tưởng Nguyễn Du trong xã hội đương đại của hai người “yêu Kiều” suốt cuộc đời của mình.

Một là GS-TS. Kiều Thu Hoạch – một học giả uyên thâm về Hán học, hai là ông Đinh Xuân Ân - kỹ sư ngành địa chất - cha tôi. Điều đặc biệt là cả hai người “yêu Kiều” nói trên đều đã bước vào tuổi 90 nhưng vẫn đang đọc Kiều, nói về Kiều và viết về Kiều theo cách riêng của mình.

Nói về tư tưởng của Nguyễn Du lúc sinh thời, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp là người đã mô tả một cách chân thực nhất ở cả hai phương diện tích cực và tiêu cực: “Nguyễn Du có sự thông cảm sâu sắc với nhân dân. Ông yêu nhân dân mình. Ông đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất… Nguyễn Du thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc” (trích Vàng lửa).

Có vẻ như “nỗi đau khổ lớn của dân tộc” trải qua bao thế kỷ chính là chất men khiến cho biết bao thế hệ người Việt Nam cũng như nhiều học giả nước ngoài tiếp tục “yêu Kiều”.

Ở độ tuổi 90, GS. Kiều Thu Hoạch vừa ra mắt cuốn Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) với phần phiên âm và chú giải từ bản khảo đính và chú thích của Kiều Oánh Mậu (MaiHa Books và Nxb. Hà Nội ấn hành 2022).

Truyện Kiều - Đoạn Trường Tân Thanh - Kiều Oánh Mậu khảo đính, Kiều Thu Hoạch chú giải.

Với bản Kiều Nôm của Kiều Oánh Mậu, GS. Kiều Thu Hoạch cho rằng “Kiều Oánh Mậu dù có thay chữ này sửa chữ nọ, thì đều là tham chiếu từ những văn bản khác để khảo đính. Đó là một quy tắc văn bản học rất đáng trân trọng” (tr.15). Cuốn sách dày 527 trang đã cho thấy tình yêu của ông đối với Kiều lớn như thế nào.

Nói về cuốn sách này, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn và Vũ Thanh có bình luận: “Nhìn chung, tất cả các bản Kiều Quốc ngữ đều chưa quan tâm đến chú thích như một thao tác quan trọng của văn bản học Hán Nôm” (tr.7). Nhưng bản sách này của GS. Kiều Thu Hoạch được “phiên âm, chú giải chuẩn theo bản Nôm, với trình độ chuyên nghiệp cao, đồng thời bổ sung, hoàn chỉnh các chú giải nguyên chú, cũng như mở rộng cách đọc so sánh “liên văn bản” với bản gốc Thanh Tâm Tài Nhân, theo yêu cầu của đời sống học thuật hiện đại, trở thành bản Kiều Quốc ngữ hoàn hảo của thế kỷ XXI” (tr.9).

Ở một góc nhìn khác, cha tôi, một kỹ sư địa chất, không phải “chuyên gia” về Kiều nhưng ông “yêu Kiều” đến mức có thể đọc xuôi, đọc ngược, “lẩy” Kiều và dùng từng câu thơ trong Truyện Kiều để răn dạy chúng tôi từ lúc bé thơ cho đến khi trưởng thành.

Tuy có viết nhiều bài báo và có lẽ là cộng tác viên cao tuổi nhất của một số tờ báo lớn cách nay nửa thế kỷ nhưng ở độ tuổi 90, lần đầu tiên ông vừa hiệu khảo xong một bản thảo về Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim với lời Tựa của Tiên Phong – Mộng Liên Đường chủ nhân viết ở Thán hoa hiên đất Hạc Giang, tháng 2 năm Minh Mệnh. Qua đây, ông thống kê có tới 42 lỗi cần hiệu khảo.

Truyện Thúy Kiều bản hiệu khảo của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim in lần 2 năm 1927.

Có thể nói, “yêu Kiều” là một thú vui vô cùng tao nhã của nhiều người Việt Nam hơn hai thế kỷ qua nhưng ẩn sâu trong đó là tầm ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Nguyễn Du mà lớp lớp người Việt Nam đã cảm thụ được và vẫn đang tiếp tục phát huy.

Tầm tư tưởng lúc sinh thời của Nguyễn Du, tuy chưa giải quyết được “nỗi đau khổ lớn của dân tộc” như Nguyễn Huy Thiệp đề cập, nhưng đó là một hệ tư tưởng xuyên suốt trong tâm thức người Việt Nam. Nhận thức được hệ tư tưởng đó dù là học giả hay những người “yêu Kiều” đều hết sức đáng trân trọng. Đó sẽ là tảng nền để mỗi người Việt Nam chúng ta có trách nhiệm hơn với dân tộc mình, đất nước mình.

PGS-TS. Đinh Hồng Hải (Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/yeu-kieu-tu-tuong-nguyen-du-trong-xa-hoi-duong-dai-39943.html