Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề

* Bạn đọc Hoàng Thu Hà ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, hỏi: Yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 34, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT quy định yêu cầu về BVMT đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề như sau:

Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT. Công trình BVMT của cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Ảnh minh họa: TTXVN

1. Có hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải theo quy định của chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với hạ tầng BVMT của làng nghề.

2. Có công trình xử lý nước thải hoặc công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp hạ tầng BVMT của làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

3. Có công trình xử lý khí thải hoặc công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp có phát sinh khí thải phải xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

5. Có biện pháp, công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Phạm Thị Nhung ở xã Bình Nguyên, huyện Sơn Bình, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi: Hành vi vi phạm quy định về khai quật khảo cổ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 24, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thăm dò, khai quật khảo cổ không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh không đúng nội dung quy hoạch, dự án và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thăm dò, khai quật khảo cổ không có giấy phép;

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh mà không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đào bới, trục vớt trái phép tại các địa điểm khảo cổ.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và hành vi đào bới trái phép tại các địa điểm khảo cổ quy định tại khoản 3 điều này.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/yeu-cau-ve-bao-ve-moi-truong-doi-voi-cac-co-so-ho-gia-dinh-san-xuat-trong-lang-nghe-750309